Bí ẩn tháp Hòn Chuông qua 5 thế kỷ bị lãng quên

Nguyễn Thanh Quang
Nguyễn Thanh Quang
16/01/2021 18:30 GMT+7

Trong số những đền, tháp Champa hiện còn, có một kiến trúc được xây dựng ở vị trí khá đặc biệt, thuộc vùng đất của kinh đô Đồ Bàn (châu Vijaya) bị lãng quên hơn 5 thế kỷ, đó là tháp Hòn Chuông.

Tháp Hòn Chuông (hay còn gọi là Hòn Bà, Bà Chằng) nằm trên đỉnh ngọn núi Bà ở độ cao 727 m, thuộc địa phận thôn Chánh Danh, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 50 km về hướng bắc và cách kinh đô Vijaya khoảng 20 km về hướng đông bắc.

Tháp Hòn Chuông nằm trên đỉnh ngọn núi Bà ở độ cao 727m thuộc địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định

ẢNH: NGUYỄN THANH QUANG

Bí ẩn việc xây ngôi tháp độc đáo

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu và cũng là kiến trúc sư danh tiếng Henri Parmentier (Pháp) đã khảo sát, thống kê, đo vẽ, lập bản đồ chấm điểm hệ thống di tích Champa khá tỉ mỉ và khảo tả gần như toàn bộ những ngôi tháp cũng như phế tích các đền, tháp, di tích văn bia Champa, nhưng ông đã bỏ sót tháp Hòn Chuông.
Trong những năm gần đây, nhiều học giả Việt Nam có những công trình nghiên cứu về văn hóa Champa rất công phu, nhưng họ vẫn chưa phát hiện được ngôi tháp heo hút, hẻo lánh này.
Tháp Hòn Chuông được xây trên một khối đá khổng lồ hình quả chuông úp cao khoảng 49 m. Từ chân khối đá khổng lồ Hòn Chuông này không có đường dẫn lên tháp. Bình đồ tháp hình vuông, chân tháp có cạnh dài 4 m, cửa tháp mở ra hướng Đông, ba mặt còn lại được xây kín, không có cửa giả như những ngôi tháp Champa khác hiện còn, thân tháp xây thu nhỏ dần lên đỉnh và không có gờ, không trang trí chạm trổ hoa văn, không có trang trí điêu khắc đá, đế tháp được xây lót bằng một lớp đá cuội.
Tháp bị đổ phần ngọn, thân tháp hiện còn cao khoảng 5 m, lòng tháp bị gạch đổ lấp, gạch xây tháp chủ yếu là loại gạch 32 cm x 16 cm x 6 cm, là một trong những loại gạch có kích thước được sử dụng phổ biến ở các tháp Chăm. Chất liệu đá được sử dụng ở tháp Hòn Chuông duy nhất chỉ ở khung cửa tháp, có nhiều loại mảnh ngói rơi vãi dưới chân tháp: ngói âm dương dài 30 cm, rộng 20 cm, lõm ở giữa, và hai loại ngói vảy một loại rộng 10 cm, một loại rộng 20 cm cùng một số hiện vật đất nung hình sừng bò trang trí đầu mái ngói.

Việc xây tháp đến nay vẫn còn bí ẩn

ẢNH: CẬN TÙNG

Không biết ngày xưa người Chăm đã vận chuyển nguyên vật liệu lên để xây tháp Hòn Chuông bằng cách nào? Ngày nay, đường đi lên tháp rất hiểm trở, khó khăn. Đường lên tháp gần nhất là đi từ hướng bắc thuộc thôn Chánh Danh, xã Cát Tài và nhờ người địa phương dẫn đường mất khoảng 3-4 giờ băng rừng, lội suối mới đến chân tháp Hòn Chuông.
Để lên được khối đá khổng lồ cao 49 m lại là một khó khăn lớn hơn nữa. Muốn lên đến tháp Hòn Chuông phải nhờ những người leo trèo giỏi, bám vào vách đá leo lên trên tháp cột thả dây xuống, bám vào dây mới trèo lên tháp được.
Từ vị trí tháp Hòn Chuông có thể bao quát tầm nhìn rộng lớn cả vùng Vijaya xưa (Bình Định ngày nay), từ phía đông là đầm Nước Ngọt (Đề Gi) vào đầm Thị Nại (Quy Nhơn) lên đến chân dãy Trường Sơn, phía tây và hai phía bắc – nam là đồng bằng sông La Tinh và đồng bằng sông Côn.
Phải chăng tháp Hòn Chuông là một ngôi tháp canh hoặc có một chức năng tôn giáo linh thiêng khác biệt hơn những đền, tháp khác nên có hình dáng cấu trúc khác lạ và được ngự trên một vị trí khá đặc biệt, cao nhất, hiểm trở nhất trong lịch sử xây dựng đền tháp của Champa? Thế nhưng đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một tư liệu lịch sử hoặc truyền thuyết liên quan đến ngôi tháp Hòn Chuông độc đáo này.
Mặc dù việc phát hiện có muộn màng, nhưng tháp Hòn Chuông đã được bổ sung vào danh mục đền, tháp - di sản kiến trúc nghệ thuật Champa. Trong tương lai không xa, những nhà nghiên cứu văn hóa Champa sẽ cho chúng ta những hiểu biết sâu hơn về ngôi tháp Hòn Chuông hiểm trở, huyền bí bị lãng quên có một không hai này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.