Khám phá tranh minh họa và bìa sách xưa của một số danh họa Việt

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
11/05/2021 15:46 GMT+7

Tranh minh họa và bìa sách đẹp của các danh họa góp phần nâng tầm cuốn sách, giúp độc giả bớt nhàm chán khi đọc toàn chữ nên từ xưa, công đoạn này đã được chú trọng trong xuất bản.

Về tranh minh họa và bìa sách thì gần 100 năm trước (năm 1927) ở Sài Gòn, khi in cuốn sách Cách vật trí tri, quyển thứ nhất về chủ đề Loài người và loài cầm thú gồm 18 bài và 123 hình minh họa, nhà báo - dịch giả Nguyễn Háo Vĩnh (1893-1941) đã đưa ra tuyên ngôn “Một quyển sách không hình chẳng khác chi cái vườn không hoa!”. Cuốn sách được soạn tại Cần Thơ ngày 15.6.1918. Trong kỳ thi “làm sách” của Nam kỳ Khuyến học Hội (Sài Gòn) năm 1922 thì Cách vật trí tri được trao giải nhất.

Bìa sách Cách vật trí tri của Nguyễn Háo Vĩnh, Nhà in Xưa - Nay, 1927

Ảnh: Gallica

Bìa sách Mối tử thù của Nguyễn Lam Điền, Thẳng Tiến phát hành, 1939

Bìa cuốn Thơ ngụ ngôn La Fontaine, Thư xã Alexandre de Rhodes, 1945

Năm 1939, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) phụ trách vẽ bìa và minh họa cho loạt sách Hoa Xuân (loại sách hồng của tuổi trẻ) do Thẳng Tiến phát hành tại Hà Nội. Ví dụ: cuốn Mối tử thù của tác giả Nguyễn Lam Điền dày 23 trang thì có đến 8 tranh minh họa, cuốn Gan tráng sĩ của Hoàng Đạo Thúy dày 24 trang có 6 tranh minh họa…
Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1942, họa sĩ Mạnh Quỳnh (1917-1991) đã vẽ bìa và minh họa cho một số cuốn sách do Đắc Lộ Thư xã (hay Thư xã Alexandre de Rhodes) xuất bản tại Hà Nội năm 1945, như cuốn Thơ ngụ ngôn La Fontain được Nguyễn Trinh Vực dịch ra văn vần, trang sách nào cũng có tranh minh họa về con người, đời sống, sinh hoạt, phong cảnh… Việt Nam; hay như cuốn Cung oán ngâm khúc (tác giả ôn Như Hầu) do Phạm Gia Kính dịch sang tiếng Pháp (in song ngữ Việt-Pháp), Mạnh Quỳnh đã vẽ một số tranh về phụ nữ Việt rất có hồn.

Một trang sách Thơ ngụ ngôn La Fontaine với minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh

Minh họa của Mạnh Quỳnh cuốn Cung oán ngâm khúc, Thư xã Alexandre de Rhodes, 1945

