Người đặt bình nước đã làm một việc thiện tự nhiên, người uống cũng thật vô tư, tự nhiên, nơi chốn này cũng tự nhiên hình thành nên một nỗi thân thương ấm lòng. Một việc làm dù nhỏ đã mang lại ý nghĩa giúp ích, xua đi mọi sự tẻ nhạt, ghẻ lạnh nơi hẻm phố, xua đi cái tính vị kỷ “sống chết mặc bay” của bao người khác, ở bao nơi khác.
Từ khi ở đầu hẻm những ngọn cờ lễ Phật giáo được Thiền viện Hải Đức treo lên, mọi người đã biết mùa lễ Vu lan đang đến, những suy nghĩ cũng đã hướng về ý nghĩa của mùa lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ. Từ khi mùa đánh động những niềm nhớ thương sâu xa cùng những hành động cụ thể để bày tỏ lòng hiếu lòng nhân, nơi đây cũng đã bắt đầu nghe những lời dặn: lúc 6 giờ sáng ngày 14 âm lịch có phát bánh mì chay, gạo cho cô bác… Rồi ở giữa con hẻm là lời dặn: Từ ngày 15, 16 âm lịch, 6 giờ sáng có phát cơm chay và gạo.
Tự bao giờ con hẻm đã có những người hảo tâm luôn hướng về người cùng khổ chung quanh. Tự bao giờ đã hình thành nên lối sống Sài Gòn đầy hào hiệp, nhân hậu, biết chia sẻ, ở những con người bình thường trong cuộc sống. Hỏi ra, ở đầu hẻm, người làm từ thiện là vợ chồng thầy giáo đã hưu trí. Ở giữa hẻm, những người thường xuyên có những nghĩa cử đẹp là đôi vợ chồng trẻ buôn bán ở chợ, là đôi vợ chồng người bán hàng tạp hóa trong hẻm.
Còn có bao nhiêu người bình thường biết nghĩ đến nỗi khổ của người chung quanh. Vật phẩm để tặng cũng chẳng phải quá lớn nhưng đã mang lại những niềm vui, niềm tin lòng tốt của con người không bao giờ cạn, dù cuộc sống chung quanh vẫn còn quá nhiều điều éo le, nghịch lý. Vẫn biết, ngày thường, nỗi lo về vật chất bao gồm cả nhà cửa, phương tiện đi lại, phương tiện sống… vẫn chi phối, đè nặng lên tâm trí và hành động của bao nhiêu người, khiến họ phải vất vả bươn chải, khó nhọc mưu sinh. Thế nhưng, bao nhiêu con người đã sống được bằng cách sống và làm việc lương thiện của mình. Cũng đã hiểu ra, rồi đây, chẳng phải vật chất, tiền của sẽ còn lại mãi với đời sống mỗi người. Điều còn lại phải chăng được tìm thấy ở sự sống thiện lành, sự chia sớt, ở “tình thương để lại đời” (như nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương viết). Đó là tình thương dành cho những người thân yêu và đồng loại của mình với niềm cảm thông sâu xa. Đó là tình thương của “Lá lành đùm lá rách”, là sự chia sẻ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đó là tình thương khiến con người thêm trong sáng, luôn yêu đời, yêu người, chẳng bao giờ thù hận ai. Tình thương luôn kêu gọi những tình thương.
Cuộc sống vẫn đi qua mỗi ngày với tất cả những diễn biến đơn giản và phức tạp, nhưng khi dừng lại với những nghĩa cử đầy thương yêu, dù bé nhỏ, vẫn thấy như được tiếp thêm sức lực để sống.
Bình luận (0)