Thời kỳ làm báo của ông Trần Quốc Hương ở An toàn khu

13/06/2020 06:47 GMT+7

Tổng bí thư Trường Chinh đã chỉ thị cho ông Trần Quốc Hương và Đội công tác dành hẳn một địa điểm bí mật mà chỉ riêng Tổng bí thư lui tới, viết bài.

Một cuộc sát hạch nghiêm túc

Vừa thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò năm 1943, ông Trần Quốc Hương (ảnh) được cử về công tác tại Ban Cán sự Đảng (nay gọi là Tỉnh ủy) tỉnh Phúc Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) phụ trách địa bàn từ TT.Hương Canh (H.Bình Xuyên) đến H.Tam Dương. Cuối tháng 6.1943, ông Trần Quốc Hương được Tổng bí thư Trường Chinh hẹn gặp ở đền Hai Bà Trưng, làng Hạ Lôi, H.Yên Lãng (tức Mê Linh hiện nay), khi đó là một huyện thuộc tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội).
Từ 7 giờ sáng đến gần trưa, ông Trường Chinh đã hỏi ông Trần Quốc Hương đủ mọi chuyện cũng như lắng nghe ông Hương nói. Sau này, nhớ lại, ông Hương đánh giá đó là một cuộc sát hạch nghiêm túc của một người thầy đáng kính. Dưới trưa nắng hè gay gắt hôm đó, Trần Quốc Hương đạp xe men theo đường đất ven sông đưa Trường Chinh đến bến đò thì chia tay nhau.
Lần gặp sau, Tổng bí thư Trường Chinh cho biết Thường vụ T.Ư Đảng quyết định rút Trần Quốc Hương khỏi Ban Cán sự Đảng tỉnh Phúc Yên, để nhận công tác mới thuộc Công tác đội trong An toàn khu (ATK) của T.Ư Đảng.
Trong hồi ký Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh, ông Trần Quốc Hương ghi rõ xây dựng ATK là một sáng kiến quan trọng hàng đầu do Tổng bí thư Trường Chinh khởi xướng. Công tác tổ chức ATK được Tổng bí thư diễn giải như thiết kế tàu ngầm, các khoang tàu phải ngăn cách với nhau, trường hợp có khoang bị thủng, bị vỡ thì nước không thể tràn sang khoang khác, giữ cho tàu khỏi bị chìm.
Thời kỳ làm báo của ông Trần Quốc Hương ở An toàn khu1

Báo Cứu Quốc

Cùng đóng với Ban Thường vụ T.Ư Đảng ở ATK là cơ quan báo Đảng và nhà in báo Đảng. Một trong số đó là cơ sở T.Ư Đảng tại gia đình cụ Ngô Văn Phán ở ven sông Hồng, thuộc xã Tráng Việt, H.Yên Lãng. Nơi đây đã là cơ sở in của T.Ư Đảng với tên gọi Nhà in Trần Phú. Các tờ báo Cứu Quốc và Cờ Giải phóng của T.Ư Đảng và Mặt trận Việt Minh đã được in tại đây.
Báo Cứu Quốc, lấy danh nghĩa là cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh, do Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Làm báo với Tổng bí thư lúc bấy giờ chỉ mới có ông Lê Quang Đạo, Bí thư Ban Cán sự tỉnh Bắc Ninh vừa được điều về làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh Phúc Yên và được chỉ định làm biên tập viên chính của báo Cứu Quốc.
Tiếp nối báo Cứu Quốc, Thường vụ T.Ư Đảng cho ra báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền cổ động của T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương. Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp phụ trách tờ báo. Biên tập viên báo Cờ Giải phóng lúc đầu là ông Lê Quang Đạo, sau đó là ông Lê Liêm, Bí thư Ban Cán sự Phúc Yên.

“Bữa tiệc” hiếm có giữa dân với Đảng

Ông Trần Quốc Hương cho biết: “Báo Cờ Giải phóng, lúc đầu đóng ở nhà ông Hoàng Xuân Quán, làng Lâm Hộ, Yên Lãng, gần ga Thạch Lỗi, Phúc Yên, được ít lâu, chuyển sang nhà em ông Hoàng Xuân Quán là Hoàng Xuân Thông, cũng ở gần đó”.
Ngày nay, khi cầm trên tay các tờ báo Cứu Quốc và Cờ Giải phóng, chúng ta sẽ thấy ở cuối trang có dòng chữ: in tại Nhà in Phan Đình Phùng và Nhà in Trần Phú. Ông Trần Quốc Hương nhớ lại: “Gọi là 2 nhà in cho oai, chứ thuở hàn vi của Đảng, lo toan công việc in báo và các tài liệu, văn kiện của Đảng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Trường Chinh, chỉ có mấy anh Phạm Đức Khiêm, Nguyễn Lương Hoàng và Đỗ Quốc Tuấn, vốn là những thanh niên công nhân của các nhà in của tư bản Pháp”. Còn phương tiện in ấn là mấy phiến đá mỏng làm bàn in, hộp mực, bút viết và con lăn (gọi là in li-tô).
Thời kỳ làm báo của ông Trần Quốc Hương ở An toàn khu2

Bia lưu niệm tại đền Hai Bà Trưng (Hạ Lôi - Mê Linh) nơi Tổng bí thư Trường Chinh gặp ông Trần Quốc Hương

