Phim làng quê hấp dẫn người thành phố

06/02/2020 06:00 GMT+7

Sau thời gian vắng bóng, một số bộ phim có đề tài về nông thôn xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình trong thời gian gần đây.

Bộ phim Cô gái nhà người ta (đang phát sóng trên kênh VTV3) đánh dấu sự trở lại của Trung tâm sản xuất phim Đài truyền hình Việt Nam (VFC) với phim có đề tài về nông thôn. Phim được giao cho đạo diễn Trịnh Lê Phong, người thực hiện bộ phim Chiều ngang qua phố cũ - từng giành giải đặc biệt cho phim truyền hình nước ngoài tại Liên hoan Truyền hình Tokyo, Nhật Bản năm 2017.
Lấy bối cảnh ở một làng quê Bắc bộ, Cô gái nhà người ta xoay quanh câu chuyện về tình yêu, tình bạn, cùng những khát khao khởi nghiệp của những chàng trai, cô gái, những con người trẻ ở nông thôn. Chuyện phim bắt đầu với việc Khoa không xin được việc ở thành phố (TP) đã quyết định về quê khởi nghiệp làm dịch vụ homestay. Anh đã thuyết phục người dân làng tham gia làm du lịch, mở dịch vụ đón khách Tây và cả khách từ TP về làng. Chuyện phim vẫn đang tiếp tục diễn biến với những câu chuyện về những vấp váp của những người trẻ, hay hé mở những câu chuyện về những con người tha hóa vì lợi ích riêng ở làng quê… Một bức tranh về nông thôn hiện nay với những câu chuyện muôn hình muôn vẻ đằng sau cánh cổng làng được ê kíp làm phim mong muốn khắc họa.
Tuy nhiên, Cô gái nhà người ta là bộ phim mang nhiều tính giải trí hơn là chính luận, đào sâu những vấn đề nổi cộm của nông thôn như Đất và người, Gió làng Kình, Ma làng… đình đám của VFC trước kia. “Chúng tôi muốn đưa những yếu tố mới mẻ của sự đổi mới, hội nhập vào bộ phim. Đó là những câu chuyện của những thanh niên mới lớn mang khát vọng, ước mơ làm giàu. Họ thất bại, va đập, rồi nhận ra những bài học cho mình. Phim còn muốn đề cao những giá trị truyền thống của gia đình, tình làng nghĩa xóm”, đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, nói.

Chúng tôi muốn đưa những yếu tố mới mẻ của sự đổi mới, hội nhập vào bộ phim. Đó là những câu chuyện của những thanh niên mới lớn mang khát vọng, ước mơ làm giàu. Họ thất bại, va đập, rồi nhận ra những bài học cho mình. Phim còn muốn đề cao những giá trị truyền thống của gia đình, tình làng nghĩa xóm

Đạo diễn - NSƯT Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC

Ăn khách

Mặc dù số lượng phim về đề tài nông thôn trên sóng truyền hình còn ít, nhưng nhiều bộ phim về đề tài này lại gây chú ý, thậm chí gây “sốt”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng rất ngạc nhiên khi nhận thấy bộ phim Đất và người do ông đạo diễn lại có thể gây hiệu ứng xã hội nhiều đến vậy. “Có lần tôi hỏi một khán giả ở TP sao lại thích xem phim về làng quê thế. Ông ấy mới nói nhiều người TP cũng từ nông thôn mà ra. Tâm lý muốn xem phim nông thôn của người Việt Nam nói chung rất nhiều. Họ muốn xem để thấy mình, gia đình mình, làng quê mình trong đó. Họ cũng muốn con cái mình xem những bộ phim đó để biết về quê hương mình…”, đạo diễn lý giải.
Trong khi đó, theo đạo diễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS): “Phim về nông thôn cũng là sự thay đổi để mang đến khẩu vị mới cho khán giả. Ít ra về mặt thị giác, nếu xem mãi những phim TP với cảnh quen thuộc của văn phòng, xe cộ, nhà cửa sang chảnh… cũng sẽ chán, khi chuyển sang bối cảnh sông nước, núi đồi, cỏ cây… thì thị giác cũng khác đi, cảm nhận về hình ảnh cũng thú vị hơn”. Ông phân tích, sức hút của Tiếng sét trong mưa chính là nhờ việc chuyển tải những câu chuyện gắn với lịch sử - nông thôn Việt Nam thời phong kiến. “Phim đề tài nông thôn cũng giống dòng phim lịch sử hay cổ trang, phim Nam bộ xưa, như nhiều phim làm từ tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, nếu làm tốt, thì sẽ vẫn hay và không bị lạc hậu”, ông Hưng nhìn nhận.
Còn theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, làm phim về nông thôn, dù ở thời nào, cũng cần có những nhân vật mang tính cách điển hình của những con người ở làng quê. Ông nhớ, một khán giả ở tận Hà Tĩnh đã gọi điện cho ông khi xem Ma làng: “Bà ấy bảo tôi, anh về quê em đi, quê em nhiều “ma” hơn ở phim anh nhiều”. “Nếu phim phản ánh đúng vấn đề của làng quê của họ, họ sướng lắm! Bởi vậy, những người làm phim cần phải thực sự quan tâm đến những câu chuyện ở nông thôn, chứ còn làm phim theo kiểu… nghĩa vụ thì khó kéo được người xem”, đạo diễn nói.
Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề đáng chú ý của nông thôn hiện nay vẫn chưa được những nhà làm phim khai thác. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng: “Vấn đề nổi cộm của nông thôn hiện nay cũng là những vấn đề của xã hội hiện đại, như sự đổ vỡ của cơ cấu cũ, ruộng đất không còn, thanh niên làm việc gì để sinh nhai… Vậy nhưng lại quá ít những bộ phim đề cập đến những điều đó”. Theo đạo diễn, nguyên nhân là do thiếu cả những kịch bản hay, những đạo diễn có nghề về phim nông thôn, và quan trọng hơn là do thiếu cả… định hướng của nhà sản xuất dành cho phim có đề tài này.
Vừa kết thúc trên sóng HTV9 là phim Ráng chiều ấm áp (đạo diễn: Nguyễn Hồng Chi, TFS sản xuất). Là phim tâm lý xã hội đương đại nhưng bối cảnh thực hiện ở nông thôn, vì thế mà những vấn đề được chuyển tải: tình yêu với những nghịch cảnh, ma lực của đồng tiền khiến những giá trị đảo lộn... khá gần gũi và thực tế với người xem ngày nay. Trước đó, Tiếng sét trong mưa (đạo diễn: Phương Điền, Mega GS sản xuất), phim chuyển thể kịch bản từ tác phẩm Lôi vũ (Trung Quốc), dù là câu chuyện xưa cũ, về cuộc sống của gia đình nhiều bi kịch ở nông thôn Việt Nam thời phong kiến, song sức nóng của phim vẫn lan tỏa khá mạnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.