Thiên cổ đệ nhất trà ướp sen Tây Hồ...

20/02/2021 11:25 GMT+7

Cơ duyên đã cho tôi “sưu tầm” được danh trà mang hương vị trác tuyệt của đất thủ đô, thức trà khiến cha tôi tâm đắc và tán thưởng hết lời, được đặc biệt tấn phong là thiên cổ đệ nhất trà: trà ướp sen Tây Hồ.

1. Cha tôi là người Nam bộ rặt, dù vẫn mang trong mình dòng máu của tổ tiên là dân xiêu tán theo chân dòng người mở cõi khai hoang. Nhưng nhập gia tùy tục ngót mấy trăm năm, tiếng nói và chữ viết tới nay tất thảy không còn. Sợi dây nhạt nhòa gắn kết cha tôi với nguồn cội khai sinh có lẽ chính là sự mê trà, và chỉ vậy.
Hiểu cha và trà như hai người bạn tâm giao, nên mỗi lần có dịp công tác xa, qua những xứ trà, tôi luôn dành thời gian để tầm cho ông một thức trà ngon nổi tiếng của địa phương, mang về. Có thể nói, cha tôi là “lão nông Nam bộ” hiếm hoi được thưởng thức hầu hết các loại danh trà Việt đặc sắc: từ Ô long Đà Lạt, trà Lài, Đinh, Nõn tôm Tân Cương, cho đến Shan Tuyết cổ thụ tận vùng rừng sâu núi cao quanh năm sương phủ ở Hà Giang.
Nhưng rồi cơ duyên đã cho tôi “sưu tầm” được danh trà mang hương vị trác tuyệt của đất thủ đô, thức trà khiến cha tôi tâm đắc và tán thưởng hết lời, được đặc biệt tấn phong là thiên cổ đệ nhất trà: Trà ướp sen Tây Hồ.
2. Trà sen Tây Hồ khá hiếm và tất nhiên cực đắt. Thức ẩm này hẳn không dành cho những ai không biết thưởng thức và vì vậy chưa hiểu được giá trị của một nét văn hóa độc đáo và lâu đời. Thông qua vài thân hữu có quen biết với những gia đình làm nghề ướp trà, mỗi năm tôi mua được vài lạng để biếu cha tôi. Khi tự mình tìm hiểu lịch sử ra đời của một mẻ trà sen, tôi hiểu rằng, với một người yêu trà, không còn món quà nào đẹp đẽ và ý nghĩa hơn nữa.
Được biết gạo mang hương dùng ướp trà được lấy từ nhụy của những đóa sen Bách Diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Tây Hồ. Cứ mỗi ki lô gam trà sẽ được ướp bởi lượng gạo được lấy từ hơn một nghìn bông hoa. Sen sẽ được thu hoạch từ sáng sớm khi còn ngậm sương và mang về nhà khi nắng chưa lên đỏ. Nghệ nhân ướp trà tập kết hoa sen vào phòng kín để gạo sen được tách ra, sàng lọc vẫn còn giữ được sự thuần khiết của hương hoa. Trà mang ướp là trà nõn tôm hảo hạng Tân Cương.
Trà ướp tuân theo tuần tự: 1 trà, 1 gạo sen mang ủ, sấy. Sau vài ngày, sàng bỏ gạo cũ, ướp gạo mới và lặp lại công đoạn nhiều lần cho đến khi trà thấm đẫm mùi sen. Nghe có vẻ giản đơn nhưng đó thực là một quá trình vô cùng kỳ công của những nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ và cẩn trọng chắt chiu để cho ra đời một thương hiệu trà trứ danh, mang đậm dấu ấn độc đáo của người thủ đô: tinh tế, tao nhã và biết thưởng thức.

Làm trà sen ở P.Quảng An, Q.Tây Hồ, Hà Nội

Ảnh Lưu Quang Phổ

3. Trà sen không lạ, nhưng lạ là phải đúng sen Tây Hồ mới có thể ướp ra thức trà tuyệt hảo, mang quốc hồn quốc túy kể cả triết lý nhân sinh. Khi nâng trên tay chén trà dịu dặt tỏa mùi hương thanh tĩnh, đủ để người thuần nông tạm gác hết sầu lo. Khi thưởng trà, cha tôi trầm ngâm, rồi lại gật gù.
Nghệ nhân trà sen đất kinh kỳ phải là những người có chiều sâu đến thế nào mới có thể khéo léo quyện hòa cả một bề dày lịch sử oai hùng của thắng địa hiếm có mà người xưa đã sớm nhận thấy là đất “thượng đô kinh sư muôn đời” với bề sâu văn hóa truyền thống gắn liền với sức sống mãnh liệt và thanh cao của hoa sen, nét đẹp biểu trưng cho những người con đất Việt, chung vào từng búp trà ướp tinh túy của đóa quốc hoa hấp thụ đủ thiêng khí núi sông.
Cái dụng tâm cao siêu đến vậy duy chỉ có trong cốt cách của người Tràng An, chuộng sự hiểu biết, coi trọng văn hóa lịch sử truyền thống, không dễ dàng chấp nhận sự thiếu chỉn chu và tính hời hợt.
4. Sếp cũ tôi, người Hàn, cũng là người ưa thưởng thức, vẫn chuộng dùng Trà sen Tây Hồ như một thứ trà quý để đãi những khách hàng, đối tác đến từ nhiều quốc gia. Có lần, tôi hỏi ông: “Trong tủ trà công ty không thiếu những danh trà như Long Tĩnh, Thiết Quan Âm hay thậm chí “Trinh nữ trà” Bích Loa Xuân, cớ gì trà sen vẫn được ông ưu ái hơn nhiều?”.
Ông bảo, “Trà sen độc đáo hơn cả bởi một thứ thanh hương dịu mát, cao quý đến vô cùng, quả là thiên cổ đệ nhất trà Việt”.
5. Tôi không phải người sành về trà. Nhưng đôi lần uống cùng cha tôi một tách trà sen, nhìn áng nước vàng trong ánh xanh tỏa hương thơm thanh dịu mà tĩnh lặng, nếm cái vị đắng nơi môi, chát nơi lưỡi để cuối cùng ngọt êm trong cuống họng, tôi mới thấu tỏ cái tiêu chuẩn khắt khe “Ngon mắt - Ngon mũi - Ngon miệng” đủ đầy trong văn hóa ẩm thực của người Tràng An.
Nét văn hóa ấy cũng giống như một đóa sen, càng gần về trong càng là tinh túy. Càng tìm sâu hiểu xa, tôi càng nể trọng những con người hào hoa của đất kinh kỳ, những người sẵn sàng bỏ ra nhiều thì giờ, tâm huyết để chính mình trước hết được nhấm nháp một chén trà ngon. Và cha tôi dạy không sai: giá trị thuộc về người biết thưởng thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.