Cứu bức cổ họa dát vàng và ngọc trai

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/08/2019 08:38 GMT+7

Theo các nhà nghiên cứu, bức cổ họa ở ngôi đền tại tỉnh Ninh Bình thể hiện kỹ thuật rất khó. Đó là dát vàng và bột ngọc trai trên lụa, vẽ nét bằng vàng. Tuy nhiên, cổ vật này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Họa sĩ Phạm Bá Ngọc vẫn nhớ như in cảm giác xúc động khi được nhìn thấy bức chân dung tại đền Thánh Nguyễn (Ninh Bình). Bức họa được nhà đền cất đi và chỉ mang ra vào dịp lễ trọng. Nó được gấp và cuộn tròn nhỏ lại mới có thể cho vào trong chiếc hộp đựng khá chật chội. “Bức tranh này bị gấp bo cho nhỏ để bỏ vừa cái Long Đình cổ. Nghĩa là hai cái này không phải sinh ra dành cho nhau”, ông Ngọc nói. Điều đó chắc chắn sẽ khiến bức tranh bị tổn thương vì gấp nếp.
Tạm thời, theo thông tin của nhà đền, đây là bức tranh vẽ thiền sư Nguyễn Minh Không (Lý Quốc Sư). Thông tin sơ bộ cho biết bức tranh có thể có tuổi đời khoảng 400 - 500 năm.
TS Trần Hậu Yên Thế (ĐH Mỹ thuật Hà Nội) cũng rất thán phục về kỹ thuật vẽ bức tranh đó. Theo ông Thế, bức tranh có một kỹ thuật rất khó là dát vàng trên lụa, vẽ nét bằng vàng. Chưa kể, nền trắng của bức tranh còn được tạo bằng bột ngọc trai. Ông Thế cho biết cũng từng xem vài bức có kỹ thuật này, nhưng không phải ở VN. “Người ta xay vàng ra rồi đi nét, cũng có thể họ làm nền sơn ta rồi rắc vàng bột để đi thành nét. Vì thế, trang phục của thiền sư Nguyễn Minh Không trong tranh đặc biệt lắm. Chiếc áo lót bên trong đẹp vô cùng, mịn như rắc vàng”, ông Thế nói.

Quan trọng nhất là có phương án để cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học. Chứ nếu không sẽ lại có thêm một “tai nạn” giống như đã xảy ra với bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí ở TP.HCM nữa

GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN

Cũng theo ông Thế, có thể thấy sự tương đồng giữa bức họa này với những bức tranh thangka (một loại tranh thờ của Phật giáo Mật Tông). Một thủ pháp nghệ thuật nổi bật của tranh thangka là sử dụng rất nhiều vàng lá thếp lên tranh để diễn tả trang phục vô cùng lộng lẫy. “Về kỹ thuật sử dụng vàng lá trên bức tranh lụa này là độc nhất vô nhị. Vàng được thếp trên trang phục khá phức tạp, có chỗ là ve áo, tràng hạt. Nhưng có chỗ lại là đầu rồng. Cũng như cách xử lý thường thấy ở Tây Tạng, sau khi thếp vàng lên, những đường nét hoa văn lại được vẽ tiếp lên trên. Trình độ công bút của bức tranh thiền sưkhá điêu luyện. Vì để vẽ được trên vàng, màu vẽ phải rất đặc biệt, có thể là sơn ta hoặc một loại keo thực vật. Chất liệu này để đi được những nét mảnh nhỏ không đơn giản”, ông Thế nói.
Ông Thế còn cho rằng yếu tố Mật Tông trong “bức họa Lý Quốc Sư” này phù hợp với bối cảnh Phật giáo thời Lý, đặc biệt đúng với hành trạng của thiền sư Minh Không rất đậm chất Mật Tông. Trên áo ông mặc có hình rồng 5 móng. “Rồng 5 móng liên quan đến hoàng đế và hoàng gia, quan lại và thường dân không dùng đồ án này. Việc khoác cho vị đại sư này một tấm áo rồng 5 móng, có thể người nghệ sĩ xưa muốn ngầm chỉ đây là vị quốc sư danh tiếng bậc nhất thời Lý, là người đã từng cứu sống vua Lý Thần Tông”, ông Thế phỏng đoán.

Tranh bị gấp nhỏ khổ lại cho vừa khung

Ảnh: Nguyễn Quốc Phong

Khẩn cấp cứu hiện vật

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong, một thành viên của đoàn khảo sát ngôi đền, tỏ ra lo lắng về hiện trạng của bức tranh. “Tiếc rằng, chân dung của đức thánh đang có nguy cơ bị hư hỏng. Mong rằng các ngành, các cấp cùng các đền chùa mà ông có công gây dựng thật sự quan tâm, nếu không sẽ rất ân hận vì “cầm vàng mà để vàng rơi”. Chắc rằng và hy vọng rằng, ít ngày nữa bức chân dung thiền sư này sẽ được Sở VH-TT-DL Ninh Bình sớm đưa vào kế hoạch bảo quản như một báo động nguy cấp phải làm ngay sau khi đoàn khảo sát do GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, xuống thực tế và đưa ra bàn thảo”, ông Phong chia sẻ. Ông Phong cho rằng cần tìm cách bảo quản thật căn cơ. Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia có thể mua lại để lưu giữ, cũng có thể tranh được chuyển về bảo quản tại bảo tàng tỉnh. Như vậy mới có thể đảm bảo an toàn nhiều mặt cho tranh.
TS Trần Hậu Yên Thế cho biết bức tranh này là một hiện vật có kỹ thuật khó và lạ. Ông Thế cũng đã tìm hiểu thông tin từ nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp - người đã cứu nhiều bức tranh cổ. Tuy nhiên, ông Giáp cũng chưa từng phục chế một bức nào có kỹ thuật tạo hình như vậy. “Mặt vàng rất sáng nên tôi nghĩ tới việc đó là vàng bí truyền kiểu Tây Tạng. Có thể khi thực hiện bức tranh này, người xưa cũng dùng nguyên liệu nhập khẩu. Chưa kể trong các bức tranh chân dung cổ, chưa có bức nào về kỹ thuật qua được bức này, từ bức vẽ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Trãi đến Trịnh Thị Minh Mẫn... Chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản thường có kinh nghiệm làm việc với loại tranh này. Nếu có thể nên đưa ra nước ngoài để tu sửa”, ông Thế nói.
Theo bà Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ, cũng là người sưu tập tranh cổ, nên phục chế lại tranh rồi để lại di tích vì hiện vật nên gắn liền di tích. Việc phục chế tranh, theo bà, hiện ít người có khả năng làm được. “Nếu nó là bức tranh với các kỹ thuật như vậy, có lẽ chỉ có hai người có thể mời tới làm. Nhưng không rõ họ có nhận lời hay không. Một là ông Đức ở làng Bát Tràng, ông ấy có quen với kỹ thuật liên quan đến lụa và vàng ngọc. Hai là ông Lê Quốc Việt, chuyên gia nghiên cứu sắc phong và thư pháp, cũng đồng thời là một họa sĩ”, bà Hòa gợi ý.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long lại cho rằng việc phục chế nên mời các chuyên gia nước ngoài đã được đào tạo chuyên ngành. GS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng địa phương cần sớm lên phương án để cứu bức tranh. “Quan trọng nhất là có phương án để cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học. Chứ nếu không sẽ lại có thêm một “tai nạn” giống như đã xảy ra với bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí ở TP.HCM nữa”, ông Bài nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.