Giai điệu tự hào hát về chiến tranh biên giới

31/07/2016 10:51 GMT+7

Giai điệu tự hào tháng 7 đã hát lại những bài hát của người lính biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam năm xưa. Như một lời tri ân.

Giai điệu tự hào Chiều biên giới bắt đầu bằng cú máy từ trên cao nhìn xuống điểm cực Bắc - Lũng Cú, Hà Giang. Một lễ chào cờ với những người lính giống nhau từ quân phục đến độ chính xác của từng động tác. Có lẽ, họ cũng có cùng cảm xúc về biên giới nữa. “Có nơi nào cao hơn. Như đầu sông, đầu suối. Như đầu mây đầu gió. Như trời xanh quê ta”, nhà thơ Lò Ngân Sủng viết vậy và sau đó được phổ nhạc thành bài ca.
Nhưng chương trình Chiều biên giới không chỉ kể câu chuyện về đầu sông đầu suối, mà kể về tình người giữ sông giữ suối. Rất gần thôi, đó là cuộc chiến tranh sau khi nước nhà đã thống nhất, chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam. “Hồi đó chúng tôi còn trẻ. Bài hát này (Chiều biên giới-NV) chúng tôi hát suốt vì hành trang chúng tôi cũng chẳng có nhiều. Đời lính, như anh Thế Hiển hát, có hành trang cơ bản là một ba lô cây súng trên vai. Và bài hát này nữa. Hôm nay chúng tôi gặp lại tuổi trẻ”, nhạc sĩ Trương Quý Hải- cũng là một người lính biên giới năm nào, chia sẻ.
Nhạc sĩ Thế Hiển đã hát về người lính biên giới ba chục năm nay Ảnh BTC cung cấp
Không chỉ nhạc sĩ Trương Quý Hải gặp lại những ngày chiến đấu xưa của mình, còn có nhiều nghệ sĩ khác cũng thế. Đạo diễn Việt Hương, nay đã hỏng giọng như chị tự nhận, cũng hát Hoa sim biên giới. Bên cạnh, nhạc sĩ Hải cầm mic trìu mến. Bao năm hát cho người lính biên giới, giờ đây, vẫn bài hát cũ, đúng là giọng chị đã không thể như xưa với đôi nốt lạc. Chỉ có cảm xúc là đầy hơn, đằm hơn. “Sắc hoa sim yêu thương, trong lòng người lính trẻ…”, chị lạc nốt ở đó. Người lính ngày đó còn trẻ. Có người già đi, hỏng giọng mất như chị ngồi đây. Có người mãi trẻ vì họ đã ra đi gửi thanh xuân cho biên giới ngày đó mất rồi.
Không chỉ ở phía Bắc, mặt trận Tây Nam cũng đón những người trẻ ra đi, rất nhiều người không về. Giai điệu tự hào chỉ chọn một người trong số đó để mở ra không gian bài hát Hãy yên lòng mẹ ơi. Đó là liệt sĩ Trần Duy Chiến, 21 tuổi, cứ viết thư và thả trên đường để người nhặt được chuyển tiếp về cho mẹ. Bức thư cuối viết trước ngày anh hy sinh 1 tháng có câu: “Mẹ ơi, mẹ hãy ôm đứa con trai mẹ vào lòng thật chắc nghe mẹ…”.
Nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ về những ngày ở Campuchia và sáng tác trong thời kỳ đó Ảnh BTC cung cấp
Điểm mạnh nhất của Giai điệu tự hào tháng 7 có lẽ nằm ở những câu chuyện do chính người trong cuộc chia sẻ. Có nốt nhạc lạc quan khi nhạc sĩ Thế Hiển kể về chuỗi ngày biểu diễn trong tốp ca khúc chính trị hồi những năm 80. Chỉ một trống, một guitar- biên chế nhóm đơn giản như vậy, nhưng khi đoàn Bông Sen của anh sang Liên Xô, ai cũng hỏi vì sao bài hát chuẩn bị chiến đấu lại tươi vui như thế. Có nốt nhạc bi hùng khi nhà báo Phạm Thục kể chuyện những giảng đường TP.HCM vắng hoe. Người ra trận, cả dãy bàn trống lốc. Nhưng họ ký kết với nhau chuyện một người ở lại học cho mấy người. Để rồi trong những đám ma hoa ít thôi, nhưng người ta gửi cho nhau sách vở chép kín bài học.
Nhạc sĩ Thanh Phương, trong các bản phối của chương trình này đã đẩy mọi thứ đến độ giản dị nhất có thể. Đó là khi anh sử dụng acoustic và bit mới để mang tới cảm giác thoáng đạt, nhẹ nhõm. Gửi lại em đã được phối trên tinh thần đó. Phần đầu bài hát với 3 guitar đệm được chuyển tiếp sang phần acoustic, rồi lại chuyển tiếp với chút tinh thần jazz, và quay lại với những bè hát đan xen. Lệ Quyên- Vũ Dậu- Ngọc Khuê- Bảo Trâm đã có sự chuyển tiếp tươi tắn cho một bài ca.
Bảo Trâm- Ngọc Khuê hát Gửi lại anh Ảnh BTC cung cấp
Tùng Dương ma mị với Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara Ảnh BTC cung cấp
Trong khi đó, bản phối world music cho Tùng DươngAnh lính tình nguyện và điệu múa Apsara, tuy ma mị nhưng lại khó nổi trong âm hưởng lạc quan chung. Đúng hơn, nó chìm giữa những cảm xúc lính hơn, chiến trường hơn. Đó chính là cảm xúc khi Hà Vy- Thục Hiền hát lại Chiều biên giới năm nào. Giọng của họ đã không còn đủ cao và đượm dài như trước nữa. Nhưng tinh thần lính vẫn còn nguyên. Công chúng cũng thấy bừng bừng khi nghe nhạc sĩ Trương Quý Hải hát Lên núi: “Lên núi… Đồng đội ơi bay vào giấc mơ”.
Điểm đáng tiếc, giống như những số trước, vẫn rơi vào người dẫn chương trình nam. BTV Anh Tuấn đã không nói được nhiều về những câu chuyện âm nhạc, vốn là thế mạnh của mình. Cùng lúc, phần dẫn của Diễm Quỳnh đã mở được phần nào không gian lịch sử của những cuộc chiến tranh biên giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.