Học gì từ điện ảnh Iran?

Ngọc An
Ngọc An
30/10/2018 06:43 GMT+7

Mỗi năm, các nhà làm phim Iran sản xuất trung bình khoảng 180 phim truyện, trong đó hơn 90% được đưa đi tham dự, trình chiếu tại liên hoan phim quốc tế khắp thế giới.

Đến giờ đã có khoảng 40.000 bộ phim Iran tham gia các liên hoan phim (LHP) quốc tế, với số lượng giải thưởng quốc tế đạt được là hơn 4.000. Một số phim được trao các giải thưởng điện ảnh lớn của thế giới như A Separation, The salesman của đạo diễn Asghar Farhadi giành giải Oscar Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2012 và 2017, Taxi của đạo diễn Jafar Panahi giành giải Gấu vàng 2015...
Điều gì đã giúp điện ảnh Iran, với những bộ phim kinh phí không cao, có được những thành công như vậy? Câu hỏi này được một số nhà làm phim, hoạt động điện ảnh của Iran giải đáp phần nào trong buổi hội thảo Kinh nghiệm thành công quốc tế của điện ảnh Iran, một hoạt động nằm trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 5, diễn ra ngày 29.10.
Độc lập làm phim
Đạo diễn Rouhollah Hejazi cho biết ở Iran có 2 nguồn kinh phí làm phim. Một là tiền hỗ trợ từ nhà nước để làm những bộ phim tuyên truyền và phim nghệ thuật. Hai là tiền của cá nhân, công ty tư nhân. “Nhiều nhà sản xuất không muốn làm phim từ nguồn tài trợ của nhà nước, ngay cả từ quỹ. Chúng tôi muốn làm phim một cách độc lập để được toàn quyền làm những gì mình muốn”, đạo diễn Rouhollah Hejazi phát biểu tại hội thảo. Ông lấy ví dụ bộ phim mình vừa thực hiện là The dark room (cũng là 1 trong 12 bộ phim tham gia tranh giải tại hạng mục phim dài tại LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 5). “Tôi làm phim này với sự hỗ trợ kinh phí của một số người bạn và khoản vay từ ngân hàng”, ông nói.
Cũng giống Rouhollah Hejazi, đạo diễn Shahram Mokri (đạo diễn bộ phim Fish & Cat đã giành giải thưởng Venice Horizons Award - Special Prize cho nội dung sáng tạo tại LHP Venice 2013), thuộc thế hệ thứ 6 - thế hệ nhà làm phim trẻ của điện ảnh Iran. “Thế hệ chúng tôi muốn là một phần của thế giới điện ảnh. Để tham gia được với nền điện ảnh lớn, chúng tôi nỗ lực làm phim ở nhiều thể loại, theo nhiều phương thức để có thể chuyển đổi điện ảnh Iran. Mạng xã hội, internet, tiếng Anh đều là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thế hệ làm phim ngày nay”, đạo diễn Shahram Mokri chia sẻ.
Điều đặc biệt là hầu hết những nhà làm phim thế hệ thứ 6 của Iran đều được đào tạo trong nước. Bên cạnh đó, nhà nước Iran cũng có nhiều chính sách phát triển nghệ thuật, điện ảnh, tạo hình... trong nước.
Học gì từ điện ảnh Iran ?1
Các nhà làm phim, phê bình điện ảnh Iran tại hội thảo Ảnh: Ngọc An
Quảng bá phim ra thế giới
Nhà phê bình Mohammad Attebbai là một trong những người tham gia thúc đẩy quảng bá điện ảnh Iran ra thế giới vào những năm 1980. Ông là người tuyển chọn phim Iran để đưa đi tham dự LHP quốc tế tại Quỹ điện ảnh Farabi do chính phủ hỗ trợ và là đơn vị duy nhất đưa phim Iran ra thế giới vào những năm 1980, 1990.
“Sau cách mạng năm 1979, chính phủ Iran nhận thấy cần hỗ trợ các hạng mục phim nghệ thuật. Quỹ điện ảnh Farabi đã được thành lập vào năm 1984 để hỗ trợ mọi khía cạnh làm phim, bao gồm cả phát hành”, ông Mohammad Attebbai nói và cho biết thêm: “Khâu sản xuất phim không tồn tại nên chúng tôi phải làm vài bộ phim để khuyến khích các nhà làm phim tư nhân vào cuộc. Kể từ năm 1984 trở về sau, phim truyện có sự phát triển”. Ông Mohammad Attebbai vẫn nhớ thời kỳ đó ở Iran không có internet, thậm chí không có cả máy fax. “Chúng tôi chỉ sử dụng điện tín “thừa hưởng” từ Thế chiến thứ 2 để chuyển tải nhiều thông điệp. Chúng tôi gửi 300 bức thư đến 300 LHP của thế giới để thúc đẩy phim Iran dự LHP, nhưng chỉ nhận được 2 thư phản hồi, số còn lại bị lờ đi. Có lẽ họ cho điện ảnh Iran không tồn tại. Một số phim của chúng tôi bị nhiều LHP từ chối, nhưng sau một vài năm, những LHP đó đã chấp nhận đưa phim của chúng tôi vào trình chiếu”, ông nói.
Những bộ phim từ ngân sách nhà nước, từ đài truyền hình, từ tư nhân đều được gửi đi thông qua Quỹ điện ảnh Farabi. Bên cạnh đó, còn có khoảng 10 viện nghiên cứu của nhà nước thúc đẩy đưa phim Iran ra thế giới. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.