Tháo dỡ phim trường Kong: Skull Island theo khuyến nghị của UNESCO

19/09/2019 16:24 GMT+7

Sau hơn 2 năm sử dụng vào mục đích thăm quan du lịch , ngày mai (20.9), phim trường Kong: Skull Island trong Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) sẽ được tháo dỡ theo khuyến nghị của UNESCO.

Ngày 19.9, thông tin từ Công ty TNHH ĐT TMDV Tràng An cho biết, đơn vị này vừa có thông báo bắt đầu từ ngày 20.9 sẽ tháo dỡ phim trường Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu). Phim trường nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, thuộc địa phận huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Lý do được đưa ra là nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Khu du lịch sinh thái Tràng An nói riêng, và Quần thể danh thắng Tràng An nói chung.

Phim trường Kong: Skull Island là một làng thổ dân

ẢNH MINH HẢI

Cũng bắt đầu từ ngày 20.9, tuyến tham quan số 2 và số 3 của Khu du lịch sinh thái Tràng An sẽ không còn điểm tham quan phim trường Kong: Skull Island. Thay vào đó, các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu để có sản phẩm du lịch mới tại tuyến thăm quan số 2 và 3, để du khách không cảm thấy hụt hẫng sau khi phim trường tháo dỡ.
Ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết việc tháo dỡ phim trường Kong: Skull Island là thực hiện theo khuyến nghị của UNESCO, về việc phải tháo dỡ những công trình có thể làm ảnh hưởng đến di sản.
“Việc tháo dỡ sẽ được thực hiện giữa các đơn vị liên quan. Chúng tôi cùng với các đơn vị cũng nghiên cứu, có thể sẽ bổ sung một sản phẩm du lịch nào đó, để tránh hụt hẫng cho du khách sau khi phim trường tháo dỡ”, ông Phong nói.

Thông báo tháo dỡ phim trường Kong: Skull Island

ẢNH MINH HẢI

Phim trường Kong: Skull Island được phục dựng nguyên mẫu theo bộ phim cùng tên. Làng thổ dân với khoảng 40 lều có hình chóp nhọn như nhà của thổ dân châu Phi, cùng các thuyền gỗ dài giống như thuyền mà thổ dân hay sử dụng.
Trong làng thổ dân còn có các giá treo bằng tre như người dân vùng biển dùng để treo cá, phơi cá. Tất cả đều sử dụng vật liệu truyền thống như tre, nứa, gỗ... Hiện phim trường chỉ còn một số căn nhà kết bằng nứa, bếp trát bằng đất.
Sau khi phục dựng, ngày 15.4.2017, phim trường bắt đầu được đưa vào làm điểm thăm quan, du lịch và thời gian đầu thu hút rất nhiều du khách.

Cây cầu trong phim trường Kong: Skull Island tuy rất thu hút du khách nhưng cũng sẽ phải tháo dỡ

ẢNH MINH HẢI

Liên quan tới công tác bảo vệ giữ gìn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, trong vùng lõi của di sản này từng xảy ra việc để cho doanh nghiệp xây dựng cầu bằng bê tông cốt thép dài hơn 510 m, từ chân lên đến đỉnh núi Cái Hạ, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.
Trước đó, Thanh Niên đã phản ánh, từ tháng 8.2017, tuy không được bất cứ đơn vị nào cấp phép, nhưng ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tràng An (có địa chỉ tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) đã huy động người, máy móc khoan đục núi Cái Hạ (thôn Tràng An, nằm trong vùng lõi của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An), xây dựng hàng ngàn bậc thang, dài hơn 510 m bằng bê tông từ chân núi lên đỉnh núi Cái Hạ, và tự đặt tên gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ, nơi vua lập đàn Kính Thiên.

Phần cổng dưới chân núi Cái Hạ

ẢNH MINH HẢI

Hiện tại, khu vực chân núi Cái Hạ vẫn còn phần cổng xây dựng cùng thời điểm với cầu lên núi. Nhưng phần này đã được doanh nghiệp lập dự án xin giữ lại và được các cơ quan chức năng đồng ý để sử dụng vào mục đích cho du khách chụp ảnh lưu niệm.
Ngoài ra, phần cầu vi phạm đã được tháo dỡ, nhưng vẫn còn nhiều đoạn phần đế móng cầu chưa tháo dỡ. Theo giải thích của doanh nghiệp và chính quyền địa phương và do những vị trí này có địa hình hiểm trở, phần móng còn lại cũng không nhiều nên xin phép không tháo dỡ và dùng phương án trồng cây che lấp. Việc này cũng đã được các đơn vị chức năng đồng ý.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.