Nhàn đàm: Quả tóc mùa thương nhớ

31/01/2021 06:20 GMT+7

Ở Sài Gòn hai mươi năm, xê dịch qua nhiều quận huyện nhưng lui tới cắt tóc chỉ hai tiệm.

Tiệm của Phúc, là anh bạn người Đồng Tháp tình cờ gặp và thân. Sống nhiệt tình với bạn bè, uống nhiều rượu và bị bệnh run tay phải bỏ nghề. Phúc mất hút ở đâu giữa thành phố đông đúc này. Tóc dài gần chấm vai vẫn không tìm ra bóng hình bạn. Tiệm ở mặt tiền một con đường nhỏ thuộc quận Tân Phú phía trước nhiều cây bàng lâu năm, lá rụng vào mỗi mùa thay lá. Buổi sáng bạn phải dọn cả tiếng mới sạch đẹp, coi như lao động hằng ngày thay tập thể dục. Mình tự cắt tóc mình như trái chôm chôm, người thân bảo “quả đầu xấu hoắc”.
Rồi tiếp đến là gặp Bằng. Bằng quê ở Tiền Giang đùm đề vợ con lên thành phố với hai chiếc tông đơ cùn. Nhưng ánh mắt thì luôn lạc quan. Tiệm nghèo không đặt báo, mình đi làm về thảy mớ báo cũ, tạp chí còn kín bì không ai buồn mở ra. Ở đây nhận tất. Chủ tiệm và khách chờ trao nhau đến cũ mòn cả gáy báo. Thỉnh thoảng mình để vài quyển thơ và tập truyện xem có ai đọc không, có đấy. Nhất là truyện cực ngắn của các tác giả mới viết đăng trên Kiến thức ngày nay. Mình nghĩ có lẽ thể loại này phù hợp thời gian ngắn ngủi khi chờ đến lượt hoặc thơ xem nhanh hơn. Thơ không mất trên các báo xuân có lẽ vì còn bạn đọc.
Con trai Bằng nay là cầu thủ triển vọng, ti vi tiệm mở liên tục để tăng kiến thức bóng đá cho con. Tuy hơi ồn nhưng vụ này đỡ hơn nhiều tiệm mở nhạc rên rỉ phát chán. Hai cái tiệm này có điểm chung là làm cực nhẹ tay, múa kéo như làm xiếc và trò chuyện chân tình. Giá mềm như tô bún, tô hủ tiếu mì gõ. Nhưng mình chung thủy hai tiệm này còn vì một lẽ khác!
Cả Phúc và Bằng đều đã mất cha. Họ mồ côi cha từ tấm bé nên ký ức về người cha không nhiều. Mình cắt tóc vô tình say sưa kể chuyện về ba của mình, khi nhìn vô gương thì thấy mắt họ buồn ngấn nước. Lần đó mình kể, ba mình có bốn người con trai, năm nào cũng thế, từ 20 tháng chạp là ba đã nhắc chừng các con nhớ cắt tóc. Gọi là dọn dẹp đẹp trai để ăn tết. Đứa nào lu bu quên cắt, đến 28 mà còn cái đầu luộm thuộm là coi như ăn đòn tới nơi.
Thời đó hớt tóc bằng tông đơ, tay cầm tông đơ liên hồi bóp nhả bóp nhả, những cọng tóc ngắn chưa đủ cắt lìa bị kéo theo khiến thỉnh thoảng đau nhói nơi da đầu. Tiếng tông đơ di chuyển nghe tặc tặc vui tai và tóc ngã xuống đen một lớp khăn mỏng choàng có mùi lưu cữu. Phía hàng xóm thơm ngào bánh mứt đang sấy, tiếng nói cười chộn rộn cuối năm thích làm sao. Vui nhất là không khí bận rộn vui vầy trước tết, chỉ nhìn chứ chẳng được ăn...
Mấy năm xa nhà vật lộn mưu sinh, năm ấy mình về đúng tối 29 tết. Năm nhuận, sáng mai là năm mới rồi. Mình vui quá, hí hửng mở ba lô tìm quà cho mọi người, mạ áo len, mứt Sài Gòn nè, em gái út mấy bộ đồ thun hoa hòe cực sáng nè... Ba đến, nhìn như hờn trách: “Mần ăn răng không đủ tiền hớt tóc ri con”? Mạ rất nhanh, nháy mắt. Hiểu ý chàng mà! “Con ơi, tiệm chú Dũng còn thức, con vô nói chú hớt cho”. Mình ngoan ngoãn như cậu bé “vừa lên ba” tìm nhà chú Dũng nhào tới. Chừ, chú Dũng đã mất rồi, hôm nay nhớ chú thì chú đã mấy năm về nơi xa. Tấm lòng của chú vẫn còn đây, vẫn sáng đèn múa tông đơ gọt tóc cho đứa cháu xa quê lần lữa hẹn về. “Tôi đi bằng chân về bằng lưỡi”, không phải thơ ám mình như bạn nhận xét mà mình viết như một lời sám hối sau bao bận thất hứa với quê hương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.