'Phim Kong mà không về con vật thì có khi không được quay ở Việt Nam'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
07/09/2021 16:46 GMT+7

Chuyên gia Nguyễn Thị Phương Hòa cho biết nhiều người thường nói đùa nếu phim Kong mà không về con vật thì "khó qua được kiểm duyệt để quay ở Việt Nam".

 

“Chốt chặn” thẩm định kịch bản

Bà Nguyễn Thị Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), chia sẻ: bà cùng bạn bè vẫn đùa nếu phim Kong Skull island (phim Kong) không phải về con vật thì khó mà được quay ở Việt Nam.
“Chúng tôi đùa phim Kong vào được Việt Nam để quay vì đó là phim về con vật. Nếu không sẽ rất khó qua được việc thẩm định kịch bản ở Việt Nam. Phim nước ngoài có thể quay ở nhiều nước, chỉ quay ở Việt Nam một đoạn nhưng ta đòi hỏi thẩm định toàn bộ kịch bản”, bà Phương Hòa nói tại hội thảo lấy ý kiến về sửa đổi luật Điện ảnh, do Viện nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 7.9.
Vấn đề mà bà Hòa đặt ra, thu hút các đoàn phim như đoàn làm phim Kong tới Việt Nam để quay phim cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang muốn phát triển công nghiệp văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, việc hợp tác quốc tế lại càng vô cùng quan trọng.
Đạo diễn Bùi Trung Hải, Hãng phim truyện Việt Nam, cũng nhắc tới việc kiểm duyệt đối với đoàn phim nước ngoài liên quan đến Điều 11 "Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh". “Cần lưu ý rằng đối với các nhà làm phim nước ngoài, họ có quan điểm sáng tác riêng của họ và được môi trường nước họ cho phép. Nếu quá cứng nhắc trong nội dung sẽ dễ gây hiểu nhầm, đôi khi mất những cơ hội hợp tác với những dự án phim có kinh phí rất lớn, là cơ hội cho cả kinh tế đất nước, cũng như cơ hội cho những người làm điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi về nghề nghiệp”, ông Hải nêu quan điểm.
Theo bà Hòa: “Chúng tôi đề nghị nếu coi điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa thì cần có chính sách khuyến khích các đoàn phim tới Việt Nam. Các nước đều có những chính sách khuyến khích như vậy. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các cơ chế này. Chúng tôi cũng mừng vì trong dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi cũng đã nhắc tới các ưu đãi”.
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cũng cho rằng vấn đề quảng bá xúc tiến điện ảnh sẽ vừa quảng bá đất nước, vừa đẩy mạnh chất lượng nhân lực điện ảnh. Phim Kong cho thấy hiệu ứng này. “Chúng ta thu hút hợp tác thì điện ảnh mới đi được xa, học được nghề chứ nếu không điện ảnh cứ cơm chấm cơm mãi. Xu hướng làm phim đa quốc gia cũng đang tăng lên. Nếu chăm chút, có cơ chế thúc đẩy hợp tác làm phim, dịch vụ làm phim đón đoàn nước ngoài vào sẽ khác”, bà Lan nói.

Jane March và Lương Gia Huy trong phim Người tình, một phim quay ở Việt Nam

Ảnh TL

Cụ thể hơn về ưu đãi

Bà Phương Lan đề xuất trong dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi cần những điều khoản chi tiết thể hiện quy định cụ thể để điều chỉnh nội dung quan trọng về hợp tác làm phim với nước ngoài. Luật sửa đổi cũng cần xác định rõ thế nào là phim hợp tác, tránh chuyện như hiện nay phim của các biên kịch, đạo diễn gốc Việt quốc tịch nước ngoài phải duyệt kịch bản và cấp phép quay phim như phim hợp tác nước ngoài, nhưng khi phát hành lại tính là phim Việt Nam.
Bà Lan đặt câu hỏi: “Như vậy có hợp lý không?”. Thêm vào đó, theo bà, quan trọng nhất cần có quy định về ưu đãi, trả lại % chi phí tiêu tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế. “Đây là phần quan trọng nhất”, bà Lan đánh giá.
Đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng các điều quy định về hợp tác sản xuất phim với nước ngoài là 14 và 44 nên có liên kết hoặc gộp lại. Điều 44 cần chi tiết hơn. “Điều 44 là điều mới, có nhiều điều khoản khuyến khích, ưu đãi về chi phí, thuế, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Theo kinh nghiệm làm phim hợp tác với nước ngoài của tôi thì cần hướng dẫn cụ thể hơn mới có thể thu hút được các hãng phim nước ngoài hợp tác sản xuất phim ở Việt Nam”, ông Hảỉ cho biết.
Đặc biệt, ông Hải nhắc việc năm 2015, chính phủ Úc thông qua Bộ ngoại giao Úc, do đích thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Julie Bishop đàm phán với các hãng phim lớn của Mỹ. “Chính phủ Úc đã đã đầu tư 47,25 triệu đô la Mỹ vào 2 phim Mỹ Thor: Ragnarok (cũng là bom tấn như phim Kong) và Alien: Covenant. Đổi lại hai phim Mỹ đó đã tiến hành quay tại Úc. Chính phủ Úc cũng tuyên bố đã thu hút được từ 2 phim này khoảng 300 triệu đô la Mỹ đầu tư, 3000 việc làm và hàng ngàn cơ sở sản xuất của Úc được hưởng lợi…”, ông Hải nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.