Vai trò Bắc Cực trong chiến lược hải quân Trung Quốc

Văn Khoa
Văn Khoa
07/02/2020 09:00 GMT+7

Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã quyết định đưa tham vọng ở Bắc Cực vào chiến lược hải quân và có thể điều tàu ngầm tuần tra ở khu vực.

Trong bài phân tích mới được đăng trên website của Tổ chức nghiên cứu The Jamestown Foundation (Mỹ), chuyên gia về chính trị vùng địa cực và Trung Quốc ở Đại học Canterbury (New Zealand) Anne-Marie Brady nhận định những tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực đang gióng lên hồi chuông báo động trong chính quyền của nhiều nước.
Bà Brady chỉ ra hồi tháng 5.2019, báo cáo thường niên “Diễn biến an ninh và quân sự liên quan CHND Trung Hoa” của Lầu Năm Góc lần đầu tiên dành một phần đề cập những quan tâm quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực và cảnh báo khả năng nước này điều tàu ngầm tới khu vực.
Mới đây, chuyên gia Ryan D.Martinson tại Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Mỹ cũng viết bài phân tích cho thấy Bắc Kinh đã quyết định đưa tham vọng ở Bắc Cực vào chiến lược hải quân và các nhà khoa học Trung Quốc đang hỗ trợ hiện thực hóa tham vọng này.

Từ “biển gần” đến Bắc Cực

Mỹ tìm cách đối phó Trung Quốc ở Bắc Cực

  Quân đội Mỹ mới đây cảnh báo tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở Bắc Cực đang trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với Mỹ, theo tờ The Washington Times. Trước tình hình này, Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) tài khóa 2020 chỉ đạo chính quyền Mỹ tiến hành nghiên cứu toàn diện về tất cả “hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực cũng như đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở Bắc Cực”.
NDAA còn kêu gọi Lầu Năm Góc tiếp tục xác định “các cảng chiến lược” ở Bắc Cực để xây dựng những vị trí này thành nơi chứa các tàu hải quân Mỹ. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ có kế hoạch đóng tàu phá băng thứ 3 trong 5 năm tới. Trung Quốc hiện cũng có 2 tàu phá băng.
 
Chiến lược hải quân chính thức đầu tiên của Trung Quốc được đưa ra vào giữa thập niên 1980, khi hải quân nước này (PLAN) ưu tiên chiếm các đảo Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, theo bài phân tích của ông Martinson, cũng được đăng trên website của The Jamestown Foundation.
Chiến lược này, được gọi là “phòng vệ biển gần”, chỉ đạo PLAN chuẩn bị chiếm giữ và duy trì vị thế chỉ huy ở các vùng biển trong chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines.
Đến năm 2015, chiến dịch hải quân của Trung Quốc chính thức đổi thành “phòng vệ biển gần, bảo vệ biển xa”. Ông Martinson khẳng định Bắc Cực không xuất hiện trong hai chiến lược hải quân trước nhưng chắc chắn sẽ có trong chiến lược kế tiếp.
“Quân đội Trung Quốc đã quyết định rằng chiến lược hải quân mới sẽ đưa PLAN đến Bắc Cực. Có lẽ vì quyết định này, cộng đồng nghiên cứu chiến lược của quân đội Trung Quốc ngày càng bàn luận nhiều về vai trò tương lai của quân đội trong khu vực mới”, ông Martinson nhận định và chỉ ra Chính ủy Học viện Hải quân Đại Liên (Trung Quốc) Dụ Văn Binh đã tiết lộ tên của chiến lược kế tiếp trong bài viết được đăng trên báo của hải quân nước này hồi tháng 7.2018.
Cụ thể, ông Du viết rằng chiến lược của PLAN sẽ chuyển sang khái niệm mới: “phòng thủ biển gần, bảo vệ biển xa, hiện diện trên đại dương và mở rộng tới hai cực”.
Cũng trong năm đó, Đại tá PLAN Tả Bằng Phi công khai bàn luận giá trị quân sự của Bắc Cực đối với Trung Quốc và kêu gọi triển khai các lực lượng hải quân đến khu vực.
“Khi thế giới trở nên nóng hơn, những lối đi hẹp ở Bắc Cực sẽ trở thành khu vực càng quan trọng đối với các hoạt động của lực lượng trên biển Trung Quốc. Một khi những lực lượng này hiện diện bình thường ở khu vực, họ sẽ không chỉ có thể khiến các cường quốc như Mỹ và Nga có quyết định khác mà còn giảm được áp lực đáng kể từ các thành phần phản đối chính trong những hướng đi chiến lược khác của chúng ta”, ông Tả bình luận.

Tuần tra răn đe hạt nhân

Chuyên gia Martinson dự đoán PLAN sẽ có hai sứ mệnh ở Bắc Cực. Sứ mệnh thứ nhất là bảo vệ các quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Cực, trong đó có việc đi lại tự do và tiếp cận nguồn tài nguyên ở các vùng biển khu vực.
Sứ mệnh thứ hai là tiến hành các cuộc tuần tra răn đe hạt nhân. Việc này sẽ giúp Trung Quốc có thể đảm bảo tốt hơn khả năng tấn công thứ 2 (khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân).

[VIDEO] Chó husky 'phối hợp tác chiến' cùng binh lính Nga tại Bắc Cực

Trước đó vào năm 2015, Sách Chiến lược học do Đại học Quốc phòng Trung Quốc xuất bản đã mô tả Bắc Cực là “nơi ẩn náu lý tưởng cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược”. Ngoài ra, Đại tá Tả cũng nhận định: “Thời tiết xấu của Bắc Cực và những tảng băng dày ngăn chặn các bộ cảm biến truy và theo dõi tình hình dưới lớp băng. Điều này sẽ giúp các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo của chúng ta hoạt động với khả năng tàng hình và có thể sống sót lâu hơn, đồng thời gia tăng khả năng tấn công thứ 2 của chúng ta”.
Ông Tả còn nhấn mạnh: “Một khi các lực lượng của chúng ta hiện diện được ở Bắc Cực, chúng ta sẽ có thể gia tăng tính bất ngờ của các cuộc tấn công và tăng thêm khó khăn cho hệ thống cảnh báo sớm của đối phương… Điều này sẽ giảm sức ép chiến lược do hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ gây ra”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.