Chưa năm nào miền Trung tang thương nhiều như năm nay. Những lời kêu cứu thống thiết ngập tràn trên mạng xã hội vào đêm 17.10 khi lũ tràn kinh hoàng vào Quảng Trị khiến hàng triệu trái tim trên khắp nước mình đau nhói. Lũ chồng lũ, mưa bão giông gió trắng trời. Những nơi rốn lũ như Cam Lộ, người dân phải oằn mình chạy 4 cơn lũ liên tiếp, cơn sau dữ dội, khủng khiếp hơn cơn trước rất nhiều. Nước dâng ngập mái nhà. Người già, trẻ con cheo leo trên những đòn ngang cao nhất của ngôi nhà. Giữa mênh mông nước lô nhô vài cành cây rũ rượi, đâu đó ít chóp nhà le lói. Nhiều hình ảnh miền Trung chạy lũ liên tục được cập nhật trên Facebook của bạn bè xa xứ khiến kẻ ở thành thị bao năm chưa biết lũ là gì cũng ngậm ngùi cay khóe mắt. Bạn post hai tấm ảnh mấy đứa trẻ con chừng 5, 6 tuổi nằm sát nhau, co ro trên chiếc bè kết bằng mấy thân cây chuối, ngủ ngon trên dòng nước đã cao quá xà nhà. Có lẽ đây là giấc ngủ hiếm hoi quý giá trong suốt mấy đêm ròng chạy lũ. Trong giấc ngủ ấy, chắc sẽ không tránh khỏi hình ảnh những cuộn nước ầm ào giận dữ duềnh lên lai láng khắp thôn xóm. Những ám ảnh ấy chắc sẽ còn theo các em suốt một chặng đường dài...
Và ngoài kia, rừng vẫn đang gầm gào khóc hận. Bão lũ chính là cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên đáp trả lại lòng tham vô tận của con người. Chính con người đã và đang từng ngày tận diệt những mảng rừng - xẻ thịt những “thần hộ mệnh” để thỏa sức với những cơ ngơi, dinh thự, biệt phủ toàn gỗ quý hiếm, xa xỉ. Một cái cây trăm năm tuổi cho ra được vài khối gỗ quý. Lòng tham, thói sĩ diện đầy ngu xuẩn của con người đã tàn phá hết bao cái “trăm năm” đó. Những thân gỗ ngã xuống, một sự sống mất đi lại mang đến cho con người những thú vui kỳ lạ ngự trên cái màu gỗ bầm đỏ đầy u uất...
Từ bao đời, sứ mệnh bảo vệ đất đai của những cánh rừng đã lần lượt bị con người tước mất. Thủy điện mọc lên khắp nơi. Một thống kê cách đây nhiều năm cho thấy từ năm 2006, các công trình thủy điện đã tiêu tốn hơn 50.000 ha rừng. Một con số mơ hồ trên giấy, còn thực tế không ai tính được. Nhưng rõ ràng, khi nhìn vào bản đồ của nước ta trước đây và bây giờ, ta không khỏi giật mình thảng thốt. Những mảng màu xanh của rừng trải khắp bản đồ chữ S trước kia giờ chỉ còn lơ thơ vài chỏm. Trọc nhất là miền Trung. Hỏi sao rừng không khóc oán, đất không khạc hận.
Rừng khóc ra bão lũ kinh hoàng. Người khóc than trong ám ảnh thê lương. Bao giờ thì nước mình mới thôi cảnh trốn chạy thiên tai tang thương như hôm nay. Bao giờ thôi cảnh hoang tàn sau bão lũ, trâu bò gà vịt chỏng chơ trương sình vướng máng đâu đó trên đầu cây ngọn cỏ, lẫn trong cả xác người...
Bình luận (0)