Nỗ lực 'đổi vị' cho phim Việt

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
29/10/2020 07:05 GMT+7

Hiện tại nhiều nhà sản xuất phim, đạo diễn chấp nhận mạo hiểm, thử thách để đầu tư vào những thể loại phim mới, lạ từ đề tài, nội dung đến cách thức thể hiện.

Mạo hiểm để thoát khỏi lối mòn

Mới đây, nhà sản xuất - diễn viên Ngô Thanh Vân gây bất ngờ khi công bố dự án phim điện ảnh về đề tài siêu anh hùng mang tên Vinaman. Hiện phim đã trải qua nhiều buổi casting tìm kiếm diễn viên thủ vai nam chính. Dù khẳng định đây là bước đi mạo hiểm, nhưng Ngô Thanh Vân bày tỏ tin tưởng và lạc quan với dự án mới mẻ này. “Mỹ đã có nhiều phim về siêu anh hùng như Ironman, Spiderman hay Superman..., vậy thì Việt Nam ta có gì? Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo nên một nhân vật siêu anh hùng Việt Nam  mới lạ cuốn hút, có khả năng lôi kéo và được khán giả tiếp nhận”, Ngô Thanh Vân chia sẻ.
Trước đó, một số bộ phim siêu anh hùng Việt Nam  như Siêu nhân X hay Lôi báo khi chiếu rạp đều chưa đạt được thành công như mong đợi, vì thế Ngô Thanh Vân với lợi thế có nhiều cơ hội trải nghiệm trong môi trường làm phim Hollywood càng quyết tâm phải làm tốt Vinaman.
Khi thực hiện phim Tà Năng - Phan Dũng, bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt về đề tài sinh tồn, khai thác bản năng của con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Với tôi, Tà Năng - Phan Dũng không chỉ là một bộ phim, mà còn là hành trình ghi dấu sự “điên khùng” của tuổi trẻ, bất chấp mọi khó khăn, thử thách lẫn nguy hiểm khôn lường khi chọn quay hình tại rừng sâu. Đó là nhiệt huyết của những người trẻ dấn thân vào thể loại mới của điện ảnh Việt”. Phim sau nhiều đợt dời lịch vì dịch Covid-19 đã chọn thời điểm tháng 4.2021 sẽ ra rạp.
Sau thất bại của một vài tác phẩm Việt tiên phong khai thác thể loại phim hình sự, trinh thám, tâm lý tội phạm như Ống kính sát nhân, thể loại này không được khai thác thêm. Nhưng rồi đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vẫn quyết định thực hiện Bằng chứng vô hình: “Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt chưa có nhiều phim khai thác thể loại tâm lý tội phạm nên tôi quyết làm, mong muốn góp thêm màu sắc mới cho màn ảnh rộng”. Sắp tới, bộ phim Song song (đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng) làm theo thể loại này cũng sẽ ra rạp vào tháng 12.
Đạo diễn Đỗ Thành An gây bất ngờ khi giới thiệu bộ phim Kiều @ nói về số phận nàng Kiều thời hiện đại và cho biết đây là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam sử dụng kỹ thuật một cú máy (one-shot). Kỹ thuật này từng được áp dụng trong các phim đoạt giải Oscar như 1917, Birdman... Do sản xuất phim với kỹ thuật one-shot tốn kém và cực khổ nên rất ít đạo diễn chọn. Trên thế giới có hai dạng phim được gọi chung là phim một cú máy (one-shot film). Dạng thứ nhất chỉ quay một cú máy, thời gian quay phim bằng thời gian thật của phim. Còn Kiều @ thuộc dạng thứ hai: phim quay với cú máy tiếp diễn (continuous shot) để tạo thành phim một cú máy sau khi hậu kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều phim tạo được sự chú ý khi thực hiện theo thể loại cổ trang, dã sử cũng đã và đang hoàn thành, chuẩn bị ra rạp như: Trạng Tí, Kiều, Quỳnh Hoa nhất dạ, Trưng Vương...
Nỗ lực đổi vị cho phim Việt1

Ê kíp Tà Năng - Phan Dũng thực hiện phim trong rừng sâu

Tín hiệu vui

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của phim Tiệc trăng máu nhận định: “Việc nhiều thể loại phim mới, lạ xuất hiện ngày càng nhiều trong “thực đơn” phim chiếu rạp là một tín hiệu vui của điện ảnh Việt”.
Đạo diễn Đỗ Thành An cho biết lý do phải kỳ công và cực khổ chọn cách làm phim Kiều @ với kỹ thuật một cú máy, chính là bởi kịch bản phim buộc phải quay như thế, để tương ứng với lối kể chuyện của phim. Câu chuyện của phim bắt đầu bằng cảnh một linh hồn thoát xác khỏi một nhân vật trong phòng mổ, sau đó hồi tưởng cuộc đời mình. “Máy quay sẽ đi theo góc nhìn của linh hồn này, có lúc bay lên trời bằng fly-cam, lúc luồn qua ô cửa sổ... Nói chung vác máy chạy theo quay những cảnh này với kỹ thuật một cú máy, chúng tôi rất mệt, nhưng vì muốn ghi dấu ấn trong nghề nên cả đoàn phim cố gắng hết sức. Nhiều người nói chúng tôi không thể làm phim dạng này với kinh phí hạn hẹp như vậy (khoảng 10 tỉ đồng). Trên thế giới, để làm một phim one-shot 90 phút phải tốn vài chục triệu USD với các trang thiết bị máy móc tối tân, đồng bộ. Chúng tôi vừa quay vừa học vì không ai trong ê kíp từng làm phim dạng này”, nhà quay phim Trương Tuấn chia sẻ.
Còn đạo diễn Trần Hữu Tấn của phim Tà Năng - Phan Dũng cho biết chưa có phim nào các tay máy phải vất vả như thế, vì khi diễn viên treo mình trên vách núi hay vượt thác ghềnh thì quay phim cũng phải chạy và làm theo để bắt được từng chi tiết nhỏ. Khi quay, diễn viên còn bị bắt đi bộ 3 km để có thần sắc của một người lạc trong rừng...
Nhà sản xuất Bích Liên, chủ rạp Mega GS, nêu ý kiến: “Khán giả cần sự phong phú, đa dạng trong các thể loại phim chiếu rạp, thoát khỏi tình trạng “một màu” hễ cứ thấy phim Việt là chỉ có tình cảm, hài. Thay đổi cái nhìn của khán giả để khán giả chú ý, chọn lựa phim Việt xem nhiều hơn là điều rất nên làm của các nhà sản xuất phim, dù biết khá khó khăn khi thị hiếu của khán giả khó đoán để bảo toàn được kinh phí. Ngược lại, khán giả cũng nên ra rạp mua vé ủng hộ các phim chọn lối đi mới về thể loại để những người làm phim mạnh dạn sáng tạo hơn nữa”.
Tiệc trăng máu thu hơn 60 tỉ đồng sau 8 ngày
Sau hơn 1 tuần ra mắt, Tiệc trăng máu đã cán mốc hơn 60 tỉ đồng doanh thu phòng vé, theo số liệu từ nhà phát hành Lotte Entertainment và đơn vị kiểm toán độc lập Box Office Vietnam. Thành tích ấn tượng này góp phần hâm nóng phòng vé Việt sau thời gian ảm đạm vì dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.