Sai sót trong triển lãm kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

15/06/2020 06:18 GMT+7

Kỷ niệm 1.980 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 - 2020), UBND H.Mê Linh và Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng tổ chức triển lãm Hoa đất Việt (từ đầu 2020 đến nay). Tuy nhiên, đây là triển lãm có nhiều thông tin sai sót.

Đại diện Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng (H.Mê Linh, Hà Nội) cho biết triển lãm này được tổ chức lần thứ 2 (lần đầu vào năm 2019 - NV) và được tư vấn về chuyên môn từ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Cẩu thả, nhiều sai sót

Thông tin không chính xác đầu tiên là trong ảnh Trưng Nữ Vương xưng vương, chú thích có dẫn rằng nhà sử học Lê Văn Hưu viết Đại Việt sử ký toàn thư. Khi phản ánh đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, đơn vị này đã kiểm tra lại và xác nhận có sự nhầm lẫn về tên bộ sử do tác giả Lê Văn Hưu biên soạn. Tên đúng là Đại Việt sử ký. Sau này, nhà sử học Ngô Sĩ Liên cùng các sử gia khác mới là tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư. Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết sẽ điều chỉnh thông tin cho chính xác.
Về Bà Triệu (tức Triệu Thị Trinh), triển lãm viết: “Bà có tên gọi Triệu Ấu” (dấu sắc). Đây là thông tin sai vì các sử gia Ngô Sĩ Liên, Lê Tung đều viết tên bà là Triệu Ẩu (dấu hỏi). Còn thông tin về bà Hoàng Ngân - Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc đầu tiên, triển lãm viết: “Chị cũng là người sáng lập tờ báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân của báo Phụ nữ Việt Nam ngày nay)”. Chúng tôi được biết, bà Hoàng Ngân không có liên quan đến tờ báo Tiếng gọi phụ nữ. Trong hồi ký của nhà báo Thanh Thủy (NXB Phụ nữ - 1998) cho biết tòa soạn báo Tiếng gọi phụ nữ ban đầu gồm có: “chị Như Quỳnh, chị Việt Lê, chị Huỳnh Bội Hoàn (tức chị Tâm Kính), chị Hồng Trang và tôi (tức Thanh Thủy - NV)”. Trả lời về việc này, đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu ý kiến để có được thông tin chính xác.
Sai sót trong triển lãm kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng1
Sai sót trong triển lãm kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng2

Những sai sót trong triển lãm 'Hoa đất Việt'

Ảnh: Khải Mông

Cũng vẫn trong ảnh triển lãm về bà Hoàng Ngân có viết rằng tên bà được đặt cho ngọn đồi Pù Ngạm Ngà ở bản Quyên (xã Điềm Mặc, H.Chiêm Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Những người làm triển lãm đã “bê” H.Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang về tỉnh Thái Nguyên. Trong khi đó, dòng chú thích bức ảnh cắt băng khánh thành công trình tôn tạo di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPN Việt Nam thì ghi “Tuyên Quang, 2017”, nhưng trên phông trong ảnh ghi “Định Hóa”. Như vậy, những người làm triển lãm đã không phân biệt được địa danh H.Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và H.Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Điều đáng ngạc nhiên là di tích này gắn với Hội LHPN Việt Nam - cơ quan chủ quản của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Cần theo đúng chính sử

Trong triển lãm còn có nội dung về nhân vật mang tên Dương Vân Nga. Triển lãm đánh giá đây là nhân vật có “tầm nhìn bình thiên hạ”. Cụ thể, đó là hành động đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích dòng họ, nhường ngôi và trao vương quyền cho Lê Hoàn. Tuy nhiên, trong chính sử Việt Nam, từ các bộ cổ sử do sử quan triều đình biên chép, không có ai tên Dương Vân Nga, mà chỉ có Dương Thị.
Phía Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thanh minh rằng thông tin thái hậu Dương Vân Nga dựa theo các tư liệu đã được xuất bản: Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử (tập 1, NXB Phụ nữ - 2011), Nữ lưu đất Việt (NXB Đà Nẵng - 2005), Những Phi - Hậu nổi tiếng của các triều đại Việt Nam (NXB Thời đại - 2014), Các di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng ở Việt Nam (NXB Lao Động - 2013). Song, nguồn gốc lai lịch cái tên “thái hậu Dương Vân Nga” là từ tên gọi một vở kịch của soạn giả Trúc Đường.
Sai sót trong triển lãm kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng3

Ảnh cắt băng khánh thành công trình tôn tạo di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPN Việt Nam ghi chú thích “Tuyên Quang”, nhưng trên phông trong ảnh ghi “Định Hóa” - địa danh ở Thái Nguyên

ẢNH: KHẢI MÔNG

Chúng tôi thấy cần thiết phải trao đổi thêm cho rõ ràng đánh giá của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khi cho rằng nhân vật này có hành động “đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích dòng họ” và có “tầm nhìn bình thiên hạ”. Dựa vào hư cấu trong một vở kịch để đôn thành danh nhân, đưa ra triển lãm là việc làm phi khoa học. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép “thái hậu sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi hoàng đế”; song các sử gia Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ lại dành những lời đánh giá hàm ý chê trách như “tư tình” hay “tư thông” (với Lê Hoàn). Sử gia Ngô Thì Sĩ còn cho rằng “người cướp ngôi của Vệ Vương (Đinh Toàn) là Dương hậu chứ không phải Thập đạo (Lê Hoàn)”. Còn trong Đại Nam quốc sử diễn ca thì chê trách: “Nói sao Thiếu Đế thơ ngây/Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang/Tiếm xưng là phó Quốc vương/Ra vào cùng ả họ Dương chung tình”…
Đơn vị tổ chức sẽ chỉnh sửa
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những phát hiện trên và sẽ tiếp thu, sau đó phối hợp cùng Ban Quản lý di tích đền thờ Hai Bà Trưng chỉnh sửa sai sót. Mong rằng việc phát huy truyền thống Hai Bà Trưng của các đơn vị cần phải làm cho đúng với chính sử.
Thiết nghĩ, triển lãm cần phải theo đúng chính sử, chứ không thể sử dụng theo hư cấu nghệ thuật trong một vở kịch. Bởi lẽ triển lãm là một hình thức tuyên truyền, khi tuyên truyền không đúng sẽ làm sai lệch nhận thức của công chúng về các nhân vật lịch sử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.