Hợp tác công - tư bảo tồn di sản

28/11/2018 06:57 GMT+7

Bảo tồn công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử và phát triển hiện đại luôn là một trong những mâu thuẫn lớn nhất. Làm sao để dung hòa? Hợp tác giữa nhà nước và tư nhân là đề xuất đáng chú ý.

Ngày 27.11, hội thảo Không gian di sản về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa tại TP.HCM do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) và Công ty cổ phần Minerva đồng tổ chức diễn ra với sự tham dự của gần 100 cán bộ quản lý nhà nước, chuyên gia trong và ngoài nước (Pháp, Singapore, Ý, Nhật, Trung Quốc) cùng các doanh nghiệp.
Chủ trì hội thảo, GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định muốn gìn giữ di sản không chỉ phía chính quyền mà cả người dân và nhà đầu tư cần phải chung tay.
Đổi không gian công cộng lấy quyền “xây lố”
Trong tham luận, TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan - chuyên gia kinh tế đô thị (ĐH Kinh tế TP.HCM), cho biết tại Malaysia đầu thập niên 1990 có đến 39.000 công trình có giá trị cần bảo tồn. Nghiên cứu gần đây cho thấy họ phải dựa vào sự hợp tác của khu vực tư nhân để thực hiện chính sách bảo tồn. Khi chính quyền không chú trọng đến sự hợp tác này thì kinh phí sẽ thiếu, dẫn đến việc xóa bỏ những thành tựu về bảo tồn mà họ đã cố gắng có được.
Trong khi đó, Singapore cũng mất 20 năm để có được thành tích bảo tồn 6.560 công trình thành công, kể từ khi họ bắt đầu làm việc này vào những năm 1980.
Hợp tác với tư nhân bằng cách nào? Theo TS-KTS Tô Kiên, chuyên gia cao cấp Tập đoàn tư vấn phát triển hạ tầng Eight-Japan (EJEC), từ cuối những năm 1960, New York (Mỹ) đã có sáng kiến cơ chế phát triển thưởng (incentive zoning). Theo đó, cơ chế này công khai cho phép các nhà đầu tư được xây dựng vượt quá quy mô cho phép (trong dung sai nhất định). Đổi lại, họ phải xây dựng các không gian hoặc công trình tiện ích công cộng mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận mọi lúc.
“Cơ chế phát triển thưởng không những tháo gỡ khó khăn tài chính cho chính quyền mà còn đem lại công cụ kiểm soát linh hoạt hơn, thay thế sự kiểm soát cứng nhắc thông thường vốn dễ tạo điều kiện cho tham nhũng từ xây cất trái phép. Điều quan trọng là chính quyền có thể điều tiết tốt để không gian công cộng tạo ra từ cơ chế này thật sự cho mọi tầng lớp nhân dân (không chỉ giới trung, thượng lưu) có thể sử dụng bất cứ lúc nào”, TS-KTS Tô Kiên nói với Thanh Niên.
Tương tự, nhằm tạo động lực cho các chủ đầu tư tư nhân tham gia cùng chính quyền xây dựng môi trường đô thị tốt hơn, năm 1973 thành phố Yokomaha (Nhật) đã ban hành “Cơ chế thiết kế môi trường đô thị” cho phép thưởng thêm các chủ đầu tư về chiều cao công trình và hệ số sử dụng đất, nếu họ xây dựng các không gian công cộng và công trình công ích trên đất tư nhân của họ, ví dụ quảng trường, vỉa hè, bãi đỗ xe, cây xanh thảm cỏ…
Ngoài ra cũng tại Nhật, hệ thống Khu vực với Hệ số sử dụng đất ngoại lệ (EFARZS) đã được đưa ra vào năm 2000. Điểm đặc sắc của hệ thống này là cho phép chuyển đổi hợp pháp những quota (chỉ tiêu) sử dụng đất không dùng tới ở công trình di sản (thường là thấp tầng và mật độ xây dựng thấp) sang công trình thương mại cao tầng kế bên. Đổi lại, chủ đầu tư công trình kế bên này phải trả tiền “mua” những quota dư thừa này, và khoản tiền đó được dùng để đầu tư cho việc bảo tồn, trùng tu hay tôn tạo di sản.
“Không phải tự nhiên mà các nước phát triển áp dụng những cơ chế trên. Tất cả đều là kết quả từ nghiên cứu, thực tiễn, từ những tính toán khoa học... Vì thế, VN hoàn toàn có thể học hỏi từ họ. Điều cốt yếu chúng ta cần có lúc này là những đối tác công - tư có “tâm” và “tầm”. Đối tác công là một hệ thống quản trị vững mạnh về đô thị và di sản. Đối tác tư là các doanh nghiệp mạnh, có định hướng lâu dài cùng những cộng đồng dân cư nhiệt tâm ủng hộ”, TS-KTS Tô Kiên nói.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản
Hiện nay, thông tin về di sản trên địa bàn TP.HCM rất đa dạng nhưng bị phân tán từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, theo Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (thuộc Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM), cần thiết có một hệ thống tổng hợp các dữ liệu về bảo tồn. Hệ thống này giúp quản lý, cập nhật, bổ sung thông tin về đối tượng bảo tồn, đồng thời giúp nhà quản lý có cái nhìn tổng thể về hệ thống di sản trên địa bàn.
Theo đó, các dữ liệu về vị trí, thông tin thuộc tính của cả ba đối tượng (biệt thự, công trình ngoài biệt thự, khu vực) sẽ đưa vào cùng một hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, tra cứu và thông tin du lịch. “Người sử dụng chỉ đơn giản nhập địa chỉ đối tượng cần tìm kiếm, hệ thống sẽ cho kết quả về vị trí đối tượng, thông tin tổng quát (quận, phường, số tờ, số thửa, diện tích...) và các thông tin chi tiết (phiếu kiểm kê, phiếu đánh giá và hình ảnh minh họa)”, đại diện Trung tâm nghiên cứu kiến trúc cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.