Thời gian qua, thông tin về dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm của toàn cầu. Liên quan đến vụ việc này, cộng đồng mạng truyền tay nhau bức ảnh của nhóm học sinh trường Waregem College (Bỉ), được cho là kỳ thị người Việt nói riêng và người châu Á nói chung. Trong ảnh, nhóm người này đội nón lá Việt Nam, diện một số trang phục và nhái lại đặc trưng về con người của Trung Quốc, Nhật Bản kèm theo tấm bảng có dòng chữ “Corona Time" với ý chế giễu dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát ở châu Á. Điều đó khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc.
Không riêng gì hình ảnh này, hiện tại, nhiều người Việt ở nước ngoài cũng đang chịu cảnh bị kỳ thị vì dịch Covid-19. Từng chia sẻ với Thanh Niên, người mẫu Chà Mi đang làm việc tại Anh cho biết cô không nhận được show, không dám ra ngoài và tiết lộ ở thời điểm này, người dân sống ở đây chỉ “chăm chăm kỳ thị người châu Á". Nhiều sao Việt không khỏi xót xa khi đọc những thông tin này. Hoa hậu quý bà Phương Lê tâm sự: “Đó là một vấn đề cực kỳ đau lòng. Tôi xem mà đau lòng, suy sụp luôn. Qua chuyện này, họ dùng nón lá, và nói lời không mấy tốt đẹp đối với Việt Nam, tôi thấy tổn thương. Tôi nghĩ một con người văn minh thì không nên có hành động như vậy đối với Việt Nam”.
|
“Bệnh dịch đâu phải bắt nguồn từ Việt Nam thì tại sao người Việt lại bị đối xử tệ, không công bằng. Người dân Việt không có tội và cần được tôn trọng, bảo vệ ở nước ngoài trong giai đoạn này. Các nước châu Âu là những nước lớn nhưng sao người dân lại cư xử không đúng. Hãy cư xử văn minh với người Việt Nam. Việt Nam cố lên, hãy tự bảo vệ mình, cẩn thận dịch lây nhé. Thương mọi người quá, đọc và nghe không thể yên tâm, đau lòng, lo lắng lắm", Hoa hậu Quý bà Hòa bình 2017 nói thêm.
Nguyên Khang cho biết anh cũng đọc nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và lan rộng ra thế giới cũng như câu chuyện nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài bị kỳ thị. Anh khẳng định: “Đây thực sự là một vấn đề phải lên án. Việt Nam đang được thế giới đánh giá tốt về việc kiểm soát dịch bệnh. Bằng chứng là cho đến hiện giờ chúng ta dù có số lượng người nhiễm bệnh nhưng công tác chữa trị tốt nên chưa có trường hợp tử vong. Việc dịch bệnh lan rộng thế giới không xuất phát từ Việt Nam".
“Chúng ta là “nạn nhân” của dịch bệnh này và cũng đang chịu tổn thất nặng nề. Cả thế giới nên đồng lòng chung tay với nhau trong công tác nâng cao ý thức phòng dịch, thay vì chia rẽ bằng những hành động kỳ thị xấu xí. Cá nhân Khang thiết nghĩ những trường hợp kỳ thị xấu thế này ngoài việc lên án phải có biện pháp chế tài để tránh những trường hợp tương tự sẽ tiếp diễn, gây tác động nặng nề và nỗi lo sợ với những người Việt khác trên toàn thế giới. Cá nhân Khang cũng mong người Việt ở mọi nơi cùng góp tiếng nói để các nước không để tình trạng này xảy ra với công dân Việt Nam”, Nguyên Khang chia sẻ thêm.
|
Diễn viên Hữu Tiến cũng thẳng thắn bàn luận về câu chuyện này. Anh cho biết câu chuyện này xuất từ ý thức của mỗi người. “Tôi thấy rất bức xúc và thấy tội cho những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Người ta hay nói người nước ngoài văn minh hơn chúng ta, nếu người văn minh thì phải biết cư xử. Nhưng khi xảy ra chuyện kỳ thị người Việt, nếu chúng ta chửi nhau thì cũng không đúng lắm. Có lẽ vì nó liên quan đến mạng sống con người nên người ta mới có thái độ ứng xử như vậy”.
Nam diễn viên chia sẻ thêm không riêng gì người nước ngoài mà ngay cả người Việt còn kỳ thị lẫn nhau. Anh cho hay: “Dĩ nhiên bức xúc thì ai cũng bức xúc nhưng ở đâu cũng có người tốt và người xấu nên mình không thể trách được. Giống như việc sinh viên ở nước ngoài bị người ta hành hung nhưng không có nghĩa là cả đất nước đó hành hung. Tuy nhiên, đặt trường hợp khi tôi có người thân đang ở nước ngoài ở thời điểm này, bằng mọi cách, kể cả bán nhà tôi vẫn sẽ cho người thân về đây vì ở Việt Nam vẫn là tốt nhất, vẫn là an tâm nhất”.
Gặp phải tình huống trớ trêu khi bị kỳ thị vì đeo khẩu trang, Á hậu Diễm Trang cũng thẳng thắn bàn về câu chuyện này. Cô chia sẻ: “Với tôi thì đây là thời điểm rất nhạy cảm, mọi người nhìn nhau bằng sự nghi ngờ và lo ngại. Từ trước đến giờ tôi đến Ba Lan chưa bao giờ bị kỳ thị, lần này lại khác. Có lần tôi ra khỏi thành phố đang ở, đi về một thị trấn nhỏ, vắng lắm, vừa xuống xe bước xuống nhà hàng có vài thanh niên tụ tập bên kia đường, một người trong số đó vừa nói to vừa cười lại vỗ tay: Oh Virus. Tôi và chồng chỉ nhìn nhau lo ngại, chỉ muốn đi thật nhanh vào quán vì không biết họ có say xỉn hay không, hay có thể làm gì mình. Một số người khác thấy mình họ né rồi nói gì với nhau, tôi cảm thấy khó chịu chứ, nhưng tôi luôn giữ cho mình bình tĩnh, lạc quan, không trách ai được vì trong lúc này ai cũng lo sợ ngại tiếp xúc nhau”.
Bình luận (0)