Kim Vân Kiều sẽ được giới thiệu tới khán giả VN vào tối 20 và 21.9 tại Trung tâm văn học nghệ thuật TP.HCM, Sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM) và ngày 25.9 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội).
Nàng Kiều “đa quốc tịch”
Chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch Truyện Kiều của học giả Nguyễn Văn Vĩnh và Nguyễn Khắc Viện, vở nhạc kịch được nhào nặn qua bàn tay sáng tạo của đạo diễn sân khấu kỳ cựu người Pháp Christophe Thiry. Đạo diễn sẽ đưa người xem vào trong không gian được sắp xếp theo trình tự thời gian, từ bối cảnh xã hội VN thế kỷ 16 đến thời hiện đại. Câu chuyện về cuộc đời và thân phận nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt vở diễn. Bên cạnh đó, một trong những sáng tạo của ê kíp là việc đưa vào hai “nàng Kiều” đến từ châu Phi và nước Mỹ, một là Kiou (người phụ nữ trẻ châu Phi bị cưỡng bức), một là Kiew (người phụ nữ phải chịu đựng những đòi hỏi của “giấc mơ Mỹ” vì đứa con trai tàn tật). Kiều, Kiou và Kiew cùng nói lên tiếng nói về tự do, về chiến thắng của sự trong trắng trước cái xấu xa.
|
Tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã hấp dẫn Christophe Thiry một cách mạnh mẽ. Từ Pháp, ông chia sẻ với PV Thanh Niên: “Trong Truyện Kiều, người ta thấy có những con người hiền lành, lương thiện và cả những kẻ ác nhân, có những điều kinh khủng và cả những điều tươi sáng, thơ mộng. Một tác phẩm vừa độc đáo nhưng vừa có giá trị phổ quát về thân phận con người và định mệnh của tạo hóa. Công chúng ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng dễ bị hấp dẫn bởi những câu chuyện như vậy. Với tôi, việc thực hiện một vở diễn xuất phát từ tác phẩm của một danh nhân của thế giới, có độ xa về mặt thời gian lẫn không gian thật là thử thách nghệ thuật gây hứng thú”.
Với những giá trị vốn có của tác phẩm Truyện Kiều..., chúng tôi muốn vinh danh văn hóa VN với một tuyệt tác văn chương của nhân loại vượt thời gian và không gianĐạo diễn Christophe Thiry |
Sự kết hợp Á - Âu
Trong vở diễn, đạo diễn Christophe Thiry đã kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như kịch nói, múa - khiêu vũ, hát... “Chúng tôi muốn khán giả có thể thẩm thấu kiệt tác văn học cùng lời thơ của Nguyễn Du một cách sâu sắc. Những khái niệm về sự sống, tình yêu, bạo lực, bất hạnh, hy vọng, sự tàn nhẫn, trống vắng... được làm trở nên sống động và mang giá trị biểu tượng”, đạo diễn Christophe Thiry cho hay.
Đặc biệt, phần âm nhạc là sự thể nghiệm độc đáo khi các nghệ sĩ vừa diễn kịch, vừa hát opera, nhạc pop, lại vừa diễn tấu các nhạc cụ như violon, piano, guitar. Màu sắc âm nhạc phương Tây được kết hợp và hòa quyện với màu sắc âm nhạc phương Đông, cụ thể là của VN với phần trình diễn nhạc cụ như trống, sáo, đàn, nguyệt, đàn bầu của hai nghệ sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam (đến từ Nhạc viện TP.HCM và Đoàn nhạc gõ Phù Đổng).
|
6 nghệ sĩ đến từ Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris, Pháp) đảm nhiệm tất cả vai trong vở diễn: Nguyễn Du, Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, Thúy Vân, Hoạn Thư, Đạm Tiên, Tú Bà, Sở Khanh, Kiou, Kiew... Nữ nghệ sĩ Sarah Bloch, người từng vào vai Frasquita trong vở Carmen của Bizet diễn tại Nhà thờ lớn Marseille (Pháp) đảm nhận vai Kiều. “Không dễ gì cho tôi khi hóa thân vào một người nữ Á châu. Nhưng Truyện Kiều là tác phẩm đã vượt qua mọi biên giới, và tôi nghĩ mọi người phụ nữ trên thế giới đều có thể thấu cảm với thân phận của nàng Kiều. Vì vậy, tôi diễn xuất với tâm hồn và trải nghiệm cuộc sống, con người, văn hóa của mình”, cô chia sẻ. Nói về sự hứng thú với vở diễn và vai Kiều, Sarah Bloch cho hay: “Kiều là một người phụ nữ biết chịu đựng tất cả sự đau khổ của người đàn bà nhưng không bao giờ cay đắng hay thù hận, cô ấy biết đâu là công lý, đâu là khoan dung. Nàng vẫn giữ được tình yêu, một tình yêu trong trắng và an lành. Triết lý sống của Kiều với tôi rất đẹp”.
Đạo diễn Christophe Thiry nói ông không ngại nếu có nhiều những ý kiến khác nhau xung quanh vở diễn. “Lúc tôi dàn dựng một vở kịch cổ điển quen thuộc của Pháp, nhiều người Pháp trước đó tưởng rằng họ đã biết rõ vở kịch này, nhưng đến khi tác phẩm được công chiếu, phần đông hiểu rằng họ đã hiểu về một cách hời hợt. Tôi luôn tìm mọi cách để nhìn câu chuyện dưới nhiều góc cạnh và để xây dựng tác phẩm gần gũi với khán giả của thời chúng ta đang sống. Đối với vở nhạc kịch Kim Vân Kiều cũng vậy”, ông cho hay.
Tại Pháp, vở diễn đã gây xúc động, được khán giả Pháp và thế giới đón nhận, trong đó có cả những người VN và gốc Việt sinh sống tại Pháp. “Chúng tôi muốn được đưa vở nhạc kịch về VN, nơi “khởi đầu” của vở diễn. Với những giá trị vốn có của tác phẩm Truyện Kiều, cùng công sức tập luyện trong suốt một năm để hoàn thành dự án này, chúng tôi muốn vinh danh văn hóa VN với một tuyệt tác văn chương của nhân loại vượt thời gian và không gian”, đạo diễn Christophe Thiry bày tỏ.
Bình luận (0)