Doanh nghiệp nô nức gom hàng
Ngày 26.5, UBND tỉnh Bắc Giang đã làm lễ xuất hành cho lô hàng đầu tiên 20 tấn vải thiều xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Số vải thiều này được các doanh nghiệp thu mua từ HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, xã Phúc Hòa (H.Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa, cho biết với 15 ha diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Úc… Dự kiến sản lượng vải thiều sẽ đạt khoảng 170 tấn. Trong đó, 100 tấn đã được 2 doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua để xuất khẩu đi Nhật Bản.
Ông Thiết cũng cho biết trong 3 năm nay nhu cầu vải xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, châu Âu đều tăng theo từng năm. Năm 2020, HTX sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa có chưa đến 10 ha thì nay diện tích đã có 15 ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGap. Trồng vải xuất khẩu Nhật Bản, châu Âu đòi hỏi khắt khe trong khâu chăm sóc, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng rất ít, chủ yếu là thuốc sinh học. Bù lại, giá bán vải luôn cao hơn 30 - 40% so với giá thị trường.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vải thiều của địa phương này ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc đang chuyển đổi sản xuất để hướng đến các thị trường cao cấp hơn, để quả vải có giá trị cao hơn. Trong đó, Nhật Bản và châu Âu là những thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất. Mùa vụ năm nay, Bắc Giang hiện có 219 ha trồng vải thiều được cấp 30 mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản, châu Âu. Dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng ngay từ đầu vụ đã có 5 doanh nghiệp lớn ký hợp đồng thu mua vải thiều xuất khẩu Nhật Bản.
Còn tại vùng trồng vải thiều lớn nhất ở Hải Dương, bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó chủ tịch thường trực UBND H.Thanh Hà, cho biết trong ngày 23.5 vừa qua lô hàng vải thiều xuất khẩu Nhật Bản từ địa phương này đã được thông quan tại Nhật Bản. Sau khi đưa vào các siêu thị tại Nhật Bản, vải thiều có sức tiêu thụ khá tốt. Còn thực tế tại H.Thanh Hà, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các nhà vườn trồng vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap để gom hàng xuất khẩu. “Giá bán vải thiều xuất khẩu phổ biến trong khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, doanh nghiệp cũng cam kết thu mua cao hơn thị trường ít nhất 10%”, bà Hà nói.
Đưa vải thiều vào chuỗi bán lẻ ở Nhật Bản, châu Âu
Ghi nhận từ phía các doanh nghiệp, thị trường Nhật Bản và châu Âu đang có những tín hiệu sôi động hơn những mùa vụ trước đây bất chấp ảnh hưởng dịch Covid-19.
Ông Lại Huy Bình, Giám đốc Công ty CP quốc tế Bamboo - doanh nghiệp đã có hơn 3 năm xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản, cho rằng để tăng số lượng xuất khẩu vải vào thị trường này thì khó nhất là công nghệ bảo quản đi theo đường biển. Nhưng năm nay, công nghệ bảo quản vải thiều đi Nhật Bản lên tới 22 ngày đảm bảo quả vẫn tươi ngon là tín hiệu tích cực để các doanh nghiệp tăng xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.
Cũng theo ông Bình, sau khoảng 10 năm Việt Nam kiên trì quảng bá, tiếp thị tại thị trường Nhật Bản thì quả vải thiều khá quen thuộc với người tiêu dùng Nhật Bản, mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Đến giờ phút này, chúng tôi sẵn sàng kế hoạch xuất khẩu trên 80 tấn vải thiều tươi vào thị trường Nhật Bản”, ông Bình nói.
Đại diện một trong số doanh nghiệp tốp đầu thành công đưa vải thiều vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty NXK trái cây Chánh Thu, chia sẻ ngoài thị trường Nhật Bản, năm nay doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều vào châu Âu. Ngay từ đầu vụ nhiều doanh nghiệp châu Âu đã chủ động liên hệ đặt hàng xuất khẩu vải thiều đi châu Âu. Trong đó, một doanh nghiệp hiện đang là đầu mối của chuỗi khoảng 6.000 siêu thị khắp châu Âu. Trong ngày 26.5, doanh nghiệp này đã gửi hàng mẫu đi châu Âu cho phía đối tác để kiểm tra chất lượng. Nhưng theo bà Vy, nếu đã làm được vải thiều đi Nhật Bản thì có thể vào được tất cả các thị trường khác. “Nếu theo yêu cầu của đối tác thì số lượng rất lớn trong khi diện tích trồng vải thiều đạt tiêu chuẩn GlobalGap hiện tại không nhiều nên chúng tôi không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng, hướng mục tiêu đưa vải thiều vào chuỗi bán lẻ tại châu Âu”, bà Vy nói.
Theo bà Ngô Tường Vy, vải thiều xuất khẩu vào Nhật Bản năm nay sẽ có một hình ảnh khác biệt khi doanh nghiệp này đã có kế hoạch đưa vải thiều vào tiêu thụ tại các chuỗi bán lẻ của người Nhật thay vì phần lớn chỉ bán cho cộng đồng người Việt như những năm trước đây.
“Xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, châu Âu với số lượng tăng lên hằng năm đã góp phần khẳng định giá trị và nâng tầm thương hiệu. Các thị trường khó tính này cũng là bàn đạp, tiền đề cho quả vải thiều đi sâu vào các thị trường khác và những thị trường này cũng đang làm thay đổi tư duy của nông dân trong sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng cao đáp ứng các thị trường khó tính để nâng cao giá trị kinh tế của quả vải”, bà Vy nói.
Cũng theo ông Trần Quang Tấn, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều đi các thị trường cao cấp, trong ngày 8.6, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều. “Ngoài các điểm cầu với các doanh nghiệp Trung Quốc là thị trường truyền thống như mọi năm thì năm nay, lần đầu tiên chúng tôi sẽ mở thêm điểm cầu xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp tại Nhật Bản, Singapore và Úc”, ông Tấn nói.
Bình luận (0)