Giải thưởng sách quốc gia 2020: Nhiều cuốn khó nhưng vẫn làm

10/10/2020 06:15 GMT+7

Nhiều cuốn sách được giải cho thấy các tác giả vẫn đi theo tiếng gọi nội dung để phục vụ bạn đọc, bất chấp khó khăn.

Tối 9.10, lễ trao Giải thưởng sách Quốc gia 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản VN (đơn vị tổ chức giải thưởng), đánh giá sách tham dự giải lần này có nội dung phong phú, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, hiện có 11/59 nhà xuất bản (NXB) chưa chọn được các đầu sách tham dự giải thưởng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, chủ biên 2 cuốn sách nghiên cứu về tranh dân gian (giải B), chia sẻ về quá trình làm sách. Là chủ biên, bà cũng là người tổ chức sản xuất sách, nghĩa là bỏ tiền chi trả cho quá trình làm sách, in sách. Cuốn sách được in ra đẹp đẽ, bán chạy, được giải thưởng. Mặc dù vậy, bà cũng cho biết so với chi phí bỏ ra thì vẫn không có lãi. “Nếu chỉ tính đến doanh thu thì không thể làm được cuốn sách này”, bà Hòa chia sẻ.
Giải thưởng sách quốc gia 2020: Nhiều cuốn khó nhưng vẫn làm

Những cuốn sách được giải A

Quá trình làm cuốn sách về nghiên cứu bia tiến sĩ ở Văn Miếu (giải C) lại nhận được hỗ trợ từ những người đang quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm khoa học Văn Miếu, cho biết đã tạo điều kiện tiếp cận cho nhóm làm sách của ông Trần Hậu Yên Thế (được chụp ảnh ban đêm ở di tích). Cuốn sách cũng đã có tác động tích cực. “Chúng tôi cũng sử dụng được kết quả nghiên cứu này trong các bài thuyết minh về di tích, hay các trò chơi giáo dục”, ông Kiêu nói.
3 tác phẩm đoạt giải A:
Lịch sử (Historial), tác giả Herodotus, người dịch PGS-TS Lê Đình Chi, NXB Thế giới; Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập), PGS-TS Nguyễn Văn Thường (chủ biên), NXB Y học; Đoàn binh Tây Tiến (Đoàn võ trang tuyên truyền Biên khu Lào - Việt), Quang Dũng, NXB Kim Đồng.
10 tác phẩm đoạt giải B:
Kiểm soát quyền lực ở nước ta qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, Mai Trực (chủ biên), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; Mặt trái của công nghệ, tác giả Peter Townsend, người dịch Quế Chi, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; Các khuynh hướng và trường phái ngôn ngữ học hiện đại, GS-TS Nguyễn Thiện Giáp, NXB ĐHQG Hà Nội; Tên tự tên hiệu các tác giả Hán Nôm VN, PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh, NXB KHXH; Thực phẩm chức năng, PGS-TS Trần Đăng (chủ biên), NXB Y học; Biến đổi môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa, TS Đỗ Huy Cường, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ; Lược khảo văn học (3 tập), GS Nguyễn Văn Trung, NXB Tổng hợp TP.HCM; Hát then các dân tộc Tày, Nùng, Thái VN (3 cuốn), biên soạn Đặng Hoành Loan, Th.S Phạm Minh Hương,
Th.S Nguyễn Thủy Tiên, NXB Văn hóa Dân tộc; bộ sách Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ (2 cuốn), Nguyễn Thị Thu Hòa (chủ biên), GS-TS Trịnh Sinh, Lê Bích, NXB Thế giới; Sài Gòn của em (2 cuốn), tranh Lê Thư, lời Hoàng Nguyên, NXB Trẻ.
14 tác phẩm đoạt giải C:
Công tác địch vận trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), TS Lê Văn Cử, NXB Quân đội nhân dân; Chiến lược đại dương xanh, tác giả W.Chan Kim và Renee Mauborgne, người dịch Phương Thúy, hiệu đính Ngô Phương Hạnh, NXB Lao động - Xã hội; Gen - Lịch sử và tương lai của nhân loại, tác giả Siddhartha Mukherjee, người dịch Bùi Thanh Châu, NXB Dân trí; Tổ quốc đồng đội và văn nghệ, GS-TS Đinh Xuân Dũng, NXB Văn học; Nét Việt trên bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đồng chủ biên: TS Trần Hậu Yên Thế, KTS Trần Trung Hiếu, NXB Mỹ thuật; Lịch sử các chế độ báo chí ở VN (2 tập), Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa, NXB Tổng hợp TP.HCM; Bộ sách hóa học phân tích hiện đại (3 tập), GS-TS Phạm Luận, NXB Bách khoa Hà Nội; Vật liệu biến hóa có chiết suất âm - công nghệ chế tạo, tính chất và ứng dụng, PGS-TS Vũ Đình Lãm, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ; Được học, tác giả Tara Westover, người dịch Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ nữ; Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, tác giả Léopold Michel Cadière, Edmond Gras, người dịch và chú giải Lê Đức Quang, NXB Hà Nội; Chào thế giới, bây giờ con đã đến, Lê Minh Quốc, NXB Văn hóa văn nghệ TP.HCM; Vào bếp nấu ăn săn ngay điểm tốt, Đỗ Xuân Thảo, Phan Thị Hồ Điệp, NXB Lao động; Giáo dục đa giác quan (4 cuốn), tác giả Palva Hanácková, minh họa Linh Đào, Irene Gough, người dịch Hoàng My, NXB Hà Nội; Lật mở cùng con (4 cuốn), lời Bảo Ngọc, tranh Thu Nấm, Đậu Xanh, NXB Thanh Niên.
PGS-TS Lê Đình Chi, dịch giả cuốn Lịch sử (giải A), cho biết ông cũng không rõ cuốn sách đã được tái bản hay chưa. Tuy nhiên, ông đánh giá việc hợp tác với đơn vị làm sách là một cơ duyên. “Tôi thích tác phẩm này lâu rồi. Công ty Omega thành lập tủ sách tác phẩm kinh điển. Trong quá trình dịch cuốn này, điều khó là sách nói đến một nền văn minh xa lạ với Việt Nam và câu chuyện cách đây 2.500 năm, thành ra rất nhiều thứ không có tương đương trong tiếng Việt. Nhiều khi đành phải chú thích và sử dụng một số cái cụm từ mình tận dụng từ các ngữ cảnh khác vào sao cho phù hợp thôi. Hy vọng không đến mức khó hiểu quá với bạn đọc và chuyển tải được tinh thần của bản gốc”, ông Chi nói.
Trong khi đó, bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng (tác giả cuốn sách giải A), cho biết cha bà khi còn sống đã rất mong sách đến tay bạn đọc. “Ông từng dự kiến xuất bản, đã vẽ bìa, thậm chí nghĩ cuốn sách của mình gửi gắm cho NXB Phụ nữ. Nhưng sau đó thời gian rất lâu, gần 70 năm rồi mới có thể xuất bản được cuốn sách và lại với NXB Kim Đồng. Đây là NXB có sách không chỉ cho trẻ con mà người lớn cũng rất thích. Điều này làm sách dễ đến tay người đọc hơn. Quá trình biên tập không có thay đổi gì trong nội dung sách”, bà Thảo cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.