Minh họa của Mạnh Quỳnh cuốn Truyện rừng xanh, Thư xã Alexandre de Rhodes, 1944

Ảnh: Gallica

Trong cuốn sách Tranh vẽ làng Việt Nam cũ và mới (cổ động cải lương hương tục) gồm 148 tranh vẽ của Mạnh Quỳnh (vẽ tại Hà Đông, từ tháng 4 đến tháng 6.1944), Đắc Lộ Thư xã viết ở đầu sách: “Bản xã cho in cuốn sách này, những mong giúp ích cho dân quê trong muôn một. Phần trên gồm 92 tranh in, về những tục xấu của ít nhiều nơi, chủ ý không phải là chỉ trích, nhưng cốt mong ai nấy tỉnh ngộ, bài trừ các điều dở như cờ bạc, tham nhũng, lười biếng, cẩu thả… Đoạn thứ hai gồm 56 bức khác, vẽ cảnh tươi sáng của một làng mới, với những dân đinh tráng kiện, có công nghệ và có tinh thần đoàn kết”.
Không chỉ minh họa cho sách tiếng Việt, Mạnh Quỳnh còn vẽ hơn 20 tranh minh họa (chủ đề: ông đồ, cảnh đồng ruộng, phố phường Hà Nội, Hồ Tây, chùa Hương Tích…) cho cuốn ký sự khá thú vị có nhan đề Tonkin - Paysages et Impressions (Xứ Bắc Kỳ - Phong cảnh và Cảm tưởng) xuất bản ở Hải Phòng năm 1944 của tác giả Hilda Arnhold. Trang 19 báo Trung Bắc Tân văn số 233 (24.12.1944) giới thiệu nội dung cuốn sách: “… Nói về những cái đặc sắc của phong tục tập quán xứ Bắc kỳ”, tác giả “có con mắt quan sát rất đúng và những cảm tưởng rất nên thơ về những điều tai nghe mắt thấy….”. Những hình vẽ trong sách có thể không lạ đối với người Việt lúc bấy giờ nhưng có thể tạo được ấn tượng thị giác với độc giả nước ngoài mà cuốn sách này nhắm tới.

Từng có sự góp sức của nhiều danh họa Việt Nam

Có rất nhiều họa sĩ tài danh đã tham gia vẽ bìa và minh họa cho sách, có thể kể đến họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912-1977) với một số tranh phụ bản khắc gỗ in trong cuốn sách Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (NXB Thời Đại, 1943) và Xuân Thu nhã tập (Xuân Thu thư lâu, 1942), họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2016) vẽ bìa và họa tự cho cuốn Trường ca của Xuân Diệu (NXB Thời Đại, 1945), tác phẩm Tóc chị Hoài của Nguyễn Tuân (NXB Lượm Lúa Vàng, 1943) có in phụ bản tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa cho bản dịch Truyện rừng xanh của Rudyard Kipling, Phạm Xuân Độ dịch (Thư xã Alexandre de Rhodes, 1944), tập thơ Bức tranh quê của Anh Thơ (NXB Đời Nay, 1941) do họa sĩ Tô Ngọc Vân (1908-1954) trình bày, sách cũng in kèm bốn bức họa màu của ông.
Còn nhiều danh họa nữa, như họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976), họa sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966), họa sĩ Nguyễn Huyến (1915 -1994), họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1906 -1946)… với nhiều tranh minh họa trong sách, trên báo xuân, sách tết mà lịch sử báo chí/xuất bản từ thời tiền chiến đến trước năm 1975 đã ghi nhận.

Minh họa của Tô Ngọc Vân trong cuốn Bức tranh quê, NXB Đời Nay, 1941

Tranh khắc gỗ của Nguyễn Đỗ Cung trong cuốn Vang bóng một thời, NXB Thời Đại, 1943

Ảnh: Gallica

Gần đây, một số cơ sở xuất bản ở Việt Nam chú trọng nhiều hơn đến hình thức sách, từ dàn trang, thiết kế, vẽ bìa, chọn chất liệu và định lượng giấy, công nghệ in, đặc biệt là vẽ minh họa cho nội dung sách.
Vẽ minh họa cho sách không phải là điều gì đó mới mẻ trong lịch sử xuất bản nhưng chắc chắn là công việc không dễ dàng nếu người họa sĩ không cảm được tác phẩm, tinh thần của cuốn sách, thông điệp của tác giả. Minh họa cho nội dung sách hay xuất bản sách chỉ gồm tranh minh họa đang là xu hướng, một nghề chơi và cũng là thách thức đối với các họa sĩ cũng như người làm sách. Nhìn xa hơn, công việc này cũng góp phần vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nhiều năm qua, khá đông họa sĩ đương đại bén duyên với ngành xuất bản như Thành Phong, Lê Thiết Cương, Đỗ Hoàng Tường, Lê Trí Dũng, Thành Chương, Kim Duẩn… Họ đã tạo được những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả với những tranh minh họa và bìa sách đặc sắc, truyền tải được nội dung câu chuyện thông qua hội họa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.