Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết mới về thời bao cấp

27/10/2016 08:07 GMT+7

Hơn 30 năm sau khi hoàn tất, cuốn Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mới được NXB Hội Nhà văn cho ra mắt.

Bìa 4 cuốn sách có ý kiến đánh giá: "Chuyện ngõ nghèo không ngạc nhiên nếu được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh".
Ông Khánh trước đó đã được nhận nhiều giải thưởng về tiểu thuyết và được coi là một trong những cây bút tiểu thuyết hàng đầu hiện nay. Tiểu thuyết Hồ Quý Ly nhận giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn VN 1998 - 2000, Giải thưởng Thăng Long của UBND TP.Hà Nội 2002, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001. Tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006. Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã giành vị trí cao nhất giải thưởng Hội Nhà văn 2011.
“Hẳn nhiều người còn nhớ Hà Nội những năm tháng khốn khó, người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông ở khắp nơi. Chuyện ngõ nghèo ra đời trong hoàn cảnh ấy” và “ném ra một cật vấn đau đáu về bản tính con người”, NXB Hội Nhà văn giới thiệu về tác phẩm.
Trò chuyện với PV Thanh Niên xung quanh tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết: “Tác phẩm nằm trong một giai đoạn viết trong đời sáng tác của tôi. Đầu tiên là những truyện ngắn. Sau đó là Hoang tưởng trắng và cuốn Chuyện ngõ nghèo này. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn viết về lịch sử và văn hóa như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Chuyện ngõ nghèo hầu như là tự truyện. Câu chuyện xảy ra ở đúng cái làng này, đúng chỗ tôi đang ngồi đây, làng Thanh Nhàn này đây”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết mới về thời bao cấp 1
* Và ông cũng nuôi lợn như trong chuyện?
- Bạn bè anh em đều chứng kiến tôi nuôi lợn. Tôi nuôi lợn hơn 10 năm. Khi đó nơi đây là một phường ngoại thành. Bên kia đường, cách nhau bên kia đê, phố Lò Đúc đã là nội thành. Mỗi lần mổ lợn là ầm ĩ. Nó là một sự kiện kinh tế trong khu vực. Lò lợn ngày xưa cũng ở đây. Dân làng này nhiều người sống bằng nghề mổ lợn. Họ phụ việc cho các ông đồ tể. Các ông đồ tể cũng cư ngụ ở xóm này.
* Lịch viết văn và nuôi lợn của ông thời đó được bố trí như thế nào?
- Tôi nhận việc viết văn theo bạn bè. Lúc đó nhà tôi nghèo, quá nghèo, nghèo lắm í. Thành ra tôi phải đi học nghề thợ may. Tôi làm thợ may độ 8 năm. Làm may đo ngay ở nhà. Ban ngày thì nuôi lợn và làm thợ may, ban đêm chui lên gác xép. Thời gian vô cùng eo hẹp nhưng nó cũng kích thích chứ. Nó tạo ra cái gì khác thường. Kiếm sống và cái viết nó như hỗ trợ cho mình để có sức mà sống, chống chọi lại những thứ chua chát của cuộc sống.
* Trong tiểu thuyết có nhân vật quyết định bỏ học để đi làm nghề mổ lợn. Ngoài đời nhân vật ra sao?
- Thời điểm ấy có thật những người như thế. Mưu sinh. Nhưng đừng nghĩ là họ không dứt ra được khỏi lựa chọn đó. Vì sự sống luôn vươn tới, cái cao hơn, tốt hơn. Tuy bí bách, nhưng con người trong cuộc sống đó cũng vui, lạc quan. Chứ không người ta sống sao nổi.
Một Hà Nội dần thay đổi sức sống
* Hà Nội thời bao cấp hiện lên trong Chuyện ngõ nghèo với chuyện nuôi lợn cùng rất nhiều tình tiết mà giờ đọc lại người ta thấy vừa thương, vừa buồn cười, vừa đau...
- Hầu như gia đình nào ở miền Bắc cũng đã một lần nuôi lợn. Hầu như là vậy. Nông thôn đã đành, thành phố cũng thế. Người có quyền có thế cũng nuôi lợn. Bởi vậy, nghĩ tới thời bao cấp là nghĩ ngay tới chuyện người người nuôi lợn nhà nhà nuôi lợn.
Tôi nghĩ đây là cuốn sách viết về thời bao cấp mà hầu như chẳng ai viết cả. Có những đói khát thời đó, mơ ước của con người thời đó. Họ đáng yêu chứ, họ tự cứu mình, tự tìm cách để thoát nghèo. Giỏi quá đi chứ. Sao mà nhân dân lại nghĩ ra được chuyện nuôi lợn đó.
* Nhưng chẳng lẽ ngoài nuôi lợn, Hà Nội thời bao cấp không còn khía cạnh khác để viết nữa sao?
- Có những khía cạnh khác nữa chứ, nhưng những chàng trai Hà Nội khác lại chưa viết.
Thời Pháp, chiến tranh, dân ngoại thành nhập cư vào Hà Nội rất nhiều, khiến Hà Nội mất dần màu sắc thành thị, màu sắc trưởng giả đi và bị bình dân hóa dần dần. Sau năm 1954, văn hóa đời thường của Hà Nội hình thành càng rõ. Có lẽ thời nuôi lợn là thời điển hình nhất của thay đổi văn hóa đó. Cuộc sống hào hoa lãng mạn không phù hợp nữa. Và người nông dân mang tới một sức sống mới cho Hà Nội.
* Nhân vật người vợ trong tác phẩm của ông thật dịu dàng, bao dung. Giống như trong những tác phẩm khác của ông, tính nữ rất mạnh.
- Đúng. Chính những người phụ nữ như thế sẽ tạo văn hóa mới cho Hà Nội đấy.
* Cuốn sách về thời bao cấp này của ông gợi đến Triển lãm Thời bao cấp của Bảo tàng Dân tộc học. Ông Nguyễn Văn Huy lúc bấy giờ còn tái hiện cả gian nhà tập thể để nuôi lợn, có tiếng lợn kêu eng éc. Ông Huy có nói đấy là nếu nói về thời kỳ đó nên nói đầy đủ cả cái được lẫn chưa được.
- Tôi nghĩ người ta muốn sự thật. Người ta không thể bôi đen mà cũng không muốn tô hồng. Nên khi nói tôi cũng nói công bằng, nói đầy đủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.