'Dọc đường ẩm thực' và câu chuyện văn hóa kinh doanh

18/02/2020 06:53 GMT+7

Dọc đường ẩm thực là phim không có lời bình, không có MC dẫn dắt, tất cả chỉ có đối thoại của chủ quán và thực khách, làm nền cho những món ăn hấp dẫn là âm thanh thực của đường phố... tạo nên bức tranh sống động.

Cách đây 10 năm, khi đến Việt Nam, sau khi khám phá mọi ngõ ngách, nếm thử không biết bao nhiêu món ăn có lẽ là từ sơn hải vị hay những món ngon kiểu đường phố, ông Philip Kotler, "phù thủy" của trường phái maketing hiện đại thế giới có nói rằng: Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới. 
Cũng với ngần ấy thời gian, mọi người đã chứng kiến sự thay đổi đến chóng mặt của công nghệ, của hành vi người dùng. Và như một lẽ tất yếu, chưa bao giờ mà ẩm thực lại lên ngôi, chiếm sóng đến vậy trong thế giới số. Dọc đường ẩm thực là một trong số đó.
Khi chương trình mới ra mắt vào tháng 12, nhà sản xuất cho biết đây sẽ là một hành trình khám phá món ngon Chợ Lớn. Tưởng chừng là gần gũi, nhưng càng xem càng thấy có những hàng quán đặc sắc mà đôi khi chúng ta lướt qua khi nào chẳng biết. Nói đến món ngon Chợ Lớn là phải nói đến một thiên đường mì. Thì đây, trong Dọc đường ẩm thực đã giới thiệu nào là Thiệu Ký Mì Gia, Minh Ký Mì Gia, Thiêm Huy Mì Gia và cả mì cải chua không tên danh tiếng 70 năm nay. Hủ tiếu thì nào là: hủ tiếu sa tế nai Lê Quang Sung, hủ tiếu hồ chay, hủ tiếu hồ mặn. Và không thể thiếu sủi cảo, dim sum, cơm gà... Cả một thế giới ẩm thực Chợ Lớn gói gọn trong một series. 
Điều đặc sắc của Dọc đường ẩm thực là phim không có lời bình, không có MC dẫn dắt, tất cả chỉ có đối thoại của chủ quán và thực khách. Làm nền cho những món ăn hấp dẫn là âm thanh thực của đường phố, của tiếng nồi niêu xoong chảo, ly tách, chén đũa. Tất cả đã tạo nên một bức tranh vô cùng sống động.

Nhiều câu chuyện đời, những triết lý kinh doanh, những cách sống tương thân, tương ái, những quan niệm sống của cư dân Chợ Lớn được thể hiện trong Dọc đường ẩm thực

Tuy nhiên, điều khiến cho Dọc đường ẩm thực giữ người xem lại chính là những câu chuyện đời, những triết lý kinh doanh, những cách sống tương thân, tương ái, những quan niệm sống của cư dân Chợ Lớn. Như câu chuyện của ông chủ Minh Ký Mì Gia ở hẻm Hào Sỹ Phường. Ông chủ quan niệm: “Ngày ăn đủ ba bữa, tối ngủ đủ một giấc, biết đủ là đủ. Tôi không mong gì hơn”. Một điều trùng hợp là khi hỏi bí quyết thành công của bà chủ quán cơm gà Đông Nguyên (Nguyễn Trãi) hay ông chủ xe bánh hẹ trên đường Lê Quang Sung thì đơn giản chỉ là họ nấu ăn như nấu cho chính gia đình họ ăn. Chính những thành viên trong gia đình sẽ là người ăn, họ thấy ngon, họ thấy sạch, họ thấy vui khi ăn, đó là lúc họ tin tưởng vào món họ bán cho thực khách. Như ông chủ xe bánh hẹ nói: “Mình cứ chỉnh sửa, ngày mai không được thì ngày mốt, ngày mốt không được thì ngày kia, chỉnh sửa hoài tới khi khách chấp nhận thì mới thôi. Mà đặc biệt là hổng có phân biệt khách. Khách mua nhiều hay mua ít cũng phải niềm nở y như nhau”.
Dù thời lượng chỉ có 5 phút cho một phim, nhưng cô đọng lại là cả một câu chuyện đời đằng sau hiệu tiệm. Như với chuyện tiệm mì cải chua đường Minh Phụng, mới biết cách đây 65 năm, ông chủ lúc đó mới 13 tuổi đi theo phụ việc mấy xe mì. Theo thời gian, ông mở tiệm, rồi mua được căn nhà kế bên, rồi kế bên, rồi kế bên nữa. Bí quyết làm ăn nở nồi vẫn là vén khéo, cần kiệm, truyền nghề cho con cái. Tới giờ, hơn sáu mươi năm bà chủ vẫn cười, tự tin nói: “Mình nấu ngon thì tự nhiên họ tìm tới; khỏi cần bảng hiệu mà”.
Hay câu chuyện của Tiệm cà phê vợt Ba Lù. Tiệm cà phê này vốn lừng danh trên mạng, nhưng thật thú vị, Dọc đường ẩm thực đã dẫn dắt người xem đến căn nhà đầu tiên của gia đình, chỉ cách quán cà phê có hơn mười mét. Căn nhà 1 mét ngang , 63 mét dài trong chợ nhà giàu Phùng Hưng - 70 năm qua đã nuôi 11 đứa con nên người. Bí quyết đơn giản chỉ là cách mua bán hay nói cách khác là cách sống mà chị Hoàng chủ quán nói: “Hồi ba tui còn sống ba tui dặn pha cà phê phải pha bằng sữa này nè; rang cà phê phải bỏ đúng bơ này nè. Ba tui không cho tui làm sai, ba tui sợ khách đau bụng”. Chỉ vậy thôi mà khách của quán cà phê vợt Ba Lù, hay của những quán mà Dọc đường ẩm thực giới thiệu toàn là những khách có thâm niên lâu đời, ăn uống riết mà thành quen, mà thành như là ruột thịt.
Cứ như vậy, Dọc đường ẩm thực không chỉ giới thiệu mỹ vị Việt Nam, những quán ăn đặc sắc, những món ngon nhớ đời mà còn là những câu chuyện lý thú. Tất cả những quán ăn, món ăn đều gắn bó với văn hóa, thói quen, tập tục của địa phương vô cùng lý thú.
Series Dọc đường ẩm thực có thời lượng 5 phút mỗi tập, phát trên nền tảng giải trí POPS do đơn vị này và Công ty cổ phần Truyền thông Đa phương tiện Trees sản xuất. Đây là một chương trình documentary về ẩm thực trên nền tảng OTT đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện trên định dạng dọc.
Với mùa đầu tiên, Dọc đường ẩm thực giới thiệu với người xem 30 câu chuyện lý thú của Sài Gòn - Chợ Lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.