Mấy mươi năm sống ở tháp phố, ba sưu tầm và treo đầy căn chung cư chật chội những tấm ảnh cũ. Phải chi là ảnh khói đốt đồng trôi bảng lảng như những tấm ảnh nghệ thuật phim trường photoshop ảo diệu thì nói làm chi. Đằng này ba treo ảnh trắng đen, ông nội già nua, lưng còng queo ngồi hút thuốc rê bên bờ đê. Đứa con nhìn suốt mấy mươi năm vẫn không nhận ra ảnh đẹp chỗ nào. Hay là tấm ảnh chụp chiếc nóp cỏ bàng, cái phảng, cái cù nèo... làm đứa con bối rối, không biết vật đó là gì, dù cũng có năm lần bảy lượt ba nói cho nghe. Đứa con dạ dạ cho ông già vui lòng, mà sau tiếng “dạ”, hai chữ “cù nèo” rớt ra khỏi tai, chìm lẫn vào tiếng phố xô bồ xe cộ...
Nhà chật nhưng ba vẫn rộng lòng dành hẳn một không gian cho tổ tiên. Đứa con nhìn bàn thờ treo sáu bức ảnh người xưa, có tấm kém chất lượng, đã nhòe. Những đứa cháu ngơ ngác nhìn bàn thờ mà không biết rõ rành phải gọi là ông gì, bà gì cho đúng. Ba mẹ thường xuyên chỉ cho đám cháu con, đó là ông cố nội, tức là ông nội của ông nội; còn đây là bà cố, tức là mẹ của bà nội... Chỉ mấy cụm từ thôi, mà vẫn không sao làm cho đám cháu nhớ xuể. May mắn thay chúng ở phố, nên được đi học ngay từ rất nhỏ. Bằng trí thông minh, chúng suy luận ra: theo tia Y, phía bên trái là nội, phía bên phải là ngoại; theo tia X ở phía trên là ông cố có thêm chữ nội, ngoại; còn ở dưới là ông cố hoặc bà cố thôi. Đám cháu khoái chí, chỉ lại cho ông bà cách tính gia phả. Ông cười, nhưng lòng nghe méo mó, mà chập chờn suy nghĩ, không biết khi mình đoàn tựu tổ tiên, tụi nhỏ có còn nhận ra? Hay chúng sẽ định danh ông bà bằng bài toán tia X, tia Y...
Ba mẹ vẫn không nói rằng mình luôn mang một nỗi nhớ quê. Bởi khi xưa lúc bấm ruột lìa quê lên phố, thì ba mẹ phải cố gắng làm ngày làm đêm để nuôi bầy con, mua nhà, tích vốn. Những đứa nhỏ ra đời, thay nhau lớn lên trên lưng ông bà già đang ngày ngày còng xuống thấp. Những thề nguyện lúc từ giã quê hương cứ mãi gác lại. Rằng cuối đời sẽ cất ngôi từ đường đơn sơ, thả cá trồng rau vui thú điền viên trên miền quê nơi mình chôn nhau cắt rốn. Bây giờ mơ ước đó ngày một xa tầm tay mà quỹ thời gian thì như chiếc đồng hồ cát mỗi lúc mỗi vơi dần.
Để đến một hôm, ủy ban phường đến chúc thọ ba mẹ lần đầu tiên. Mấy đứa con mới chưng hửng ra, ba mẹ mình đã bảy mươi tuổi rồi đó sao? Đám con sắp bước qua tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” giật mình. Đám con hứa sẽ tìm cách san sẻ công việc lại, để ba mẹ về quê sống an dưỡng trong không khí thoải mái trong lành. Chuyến về được trù tính sắp xong xuôi thì mười tháng sau ngày lên “thọ”, ba chóng mặt té xe khi đang trên đường đi đến trường rước cháu. Ba bị tai biến nửa nhớ nửa quên, và chắc ông cũng đã quên luôn một miền quê xa xôi, nên không đòi về nữa. Một sáng tinh mơ, đứa con thấy ba lết từ giường ra góc sân bóng nắng không tới hai mét vuông của chung cư tháp phố. Ba săm soi từng nụ nấm vươn lên từ mớ rơm đồng ủ gốc cây; từng hạt sương đêm đọng trên lá của đám ngò đám ớt mẹ trồng. Ở đó có một con dế lửa, không biết từ đâu đêm qua bay đến ụ rơm đào tổ, nó gáy lên bản nhạc đồng quê làm ông già thao thức, hạnh phúc mỉm cười. Nụ cười méo xẹo vì bệnh tật mà sao sáng ấm như mặt trời chiều trên những triền đê lộng lẫy khói đốt đồng.
Hình như, hồn cốt miền quê vẫn chưa rời bỏ ba mẹ bao giờ. Và chỉ cần vun một góc vườn nhỏ ở sân chung cư, thì con dế lửa tuổi thơ ở miệt Bàu Sen, Rạch Rập cũng bay xuyên ngược thời gian, không gian để đến gáy lên một hơi dài đồng vọng hồn quê!
Bình luận (0)