(TNO) Các nhà khoa học vừa phát hiện những dấu tích còn sót lại của tế bào máu và da trong hóa thạch khủng long 75 triệu năm tại một bảo tàng ở Anh. Đây được xem là khám phá hết sức đặc biệt của ngành cổ sinh vật học thế giới, The Independent đưa tin.
Cấu trúc tế bào máu tìm thấy trong hóa thạch móng vuốt của loài khủng long theropod - Ảnh chụp màn hình Daily Mail |
Các nhà khoa học tại Trường đại học Imperial College ở thủ đô London (Anh) đã tìm thấy những mô mềm cực hiếm này trên 8 hóa thạch khủng long. Các mẫu vật được cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London trong hơn 100 năm qua, gồm móng vuốt của loài khủng long ăn thịt theropod và một số của loài hadrosaurs khác.
Khám phá đặc biệt này sẽ khiến các nhà cổ sinh vật học trên khắp thế giới kiểm tra lại toàn bộ hóa thạch cũ. Trước đây, những mô mềm hiếm có này chỉ được tìm thấy trong hóa thạch khủng long được bảo quản cực tốt, theo Daily Mail.
Trong khi đó, điều kiện bảo quản lại phụ thuộc nhiều vào môi trường nơi khủng long chết. Phần lớn, các mô mềm như da, cơ và máu sẽ nhanh chóng bị phân hủy chỉ còn lại bộ xương. Xương qua thời gian chịu tác động của một số yếu tố tự nhiên đặc biệt sẽ hóa thạch.
Các sợi collagen trong hóa thạch dưới kính hiển vi - Ảnh chụp màn hình Daily Mail |
Trong phát hiện mới, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều sợi dài tương tự như collagen, một loại protein có trong da và tóc. Những protein dạng này thường biến mất hoàn toàn sau 4 triệu năm.
Nghiên cứu các mô mềm có thể làm sáng tỏ một trong những bí ẩn lớn nhất về sự tiến hóa của khủng long. Nhiều nhà khoa học vốn cho rằng khủng long là loài máu lạnh nhưng chưa rõ vì sao qua quá trính tiến hóa, hậu duệ của chúng là loài chim lại có máu nóng.
Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu những mô mềm từ hóa thạch có chứa mã di truyền ADN và công nghệ hiện đại có thể hồi sinh khủng long hay không. Tiến sĩ Susannah Maidment, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết họ không phát hiện bất kỳ vật liệu di truyền nào trong hóa thạch.
Bình luận (0)