Ẩm thực miền Trung qua từng nét vẽ

16/09/2018 06:43 GMT+7

93 bức tranh vẽ về 93 món ẩm thực của miền Trung thuộc dự án phi lợi nhuận Miền Trung với chương I - Thực được thực hiện với hy vọng thông qua đồ họa và ẩm thực để kích thích du lịch .

Người đứng sau bộ tranh
Vinh Vương (27 tuổi) chính là người sáng lập nên dự án này trong hành trình rong ruổi khắp mọi miền đất nước chỉ để vẽ và thưởng thức những món ăn.
Miền Trung với chương I - Thực được tách làm hai, với phần đầu (từ Bình Thuận đến Thừa Thiên-Huế) gồm các họa sĩ: Huỳnh Thị Ngọc Tú, Đan, Victor Li (Bình Thuận); Thanh Nguyễn, Thảo Tô (Ninh Thuận); KiRo Illus, Thùy Ninh, Cây Bút Chì (Khánh Hòa); Hạ, Cao Văn Tuân, Nghĩa Kendi (Phú Yên); Rik Bi, Đạt Trần, Nguyễn Tấn Tài (Bình Định); Nguyễn Hoàng Tấn, Bùi Tường Minh Khải, Như Quỳnh (Quảng Ngãi); Thương Thương Hoài, Thương Nhớ (Quảng Nam); My Trần, Phan Phan (Đà Nẵng); Hưng, Minh Hoàng, Shira, Zum (Thừa Thiên-Huế).
Ẩm thực miền Trung được thể hiện qua tranh của các họa sĩ ẢNH: NVCC
Ẩm thực miền Trung được thể hiện qua tranh của các họa sĩ ẢNH: NVCC
Các bức vẽ do nhiều họa sĩ khác nhau thể hiện nhưng đều có điểm chung là: “93 món ẩm thực được đưa vào dự án là các món ăn gần như chỉ có riêng ở vùng đất đó và phải được người bản địa hoặc khách lưu trú lâu ngày biết đến, ví như món lòng chưng ở Quảng Ngãi hay bún chuối ở Bình Thuận”, Vinh Vương nói về tiêu chí để vẽ các món ăn xuất hiện trong bộ tranh.
Vì là người miền nào sẽ vẽ về món ăn của miền đó nên thật sự với tôi chẳng có gì là khó khăn. Bởi những món ăn này, chúng tôi đã ăn từ thời còn nhỏ, tôi vẽ lại nó không chỉ bằng ký ức mà còn bằng sự trải nghiệm của mình về món ăn quê hương
Họa sĩ My Trần
“Nó nảy sinh từ quá trình tôi thực hiện dự án Train. Đó là hành trình vẽ biển hiệu từ nam ra bắc bằng xe lửa, hiện Train đang có mặt tại ga Huế. Ở mỗi ga tàu dừng, tôi lại tìm đến các quán dân dã bán những món ăn đặc trưng của vùng đất ấy và đề nghị vẽ tặng họ biển hiệu hoặc nhãn, bao bì. Trong quá trình vẽ, tôi nhận ra mình biết được nhiều món ăn đậm bản sắc của mỗi địa phương và tôi có mong muốn chia sẻ để mọi người cùng biết đến”, Vinh Vương nói, và chia sẻ thêm: “Tôi hoạt động bên mảng đồ họa chữ, vì vậy ngay từ lúc bắt đầu Train là dự án vẽ chữ, còn Thực là dự án vẽ minh họa. Train bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, còn Thực bắt đầu thực hiện vào tháng 7 năm nay. Hiện tại tôi chỉ tập trung các dự án liên quan đến miền Trung. Riêng dự án Miền Trung với chương I - Thực, tôi xây dựng thành ba chương và phiên bản chuyển ngữ. Tôi muốn dành trọn một năm để mọi người biết nhiều hơn về vùng đất này. Nếu phù hợp, tôi kết thúc dự án miền Trung vào tháng 6 năm sau và sẽ ra tiếp dự án về miền Bắc, vì đây cũng là thời điểm Train đi vào những chặng cuối ở ga Hà Nội”.
Vẽ vì tình yêu dành cho quê hương
Nếu ở những dự án khác, các họa sĩ được chọn tham gia phải nổi tiếng hoặc phải được đào tạo chính quy thì tiêu chuẩn để góp mặt vào dự án Miền Trung với chương I - Thực chỉ đơn giản là: các họa sĩ phải là người miền Trung vì các bạn đang vẽ về miền Trung. “Bạn họa sĩ xuất thân từ vùng đất nào sẽ minh họa món ăn của vùng đất ấy. Phở sắn phải để người Quảng Nam vẽ, chè bột lọc heo quay chỉ có thể do người Huế minh họa”, Vinh Vương nói.
Điểm nhấn của bộ tranh là các món ăn có thể lạ lẫm với du khách nhưng quen thuộc với người bản địa. Ai cũng biết món mì Quảng nhưng người Quảng Nam lại hiểu mì Phú Chiêm mới là cái gốc của món mì này. Bên cạnh đó, điểm đặc biệt của dự án còn được thể hiện qua sự đa dạng trong phong cách đồ họa. “Tôi có tham vọng là để người xem cũng nhận ra rằng hóa ra nghệ thuật, cụ thể ở đây là đồ họa có nhiều phong cách. Muốn có một xã hội phát triển về mặt hình ảnh, về nghệ thuật thì trước tiên phải cho thấy có những kiểu nghệ thuật ngoài hội họa truyền thống đang tồn tại”, Vinh Vương tâm sự.
Họa sĩ Thanh Nguyễn - người phụ trách vẽ tranh ở Ninh Thuận, cũng là tác giả quyển Từ điển cảm xúc vừa ra mắt, tâm sự: “Dự án này còn tìm hiểu thêm về những món ăn chỉ dân địa phương mới biết. Ví dụ như xem bộ tranh mọi người sẽ biết được Ninh Thuận có món mắm ruốc; ở Hàm Tiến và Mũi Né thì có món lẩu thả với các thành phần cá mai hoặc cá suốt, trứng, thịt heo luộc, chả lụa và rau củ thái sợi chan với nước hầm xương và tôm xay... Hay Phú Yên thì có món bánh ba đậu được làm từ đậu phộng, đậu xanh và đậu nành”.
My Trần - họa sĩ minh họa cho quyển sách về voọc chà vá chân nâu trong sự kiện APEC 2017 ở Đà Nẵng, chia sẻ: “Vì là người miền nào sẽ vẽ về món ăn của miền đó nên thật sự với tôi chẳng có gì là khó khăn. Bởi những món ăn này, chúng tôi đã ăn từ thời còn nhỏ, tôi vẽ lại nó không chỉ bằng ký ức mà còn bằng sự trải nghiệm của mình về món ăn quê hương. Vì những lý do đó nên tính xác thực của từng món ăn trong bộ tranh là hoàn toàn chính xác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.