Văn hóa khẩu trang

Duy Tính
Duy Tính
11/11/2020 09:51 GMT+7

Nếu như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, khẩu trang chủ yếu được các nhân viên y tế sử dụng, thì đến nay, không riêng gì Việt Nam mà trên thế giới, ý thức về chiếc khẩu trang của người dân đã hoàn toàn thay đổi.

Chiếc khẩu trang bây giờ không chỉ đơn thuần dùng để tránh bụi, che nắng mà còn giúp tránh bị nhiễm bệnh cho bản thân; tránh lây lan cho cộng đồng nếu bản thân đang mắc bệnh. Chiếc khẩu trang đã “tăng giá trị sử dụng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ở giai đoạn “bình thường mới” hiện tại, đặc biệt là tiết trời đông xuân, theo cảnh báo của các chuyên gia phòng chống dịch thì nguy cơ dịch Covid-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do vậy, chiếc khẩu trang bây giờ được khuyến cáo như là “bùa hộ mệnh” để phòng chống dịch.
Nhưng có lẽ do bị “ức chế” tâm lý khi nhiều tháng nay phải mang khẩu trang lúc ra đường, đến nơi công cộng theo quy định thực hiện “giãn cách xã hội”, nên khi dịch mới chỉ tạm lắng thì một bộ phận không nhỏ người dân đã “quên” đi chiếc khẩu trang - dù hiện giờ giá khẩu trang đã rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng ở một số địa phương cũng “du di”, “nhẹ tay” hơn rất nhiều đối với những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, kể cả ở bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh cao... Rõ ràng, sự chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 đã xuất hiện.
Thực tế, dịch Covid-19 vẫn còn là mối lo thường trực của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc mang khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng không chỉ giúp bảo vệ bản thân, cộng đồng mà cần được xem là nét “văn hóa mới” trong trạng thái “bình thường mới”. Để làm được điều này, cùng với tuyên truyền phòng chống dịch sâu rộng, thường xuyên, hành vi không mang khẩu trang nơi công cộng cần được các ngành chức năng tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm minh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.