Những công trình 'làm xấu' Phong Nha - Kẻ Bàng

25/01/2018 06:00 GMT+7

Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình ngày càng nổi danh thế giới, hút lượng khách quốc tế ngày một tăng, thế nhưng nơi đây cũng đang tồn tại nhiều công trình, dự án xấu, thi công dở dang, che mất cảnh quan và làm xấu di sản.

Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB) đã 2 lần được UNESCO công nhận di sản thế giới vào các năm 2003, 2015 với nhiều tiêu chí khác nhau. Mới đây, PN-KB được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch du lịch với mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng các tiêu chí được công nhận là khu du lịch quốc gia, và đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Sau khi Báo Thanh Niên liên tiếp phản ánh về dự án cổng vào vườn kết hợp trạm kiểm soát lâm sản khu vực phía bắc với mô hình cổng bằng bê tông đồ sộ, nhiều người đã lên tiếng phản ứng, lo ngại. Nhưng không chỉ có vậy. Tại Km 6 trên đường 20 - Quyết Thắng, một cổng kiểm soát kiểm lâm bằng bê tông đã xây khiến nhiều người ví công trình này như “chiếc máy khâu”.
Cổng kiểm soát kiểm lâm trên đường 20 - Quyết Thắng được ví như “cái máy khâu”
Bê tông hiện diện ở nhiều nơi trong khu vực di sản thế giới. Để chống sạt lở, năm 2011 có công trình kè bờ sông Son dài hơn 3,6 km với kinh phí hơn 69 tỉ đồng được triển khai. Do thi công ì ạch và thiết kế không phù hợp, 260 m kè mái sông ở khu vực 2 thôn Phong Nha, Hà Lời đã bị mưa lũ tháng 9.2016 phá hỏng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục khắc phục và dự tính hoàn thành trong năm 2017, nhưng sang đầu năm 2018 vẫn chưa thấy công trình có dấu hiệu thi công trở lại. Trong khi đó, vỉa bê tông chồng chất ngổn ngang trên bờ sông che mất cảnh quan và lấn ra hành lang đường bộ rất nguy hiểm.
Cũng dọc bờ sông Son, ngay đoạn chỉ cách cửa động Phong Nha vài trăm mét, chình ình một tháp nước chọc trời. Công trình này có vốn đầu tư hơn 5 tỉ đồng nhằm cung cấp nước sạch trong vùng, nhưng đã phải bỏ giữa chừng vì một số hạng mục không phù hợp. Hiện công trình đang được thi công cải tạo do Công ty CP cấp nước Quảng Bình làm chủ đầu tư, và những khối bê tông lại “mọc” cao hơn.
Năm 2004, Công ty TNHH phát triển văn minh đô thị (Cividec) khởi công dự án khu nghỉ mát và giải trí sinh thái Phong Nha có vốn đầu tư hơn 155 tỉ đồng với những hạng mục được quảng bá là “đẳng cấp”, dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 1 - 2 năm. Nhưng trải qua 14 năm, dự án “khủng” vỏn vẹn chỉ có ngôi nhà 2 tầng và cột đá dựng hình tượng trầu cau chơ chỏng tại khu vực điểm xuất phát đường 20 - Quyết Thắng và đường ven sông Son.
Tại Km 14, đường 20 - Quyết Thắng (khu vực nằm gần đường Hồ Chí Minh nhánh tây và có nhiều di tích lịch sử), thêm một cổng bê tông đồ sộ chưa tô trét nằm bên đường. Bên trong, một số hạng mục như đường bê tông, nhà bảo vệ nằm giữa lau lách um tùm và một số ngôi nhà (trong đó có ngôi nhà 2 tầng) chưa hoàn thiện. Đây là dự án Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời do Binh đoàn 12 làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2009 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Tại khu vực Trộ Moợng, đoạn nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây, dự án hệ thống zipline (loại hình đu dây mạo hiểm) đa phương thức dài nhất thế giới và tổ hợp các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, khu phức hợp du lịch sinh thái, thể thao dưới nước... thi công dang dở. Dự án này có vốn đầu tư 300 tỉ đồng của Công ty CP thương mại và du lịch Phù Sa Đỏ. Theo hồ sơ dự án, quý 3/2018 sẽ đưa vào sử dụng nhưng hiện chỉ là những bức tường xây nửa chừng và không có dấu hiệu thi công tiếp, máy móc nằm ngổn ngang. Nguyên nhân một phần vì công ty này chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng (nhưng vẫn khởi công nhà hàng với tổng diện tích gần 2.000 m2, quy mô 2 tầng, chiều cao 12,4 m); thậm chí xây bao luôn trụ đường điện sáng phục vụ khai thác động Thiên Đường.
Không chỉ thừa nhận quang cảnh PN-KB đang đối diện thực tế nham nhở bê tông, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB, còn đánh giá bộ mặt đô thị Phong Nha hiện quá nhếch nhác khi có tình trạng hàng quán, trâu bò thả rông, nước thải ra đường gây ô nhiễm ... “Những cái này nằm ngoài quản lý của VQG, chúng tôi thường xuyên có kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương nhưng không có sự thay đổi”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, cho biết hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 40 (ngày 30.11.2017) đã kết luận: Yêu cầu trong thời gian tới, UBND tỉnh cần phải chỉ đạo thực hiện nghiêm quy hoạch chung xây dựng VQG PN-KB, quy hoạch phân khu xây dựng chi tiết khu vực trung tâm Phong Nha. Việc kêu gọi các dự án du lịch phải đảm bảo phù hợp giữa quy mô đầu tư với định hướng phát triển của từng phân khu và phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch bền vững. Đối với các dự án tại khu vực trung tâm Phong Nha và vùng phụ cận, UBND tỉnh được giao tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để xác định lại tiến độ dự án và khả năng của nhà đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.