ẢNH: K.M.S

Khi cơ quan in báo đến độ trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, cùng với Công tác đội, được đóng ngay bên cạnh Thường vụ T.Ư. Chính Tổng bí thư Trường Chinh đã chỉ thị cho ông Trần Quốc Hương và Đội công tác dành hẳn một địa điểm bí mật mà chỉ riêng Tổng bí thư lui tới, viết bài và chăm lo cho cả số báo ngay gần cơ sở in báo.
Địa điểm được ông Trần Quốc Hương và Đội công tác lựa chọn là gia đình cụ Ngô Văn Phán ở làng Tráng Việt. Cụ Phán hơn 60 tuổi, có hai người con trai là Ngô Văn Mạo và Ngô Văn Suổi. Vợ ông Mạo là bà Hoàng Thị Long, người đảng viên đầu tiên của chi bộ ghép Nhà in Trần Phú và thôn Tráng Việt. Bà Long là em gái ông Hoàng Xuân Quán, người đảng viên đầu tiên của tỉnh Phúc Yên.
Một trong những nhân chứng là đại tá Ngô Thành Vân nhớ lại kỷ niệm khi Tổng bí thư Trường Chinh về cơ sở nhà in T.Ư Đảng ở Tráng Việt khi nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã lan dần. Cụ Ngô Văn Phán - chủ nhà - biết tin đã cố chống gậy lên thôn trên vay một đấu cám, rồi sai người con dâu cả là Hoàng Thị Long đem rang lên. Trong nhà còn sót lại một ít mật mía, bà Long nấu cháo chè cám để cán bộ Đảng cùng ăn cho ấm bụng.
Cụ Phán vừa nói xong thì bà Long bưng lên một liễn cháo chè cám cùng một chồng bát đàn (loại bát sành, miệng rộng và nông), đổ ra vừa được sáu bát. Bà Long vừa rót cháo vừa nói: “Chúng em dưới nhà đã có đủ cả rồi, đây là phần của các anh”.
Những cán bộ nhà in trong lòng nôn nao khó tả trước ân tình sâu nặng của gia đình cơ sở cụ Phán và bà Long mà chẳng nói nên lời. Cảm động, đồng chí Trường Chinh gặng hỏi: “Trước là chăm lo các cháu bé, các cháu đã được ăn chưa, chị cả?”. Cụ Phán nói: “Các anh ơi, các anh phải sống để hoạt động, nước nhà mới được độc lập, cách mạng mới thành công chứ!”. Tổng bí thư Trường Chinh đáp: “Vâng, chúng tôi xin gia đình, xin cụ, có mấy người đây mỗi người mỗi bát, cùng ăn cho vui cả chứ ạ!”.
Đại tá Ngô Thành Vân bồi hồi: “Thế là mỗi người chúng tôi tay hơi run, nghẹn ngào lần lượt nâng bát cháo chè đưa lên miệng, vừa ngon ngọt, vừa có mùi thơm cay của gừng trong chè - thắm tình máu thịt, đượm tình cá nước”. Và ông ví von, có lẽ đây là “bữa tiệc” giữa dân với Đảng hiếm có trên trần gian này.
Theo thống kê của ông Trần Quốc Hương, từ cuối năm 1942 cho đến Cách mạng Tháng Tám, báo Cờ Giải phóng chỉ ra được 15 số. Số 1 đến số 2 cách nhau hơn 10 tháng trời; sau đó rút dần khoảng cách xuống 6 tháng rồi 2 tháng một số. Phải đến đầu năm 1945, mỗi tháng mới ra được một số báo. Số báo cuối cùng in ở ATK đề ngày 17.7.1945...
Cách mạng thành công, ngày 25.8.1945, sau cuộc họp cán bộ tuyên truyền, báo chí, văn hóa, văn nghệ, tại hội quán Khai Trí Tiến Đức cũ, Trần Quốc Hương đã cùng Phạm Văn Khoa chọn địa điểm để làm trụ sở của báo Cờ Giải phóng. Đó là ngôi nhà 58 phố Quán Sứ (Hà Nội).
Đến ngày 12.9.1945, báo Cờ Giải phóng ra số 16 là số đầu tiên xuất bản công khai ở Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám, in măng sét màu đỏ tươi, giấy trắng, với số lượng phát hành 10.000 tờ. Cầm trên tay tờ báo mới in còn thơm mùi mực, ông Trần Quốc Hương rưng rưng xúc động.
Ngày 11.6, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư thông báo ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính T.Ư, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư đã từ trần. Tướng tình báo Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh năm 1924 (97 tuổi) tại H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943, từng làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trường Chinh, cụ Nguyễn Lương Bằng, đại tướng Nguyễn Chí Thanh... và từng bị tù đày trong nhà tù của Pháp và của Việt Nam Cộng hòa.
Ngoài nhiệm vụ tổ chức ra báo Cờ Giải phóng của Đảng, đóng góp tích cực trong thành công của buổi lễ Tuyên ngôn độc lập, tướng Mười Hương được đánh giá là nhà tình báo chiến lược xuất sắc - “Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam trong thời kỳ kháng chiến cứu nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính T.Ư. Ông là ủy viên T.Ư Đảng từ khóa IV đến khóa VI, Bí thư T.Ư Đảng khóa VI.
Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.