Đây là lời của Kiều nói với Thúc Sinh. Giấm chua chỉ sự ghen tuông của phụ nữ; lấy ý từ tích ngật thố [吃醋] - chữ [吃] cũng đọc là cật - có nghĩa là uống giấm.
Tương truyền trong một buổi ngự yến, vua quan đều ngà ngà say. Đường Thái Tông mới ban cho tể tướng Phòng Huyền Linh hai mỹ nữ. Tan tiệc, tể tướng đưa hai người đẹp về nhà thì Phòng phu nhân nổi cơn tam bành, không cho hai nàng bước qua cửa. Bị rượt đuổi, hai nàng bỏ chạy. Chuyện đến tai nhà vua, Thái Tông bèn triệu bà tể tướng vào cung. Con trời quát: “Ngươi dám chống lại ý ta.
|
Cho ngươi chọn một trong hai điều: một là rước hai vị mỹ nữ về nhà đối xử tử tế; hai là uống bình rượu độc này”. Ai ngờ Phòng phu nhân bưng bình rượu nốc cạn. Xong mới biết đó là giấm. Đường Thái Tông cảm kích nói: “Phòng phu nhân, chớ oán ta dùng cách này bức ngươi. Lòng ghen tuông của ngươi lớn lắm. Cảm cái đức nặng tình với chồng của ngươi, ta thu hồi lệnh (ý là khỏi rước hai mỹ nhân về nhà)”. Từ đó, hai tiếng ngật thố (uống giấm) được dùng để chỉ cái nết ghen của đàn bà. Đây Kiều ám chỉ sự ghen tuông của Hoạn Thư.
tin liên quan
Lắt léo chữ nghĩa: Cố sự & sự cốÝ Kiều nói sự ghen tuông của vợ cả (giấm chua) còn làm cho mình nhục nhã hơn việc làm gái đến mấy lần (bằng ba).
Thế là tiếng Hán có hai tiếng ngật thố để chỉ sự ghen tuông mà Nguyễn Du đã mượn để đưa vào Truyện Kiều. Tiếng Việt thì sao? Thì có câu ca dao:
Ớt nào mà ớt chẳng cay,
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.
Ngoài ra, miền Nam còn có ngữ vị từ đổ ghè tương để chỉ hành động ngật thố của tiếng Hán nhưng rất may là ở đây chẳng có ai phải húp tương cả. Ghè là một thứ chum nhỏ dùng để đựng chất lỏng như rượu, nước mắm, tương…, còn tương là danh từ chỉ một thứ gia vị làm bằng đậu nành lên men.
Nhưng trong đổ ghè tương thì tương không còn chỉ món gia vị đó vì ở đây đã có một sự đánh tráo khái niệm: thứ đậu nành lên men kia đã bị thay thế bằng cái chất ớt của những người phụ nữ hay ghen.
Chẳng là hai tiếng ghen tuông của miền Bắc thì trước đây trong Nam phát âm thành ghen tương, mà Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín giảng là “ghen tuông, có biểu hiện hờn giận trong tình yêu nam nữ, vì nghi ngờ có sự phản bội”. Chính cái chữ tương này của từ tổ đẳng lập ghen tương đã thay thế cho chữ tương chỉ gia vị trong ngữ vị từ đổ ghè tương.
Mà cái sự ghen tương nổi lên đến mức làm đổ cả cái ghè đựng nó thì đâu có vừa gì. Đây là kiểu chơi chữ trên cơ sở của hiện tượng đồng âm mà tiếng Anh gọi là pun, tiếng Pháp là calembour còn tiếng Hán là song quan.
Bình luận (0)