Trong giai đoạn 2023 - 2025, Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) thuộc diện phải sắp xếp, bởi diện tích tự nhiên của quận này chỉ 5,29 km2, thấp hơn gần 7 lần so với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận. Theo UBND TP.Hà Nội, về phương án sắp xếp, TP sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở kết quả rà soát và phương án sắp xếp của Q.Hoàn Kiếm.
Chia sẻ quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Ánh Hồng, nhà nghiên cứu văn hóa, đề nghị cơ quan chức năng cân nhắc việc sáp nhập Q.Hoàn Kiếm. Bởi lẽ, tên gọi của quận này gắn liền với hồ Hoàn Kiếm, gắn liền với sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm cho rùa thần. Hoàn Kiếm còn là một trong 4 quận có bề dày lịch sử văn hóa bậc nhất của Hà Nội, có vị trí linh thiêng trong đời sống văn hóa của thủ đô, của VN.
"Q.Hoàn Kiếm giống như một bảo tàng của lịch sử Thăng Long - Hà Nội, có rất nhiều di tích lịch sử và các danh thắng. Nếu xóa tên gọi Hoàn Kiếm vì một lý do nào đó để sáp nhập quận này là điều không nên; là động đến ký ức linh thiêng của lịch sử, động đến văn hóa tâm linh. Do đó, cần phải xem xét thật kỹ càng khi buộc phải sáp nhập Q.Hoàn Kiếm", TS Ánh Hồng nói.
Trong tình huống giả định sẽ giữ nguyên tên gọi Hoàn Kiếm, không sáp nhập mà mở rộng diện tích, TS Ánh Hồng bày tỏ sự đồng tình và cho rằng phương án này rất tốt vì vẫn giữ được khu vực lõi. Đời sống, văn hóa sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng tốt đẹp hơn vì tên gọi vẫn được giữ lại, diện tích lại được bổ sung.
Quận Hoàn Kiếm thuộc diện sáp nhập: Người Hà Nội sợ 'rắc rối chuyện giấy tờ'
"Văn hóa sẽ không mất đi nếu Hoàn Kiếm mở rộng cho đủ tiêu chuẩn về diện tích. Văn hóa có các yếu tố, tiêu chí riêng để tồn tại. Văn hóa luôn chìm khuất trong đời sống mà người dân đang xây dựng, đang thực hiện thông qua các hoạt động của mình. Người VN thường nói vui rằng cái tên nói lên tất cả. Đối với Hoàn Kiếm, cái tên gắn liền với cả một trầm tích văn hóa sâu bền. Chỉ khi cái tên Hoàn Kiếm không còn thì rất nhiều thứ mới mất đi", TS Ánh Hồng nói.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng hiện tại Q.Hoàn Kiếm có diện tích hơn 5,2 km2 là quá nhỏ. "Tôi chỉ có một lưu ý, đó là cơ quan có thẩm quyền hãy chứng minh việc sáp nhập là cần thiết hoặc chứng minh việc không sáp nhập là cần thiết, dựa trên lợi ích chung của đất nước, địa phương", TS Đức chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính được nêu rõ tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, đặc biệt là nằm trong Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Cụ thể, ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên còn có yếu tố đặc thù. Ví dụ, có địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; có yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống, dân tộc… để nghiên cứu, xem xét sắp xếp đơn vị hành chính. "Hiện, Q.Hoàn Kiếm mới được đánh giá theo tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên. Ngoài ra, còn yếu tố đặc thù gồm điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không", ông Thành nói.
Xem nhanh 20h ngày 6.8: Bất an trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết | Người Hà Nội tâm tư về quận Hoàn Kiếm
Bình luận (0)