Có thể nói, sân khấu cải lương gần đây đã có những dấu hiệu khởi sắc đáng mừng, khi nhiều sân khấu dựng vở thường xuyên và các gương mặt nghệ sĩ tài danh đã tái xuất trên sàn diễn.
Không còn khó kiếm chỗ xem cải lương
Nếu như trước đây, khán giả thường than thở khó tìm chỗ đi xem cải lương vì ít có sân khấu sáng đèn, thì giờ đây, chẳng những được xem cải lương thường xuyên mà khán giả còn có thể chọn lựa cho mình loại hình nào mà mình thích. Ví dụ như muốn xem nguyên vở thì có thể chọn sân khấu Đại Việt (vừa qua là vở khai trương Chuyện tình Khau Vai và sắp đến là vở Đoạt hồn), xem tuồng cổ thì có sân khấu xã hội hóa Vũ Luân, sân khấu Chí Linh - Vân Hà, sân khấu Kim Ngân (mới nhất là vở Đam mê và quyền lực, tác giả và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ, vừa công diễn và sẽ có suất tiếp theo vào ngày 13.10)...
Còn như thích chương trình tổng hợp thì có Cải lương - Trăm năm nguồn cội (tác giả và đạo diễn Quang Thảo, do Green Horizon sản xuất), sắp đến là live show của NSƯT Kim Tử Long mang tên Thánh đường sân khấu, sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12.10 và Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) vào ngày 19.10. Xem miễn phí thì chờ đến các suất diễn của Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM).
|
Cùng với việc “trăm hoa đua nở” ở các sân khấu thì khán giả cải lương gần đây còn được tái ngộ với nhiều nghệ sĩ tài danh, có người vốn một thời gian dài ít xuất hiện trên sân khấu. Cụ thể như NSƯT Vũ Linh (trong Cải lương - Trăm năm nguồn cội, chương trình Hồng Phượng - Người đưa đò), NSND Bạch Tuyết với vai diễn cô Lựu trong vở cải lương xã hội xếp vào hàng kinh điển Đời cô Lựu (trích đoạn trong Cải lương - Trăm năm nguồn cội); danh ca Thanh Kim Huệ (vở Lan và Điệp, khách mời trong Cải lương - Trăm năm nguồn cội); NSND Thanh Tuấn, nghệ sĩ ca hơi dài nổi tiếng Châu Thanh (khách mời trong Cải lương - Trăm năm nguồn cội)…
Còn trong live show của nghệ sĩ Kim Tử Long sắp đến, khán giả cũng sẽ được tái ngộ với NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Ngọc Huyền…
|
|
Kịch bản mới, cách làm mới
Không chỉ nhiều sân khấu sáng đèn, cải lương đang có một chuyển mình đáng ghi nhận với những cách làm mới, thích ứng và theo kịp thời đại. Một số chương trình gần đây đã được nhà sản xuất xây dựng những fanpage riêng để giới thiệu và cập nhật thông tin, diễn biến hoạt động cho từng vở. Các fanpage này cũng giúp tạo sự tương tác hiệu quả với khán giả, giúp cải lương đến gần khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ hơn.
Nói về cách làm, Cải lương - Trăm năm nguồn cội là một trong những chương trình tạo được dấu ấn với cả khán giả lẫn người trong nghề, với việc tổ chức một nội dung khá độc đáo, mà nói như soạn giả Hoàng Song Việt: “Nếu tính theo trình tự thì đây là chương trình phát pháo cho những chương trình về sân khấu cải lương, bởi nó như một kịch bản tư liệu được dàn dựng khéo léo, dẫn dắt sinh động, tung hứng giữa MC và các nghệ sĩ tham gia đêm diễn. Khán giả đã rất hào hứng vì bao nhiêu năm yêu mến cải lương, bao nhiêu năm xem cải lương, nhưng hôm nay ngoài được xem còn được hiểu cải lương”.
|
|
Đáng chú ý, các sân khấu còn đầu tư các kịch bản mới, như vở Đam mê và quyền lực là một kịch bản mới toanh của NSƯT Hoa Hạ, live show của NSƯT Kim Tử Long sắp đến cũng có 90% tiết mục được viết mới.
Trong đó, Đam mê và quyền lực là một kịch bản mang đến một góc nhìn khác về một câu chuyện vốn đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật trước nay, đó là những biến cố lịch sử dưới thời chúa Trịnh Sâm, và nhân vật được cho là mầm mống tạo ra những bất ổn trong triều chính bấy giờ là Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Khán giả đến với Đam mê và quyền lực vào tối 6.10 vừa qua đã chứng kiến một giai đoạn lịch sử được tái hiện khá sinh động trên sân khấu cải lương. Không chỉ thế, vở diễn còn mang đến một lý giải, một cơ hội cho những người trong cuộc trần tình cho những hành xử vốn từ lâu bị hậu thế lên án.
Còn với Thánh đường sân khấu của NSƯT Kim Tử Long, đảm nhận luôn vai trò là đạo diễn, anh muốn gửi đến khán giản một chương trình không chỉ nội dung mới mà cả cách dàn dựng cũng phải mới. “Một bài tân cổ giao duyên nếu chúng ta cầm micro và hát với một dàn múa xung quanh như đã từng làm thì quá dễ dàng, tôi muốn một bài tân cổ sẽ trở thành một cốt chuyện, lồng trong một câu chuyện để tiết mục trở nên sống động hơn…”, nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ.
Rõ ràng với những chuyến biến tích cực, hi vọng hoạt động cải lương sắp tới sẽ ngày càng khởi sắc và đặc biệt kết nối được ngày càng nhiều bạn trẻ đến với môn nghệ thuật này. Bởi lẽ, khán giả trẻ chính là tương lai của cải lương nên một điều quan trọng khác mà cải lương cần hướng đến hiện nay là tạo ra được một thế hệ khán giả kế thừa vừa yêu thích vừa thực sự am hiểu cải lương.
Bình luận (0)