Vận chuyển thư tín từ thời Nguyễn, có nên chọn ngựa là biểu tượng của ngành bưu điện?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/03/2021 19:00 GMT+7

Là một trong 12 con giáp trong văn hóa phương Đông, ngựa là loài vật cần cù cho việc thồ hàng, vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm... Đặc biệt ngựa rất quan trọng trong việc vận chuyển thư tín từ thời Nguyễn, vậy có nên chọn ngựa là biểu tượng của ngành bưu điện?

Đề xuất ngựa là vật tổ ngành bưu điện chỉ mang ý kiến cá nhân của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong cuốn sách Huế triều Nguyễn một cái nhìn (Omega và NXB Thế giới ấn hành), dù có thể gây bàn cãi nhưng cũng có  lý lẽ của riêng ông.
Ai cũng biết, trong đời sống văn hóa nghệ thuật ở Huế, sau rồng thì ngựa đứng đầu trong tứ linh và là biểu tượng của thiên tử. Theo Wikipedia: “Hình tượng con ngựa hiện diện từ sớm trong văn hóa Đông - Tây, ngựa là một trong những loài vật được con người thuần hóa, sử dụng trong đời sống hằng ngày và là loài vật gắn liền với chiến trận, là con vật cưỡi gắn liền với các vị tướng, danh nhân. Hình ảnh con ngựa còn là chủ đề cho các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thơ văn... Đối với văn hóa phương Tây, ngựa gắn liền với nhiều biểu tượng thần thoại và là hình ảnh Nhân Mã trong 12 cung Hoàng đạo”.

Ở thời Nguyễn, ngựa trạm được dùng để đưa chuyển chuyển giấy tờ, thư từ cho triều đình

ẢNH: T.L

Đặc biệt ở Huế, triều đình còn cho tạc ngựa thành tượng gỗ để đưa vào thờ trong Quảng Hiếu Đường của chùa Từ Hiếu - một trong những ngôi cổ tự lớn và là danh lam có tính văn hòa, lịch sử của cố đô. Hay theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong cuốn sách đã dẫn, ngựa gỗ còn được để bên cạnh án thờ của Tả quân Lê Văn Duyệt, cùng với thanh gươm đao vốn là hai người bạn thân thiết trong cuộc đời chinh chiến của người hùng đất phương Nam. Ngay cả trên bàn thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) trong Điện Hòn Chén cũng có tượng con ngựa.
Lúc khoa học kỹ thuật chưa phát triển, đời sống còn thiếu thốn các phương tiện đi lại thì con người sử dụng đến ngựa khá nhiều trong trận mạc và vận chuyển hàng hóa. Ở thời Nguyễn, ngựa trạm được dùng để đưa chuyển giấy tờ, thư từ cho triều đình. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích về một số từ ngữ, tên gọi liên quan đến ngựa có từ thời bấy giờ, như : “Người cưỡi ngựa di chuyển công văn, thư tín gọi là phu trạm. Cơ quan phụ trách việc này thuở xưa gọi là dịch trạm. Chữ dịch (chữ Hán) được tạo thành từ ba chữ: (mã: ngựa), tứ (bốn) và hạnh (tốt), chứng tỏ ngựa rất quan trọng với “ngành bưu điện” thuở trước, đến độ phải đưa nó vào trong văn tự khai sinh ra ngành này”. Từ những phân tích đó, “kẻ hậu sinh” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - NV) đã mạo muội đề xuất nên chăng cần chọn ngựa làm biểu tượng của  ngành bưu điện.

Long mã ở Huế là linh vật gì?

Ở Huế, ngoài rồng và ngựa thì có một linh vật khác cũng xuất hiện khá nhiều, đó là long mã. Sách đã dẫn cho biết: "Cũng liên quan đến ngựa nhưng long mã là ‘ngựa đã hóa rồng’, trên lưng mang Hà đồ, một trong hai thứ để người xưa vận dụng giải thích nên sự hình thành của vũ trụ (thứ kia là Lạc thư)".
Đến với đất cố đô, du khách có thể bắt gặp hình tượng long mã được người xưa trang trí trên các cấu kiện gỗ ở chùa, thành bậc thềm các cung điện, lăng tẩm, trên các mảng tường trang trí, vẫn còn cho đến ngày nay.

Ờ Huế, hình tượng long mã (ngựa hóa rồng) được sử dụng nhiều trong kiến trúc bình phong 

Hình long mã trên bức bình phong được dựng năm 1896 ở trường Quốc học Huế

ẢNH: T.L

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn tiết lộ: “Điển hình nhất là hình long mã trên bức bình phong được dựng năm 1896 ở trường Quốc học Huế, ngôi trường nổi tiếng nhất trong lịch sử giáo dục triều Nguyễn thời cận đại và là niềm tự hào của bao thế hệ học trò đất Huế”.
Tác giả sách đã dẫn khẳng định: "Trải qua bao dâu bể, bức bình phong hình long mã ấy vẫn tồn tại cùng năm tháng và là một trong những nhân chứng lịch sử đầy trân trọng của xứ Huế, một biểu tượng cho sự kết hợp thú vị giữa rồng và ngựa, hai con vật xuất hiện nhiều nhất trong mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.