Hiện vật bảo tàng thiếu chỗ bảo quản

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/06/2020 06:37 GMT+7

TP.HCM có hệ thống bảo tàng đa dạng và số lượng hiện vật phong phú, tuy nhiên hiện nay nhiều bảo tàng đang thiếu chỗ bảo quản, thậm chí một số nơi phải để tạm hiện vật ở những khu vực chỉ được che chắn tạm bợ.

Hiện vật chất đống trong nhà tôn

Đến Bảo tàng TP.HCM, điều khiến mọi người hết sức bất ngờ và… xót ruột là rất nhiều cọc cổ quý do thiếu chỗ bảo quản nên phải chất đống ở một khu nhà tôn nhỏ. Những cây cọc này gắn với những địa danh nổi tiếng và một giai đoạn của Sài Gòn xưa, trong quá trình khai quật, khám phá vùng đất phương Nam đã phát lộ. Các loại hiện vật kim loại có kích thước lớn, xe cũ… cũng được nhập vào nhà kho, rào lại bằng lưới kẽm.
Bảo tàng TP.HCM từng có một khu nhà kho rộng trên 1.000 m2 nằm gần dãy phòng họp nhưng do bị lún sập nên đã tháo dỡ từ năm 2010. Hiện bảo tàng vẫn đang chờ duyệt kinh phí xây dựng kho mới cùng với những khu công năng khác, nên đa phần hiện vật phải để tạm ở một số phòng trong khối văn phòng. “Đối với các hiện vật có kích cỡ, khối lượng lớn như cọc gỗ dưới đoạn kênh mà nay là khu vực đường Nguyễn Huệ, súng thần công… thì phải để ở khu vực bên ngoài. Còn hiện vật gốm thì dùng các kho văn phòng tự linh động vận dụng. Khó khăn lắm nhưng đành chịu”, đại diện đơn vị cho biết.

Những cây cọc Sài Gòn xưa chất đống trong nhà kho che chắn tạm bợ ở Bảo tàng TP.HCM

Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng đang nan giải trong việc bảo quản vì số lượng hiện vật sưu tập hằng năm ngày càng nhiều mà phòng ốc thì mấy chục năm qua vẫn không tăng lên. Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Hoàng Anh Tuấn: “Do sở hữu số lượng bảo vật quốc gia quá lớn nên mọi kinh phí chúng tôi đều tập trung trang bị camera, phòng lạnh, hệ thống chống trộm và nhân viên để bảo vệ các hiện vật vô giá này. Những hiện vật khác cũng vô cùng quý hiếm và có giá trị cao nên chúng tôi vẫn thực hiện việc bảo quản một cách tốt nhất trong khả năng. Dù vậy, so với tiêu chuẩn quy định thì làm sao có thể đáp ứng được…”.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vốn là nhà ở của “chú Hỏa” (một trong tứ đại hào phú Sài Gòn xưa) cải tạo lại nên không có công năng của bảo tàng. Chưa kể đây còn là di tích kiến trúc nghệ thuật của TP.HCM nên mọi hoạt động sửa chữa đều phải xin phép cơ quan chức năng. Vì vậy mà hệ thống kho chứa hiện vật của bảo tàng phải tận dụng phần tầng mái hoặc các phòng riêng lẻ của ngôi biệt thự cổ. Tạm bợ như thế nên những tác phẩm mỹ thuật lưu giữ nơi đây xuống cấp là điều khó tránh khỏi, mà kiệt tác Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí là một ví dụ.

Chờ đến bao giờ ?

Hệ thống bảo tàng trực thuộc Sở VH-TT TP.HCM hiện có 7 đơn vị nhưng chỉ Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có hệ thống bảo quản hiện đại và đúng chuẩn, còn lại vẫn trong tình trạng “năm nào cũng kiến nghị” rồi ngồi chờ triển khai, dù chủ trương đã có từ lâu.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từng có dự án kết hợp với đối tác là một công ty VN có sự tham gia của các chuyên gia Singapore, dự kiến cải tạo toàn bộ phần ngầm của tòa nhà chú Hỏa để làm khu bảo quản hiện vật với quy mô lớn kết hợp trưng bày, nhưng cho đến nay vẫn chưa động tĩnh gì.
Một vị lãnh đạo bảo tàng tại TP.HCM cho biết nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận VN đều đầu tư bài bản cho việc bảo quản hiện vật của bảo tàng. “Tôi qua Đài Loan, vào tham quan hệ thống kho bảo quản của bạn mà thấy choáng ngợp về quy mô và sự hiện đại. Họ sử dụng hệ thống giữ lạnh toàn bộ cho hiện vật, ai vào cũng phải khử khuẩn để chống lây nhiễm cho hiện vật. Cửa quản lý bằng mã số và mọi thứ đều được giám sát an ninh 24/24. Hệ thống kệ kho sắp xếp khoa học, được vận hành bằng bánh xe giúp di chuyển hiện vật dễ dàng. Còn ở ta thì thiếu kinh phí, phòng ốc cũ kỹ, ẩm mốc nên hiện vật phải để phân tán ra nên thiếu đồng bộ và dễ hư hỏng…”, vị giám đốc bảo tàng này thở dài.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trần Thanh Bình cho biết lý do của tình trạng chậm trễ: “Vấn đề xây dựng kho bảo quản hiện vật Sở VH-TT TP.HCM đang xúc tiến nhưng việc đầu tư lớn phải theo quy trình chặt chẽ nên chúng tôi vẫn phải chờ”. Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, chia sẻ thêm: “Dù biết ngân sách TP vẫn còn nhiều khó khăn nhưng nếu được đầu tư nhanh, các bảo tàng sẽ có thêm điều kiện bảo quản hiện vật tốt hơn so với thực trạng hiện nay, vừa đảm bảo tính nguyên vẹn của hiện vật, vừa phát huy tốt giá trị các báu vật tiền nhân để lại”.

Địa điểm du lịch Hà Nội: Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.