|
Khoảng trống quy hoạch di sản ở Hà Nội
20/09/2018 07:18 GMT+7
Chưa có bản đồ quy hoạch khảo cổ, những kho tàng Hán Nôm còn chưa được khai thác hết, Hà Nội hiện mới chỉ “điểm danh” được các di sản phi vật thể.
Ngay sáng 19.9, khi UBND TP.Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa thủ đô Hà Nội, thì cũng là lúc PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, kêu cứu cho thành Cổ Loa (H.Đông Anh, Hà Nội). Trên trang cá nhân của mình, ông Huy đưa lên các hình ảnh tĩnh và động về việc một lớp thành của di tích quốc gia đặc biệt này bị xâm lấn, biến thành bãi rác.
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Huy cho biết việc xâm lấn này do quy hoạch Cổ Loa 2015 đã bỏ quên các vòng thành đất có tuổi đời 2.300 năm, độc đáo, có quy mô lớn và sớm nhất Đông Nam Á. “Điều này dẫn đến các vòng thành đã được cấp sổ đỏ, san lấp, mua bán, xây dựng như hiện nay. Người dân cũng không có lỗi trong việc này vì hiện chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 để họ biết được đâu là khoanh vùng bảo vệ mình cần tuân thủ”, ông nói.
PGS-TS Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, lại nhắc tới di sản mộc bản trong các di tích của Hà Nội. Theo ông, trong lòng các di tích đền chùa, nổi bật lên loại hình mộc bản với đặc thù riêng là công cụ tạo tác in ấn ra tư liệu thư tịch kinh, sách, tranh đồ họa, bùa chú... “Từ tư liệu hiện vật văn khắc âm bản dựng nên những bộ chính sử quan phương, những bộ kinh đồ sộ, những bức tranh dân gian sống động mang đậm sắc thái văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng tôn giáo VN. Giá trị vật thể và phi vật thể của mộc bản Thăng Long - Hà Nội cần được khảo sát, khai thác nghiên cứu và bảo tồn một cách khoa học từ thực trạng hiện nay”, ông Việt nói.
Có lẽ, di sản phi vật thể là di sản được Hà Nội lên kế hoạch bảo tồn rõ nét hơn cả. Theo TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), Sở VH-TT Hà Nội đã xuất bản cuốn Atlas (tập bản đồ) di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội và danh mục di sản văn hóa phi vật thể 2016. Trong đó, đã kiểm kê được các di sản tri thức dân gian như kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản lương thực (nhiều nhất ở các huyện Ba Vì, Đông Anh, Hoài Đức...), góp phần vào nội dung lương thực, y tế cộng đồng... “Theo mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO thì việc kiểm kê 1.793 di sản này sẽ góp phần bảo vệ di sản và phát triển bền vững cấp quốc gia”, bà Lý cho biết.
Bình luận (0)