Nghệ sĩ quảng cáo nhãn hàng có chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm ?

07/11/2017 06:20 GMT+7

Nhiều người nổi tiếng từng quảng bá mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của T's Group đang bị người tiêu dùng 'ném đá', sau khi cơ quan chức năng phát hiện lô hàng trị giá 11 tỉ đồng không rõ nguồn gốc của đơn vị này.

Ý kiến của luật sư về việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm làm đẹp
- THỰC HIỆN: TRUYỀN HÌNH BÁO THANH NIÊN
Diễn viên Ốc Thanh Vân, một trong những nghệ sĩ tham gia quảng bá sản phẩm của T’s Group, là người đầu tiên lên tiếng về sự việc. Trên trang cá nhân, cô viết lời xin lỗi và khẳng định cửa hàng cô giờ không còn bán sản phẩm liên quan đến T’s. Cô cho biết thêm khách hàng nào đã mua sản phẩm nếu muốn gửi lại thì cô sẽ nhận hết để bàn giao cho T’s.
Đối diện với lời “buộc tội” các nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho sản phẩm T’s là tiếp tay cho lừa đảo, Ốc Thanh Vân viết: “Bản thân làm nghệ thuật, là đã có thể kiếm tiền chân chính, lương thiện. Chúng tôi không thèm khát tiền đến như thế! Chúng tôi có khả năng lao động! Không một ai biết là giả mạo - lừa đảo mà lại đi đâm đầu vào. Nên xin mọi người đừng vội nói tôi tiếp tay cho kẻ lừa đảo. Đây là một sự cố không mong muốn”.
Có những người tỏ ra thông cảm với các nghệ sĩ, song cũng không ít khách hàng cho rằng những người nổi tiếng cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mà họ quảng cáo, vì người tiêu dùng (NTD) quyết định bỏ tiền mua và sử dụng phần lớn do yêu quý nghệ sĩ, tin vào lời giới thiệu của nghệ sĩ về chất lượng sản phẩm.
Đại sứ nhãn hàng cũng phải thận trọng
Người tiêu dùng tin vào những gì bạn nói, nên chắc chắn bạn phải biết và hiểu rõ mình đang nói gì
MC - diễn viên Bình Minh
Ca sĩ Thanh Thảo cho biết, hiện nay không ít nghệ sĩ cho rằng càng xuất hiện bên cạnh nhiều sản phẩm thì càng chứng tỏ được độ ăn khách của mình và nhận lời quảng cáo cho nhiều loại sản phẩm khác nhau.
Bản thân Thanh Thảo cũng nhận được nhiều lời đề nghị quảng bá sản phẩm. “Mỗi tháng tôi đều có những lời mời post hình ảnh sản phẩm lên Facebook cá nhân để quảng cáo cho sản phẩm đó. Một status chỉ gồm hình chụp cùng sản phẩm và vài dòng bình luận về sản phẩm, có thể kiếm được vài chục triệu”, cô kể.
Thanh Thảo cho biết, với các lời mời giới thiệu mỹ phẩm mang thương hiệu ít được biết đến, cô đều từ chối khéo. “Không phải mình chê sản phẩm không “hot” mà là muốn cẩn trọng một chút để giữ uy tín cho mình, vì công chúng tin tưởng mình, mình không thể khen ngợi một sản phẩm mà bản thân chưa rõ về chất lượng, xuất xứ, công dụng để công chúng bỏ tiền mua được”, cô nói.
MC - diễn viên Bình Minh, người đã quảng cáo và làm đại sứ cho hàng chục sản phẩm, khẳng định đại sứ thương hiệu phải có trách nhiệm với cả 2 bên: nhãn hàng và NTD. “Nhãn hàng tìm đến bạn vì bạn là người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, có thể tạo ra xu thế, vì vậy họ mong muốn bạn bằng hình ảnh và uy tín của mình có thể truyền tải được thông điệp mà nhãn hàng muốn gửi đến NTD, khuyến khích họ sử dụng sản phẩm mà bạn cũng đang sử dụng. Chính vì thế, trách nhiệm của bạn đối với NTD cũng cao không kém. NTD tin vào những gì bạn nói, nên chắc chắn bạn phải biết và hiểu rõ mình đang nói gì”. Anh cho biết trước khi nhận lời đại diện cho một nhãn hàng nào đó, anh luôn tìm hiểu rõ đặc tính của sản phẩm, uy tín công ty, cũng như bản thân phải thực sự trải nghiệm sản phẩm và hài lòng với nó thì chia sẻ của mình mới chân thật và thuyết phục.
“Chưa quy trách nhiệm là thiếu sót của luật”

Các diễn viên tham gia quảng cáo, mà theo luật Quảng cáo là “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, chưa thấy luật quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của họ

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM)

Theo các chuyên gia pháp luật, hiện pháp luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người nhận quảng bá sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Thạc sĩ luật Đào Duy Tân (giảng viên Trường đại học Hoa Sen, TP.HCM), cho biết ca sĩ, diễn viên, người mẫu... tham gia quảng cáo được gọi là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo theo khoản 8, điều 2 luật Quảng cáo. “Hiện nay, luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Về mặt dân sự, nếu bất kỳ ai sử dụng sản phẩm này mà chứng minh được mình bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì chỉ có thể khởi kiện chủ lô hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu muốn khởi kiện các ca sĩ, diễn viên, người mẫu thì tòa án vẫn thụ lý giải quyết nhưng khả năng thắng kiện rất thấp, bởi chủ lô hàng mỹ phẩm hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật”, thạc sĩ Tân nói.
Luật sư (LS) Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm, để quy kết trách nhiệm trong trường hợp này, cần phải xác định đối tượng và phương thức thực hiện quảng cáo đó như thế nào. Theo luật Quảng cáo, có 4 chủ thể chủ yếu tham gia vào các công đoạn quảng cáo: người quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; người phát hành quảng cáo; người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.
“Pháp luật quy định rất rõ, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc thì không được quảng cáo. Vấn đề trách nhiệm cũng được ràng buộc với các chủ thể tham gia trong các khâu quảng cáo. Riêng với đối tượng là các diễn viên tham gia quảng cáo, mà theo luật Quảng cáo là “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, chưa thấy luật quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của họ. Đồng nghĩa, khi phát hiện vi phạm, người thuê các diễn viên này tham gia quảng cáo (người quảng cáo hoặc kinh doanh dịch vụ quảng cáo) phải chịu trách nhiệm về các điều kiện quảng cáo, còn các “diễn viên quảng cáo” được loại trừ trách nhiệm”, LS Hưng nhận định.
Theo LS Hưng, không ràng buộc trách nhiệm của “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” là một thiếu sót của luật, vì nó mất đi một khâu kiểm soát và trách nhiệm của “người của công chúng” đối với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.