Phim tài liệu “nhà nước”: Đừng ỷ vào bao cấp!

Ngọc An
Ngọc An
01/07/2021 06:30 GMT+7

Trong nhiều năm trở lại đây, không ít phim tài liệu được nhà nước đặt hàng Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư (viết tắt là Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư) cho thấy chất lượng yếu kém.

Tư duy cũ, đi vào lối mòn

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), thẳng thắn nhìn nhận có những bộ phim của Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư sản xuất thời gian gần đây có chất lượng không bằng những bộ phim được sản xuất thời kỳ trước như trong khoảng thập niên 1980 - 1990 hay những năm 2000. NSND - đạo diễn Nguyễn Thước, một tên tuổi của hãng phim với nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng điện ảnh lớn, đã nghỉ hưu nhiều năm cũng trăn trở: “Tôi nghĩ tự anh em trong hãng cũng nhận thấy chất lượng phim có vấn đề. Chẳng hạn, hãng vẫn có phim giành giải này, giải kia, nhưng giải thưởng cao nhất của những liên hoan điện ảnh lớn lại rơi vào bên truyền hình”.
“Đã từ lâu, tôi mong nhà nước dành một phần kinh phí đặt hàng làm phim tài liệu cho những nhà làm phim độc lập. Có thể thấy, trong thời gian qua, có những bộ phim tài liệu của những nhà làm phim độc lập ra ngoài rạp chiếu được khán giả đón nhận. Còn cách thức như thế nào, Cục Điện ảnh có thể xem xét. Tất nhiên, những dự án được chọn phải có kịch bản chất lượng”, NSND Nguyễn Thước nêu ý kiến.
Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng phim của hãng - đơn vị vốn được coi là “chim đầu đàn” trong lĩnh vực làm phim tài liệu và khoa học của cả nước, đi xuống. NSND Nguyễn Thước kể ông về hãng công tác sau khi tốt nghiệp vào năm 1982. Đến năm 1986, ông vào biên chế và là một trong những người cuối cùng được lấy về hãng cho mãi đến 10 năm sau đó. “Việc đó giống như một sự đứt gãy thế hệ, không có sự tiếp nối cơ học trong suốt 10 năm”, ông Thước nói. Ông Vi Kiến Thành cho hay: “Có nhiều lý do khi khung biên chế của một cơ quan bị thu hẹp, giảm bớt như vậy. Chính việc đó khiến hãng khó có thể bổ sung nguồn tài năng kế cận”. Bên cạnh đó, ông Thành không phủ nhận nguyên nhân từ chính nguồn nhân lực hiện tại của hãng: “Sự cập nhật, tự học, tự nâng cao trình độ của nhiều anh em trong hãng chưa đáp ứng được đòi hỏi, nhu cầu của xã hội”.
NSND Nguyễn Thước cho rằng dù đã cố gắng, nhưng những nhà làm phim hiện nay không dễ dàng thoát ra cái bóng quá lớn của những thế hệ đi trước. “Cách làm của hãng đang trì trệ, cũ kỹ về khai thác, tiếp cận, giải quyết vấn đề”, ông Thước nhận xét. NSƯT - đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó giám đốc Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư, cũng thẳng thắn thừa nhận: “Cụ thể khối sáng tác, biên kịch ít có đề tài mới, hay, tầm cỡ. Một số đạo diễn ít sáng tạo, thiếu đam mê. Quay phim nhiệt huyết khan hiếm. Cùng với đó là cách quản lý chưa tốt… Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nhà làm phim bị ảnh hưởng quá sâu cách làm phim cũ: cách thể hiện, cách kể không mới, đi vào lối mòn, ít sáng tạo”.

Cần thay đổi thế nào ?

Được biết trung bình mỗi năm, Hãng phim Tài liệu và khoa học T.Ư được nhà nước đặt hàng làm khoảng hơn 20 đầu phim với kinh phí khoảng 700 - 800 triệu đồng/phim. Ông Vi Kiến Thành cho biết chủ trương của nhà nước vẫn tiếp tục đặt hàng phim tài liệu và phim hoạt hình trong thời gian tới.
Trước những vấn đề của phim tài liệu do nhà nước đặt hàng trong thời gian qua, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của hội đồng nghệ thuật của hãng. “Hội đồng nghệ thuật của mỗi hãng phải nâng cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, dám nói cái chưa được, yêu cầu sửa chữa để cho ra tác phẩm tốt nhất”, ông Thành nói. Ông cũng cho hay Cục Điện ảnh sẽ xem xét lại việc liên thông giữa 2 phòng là phòng nghệ thuật làm công việc thẩm định kịch bản phim và phòng phổ biến phim để giám sát, quản lý đầu vào và đầu ra của dự án phim do nhà nước đặt hàng.
Việc giám sát phim nhà nước đặt hàng rõ ràng chưa chặt chẽ, trong khi đó quy trình làm phim lại quá phức tạp. NSND Nguyễn Thước nhắc đến câu chuyện làm bộ phim Hai đứa trẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Đài truyền hình VN). Khi tình cờ biết được thông tin một bệnh viện ở Bình Phước trao nhầm 2 đứa trẻ, đạo diễn đã lập tức lên đường. “Họ có thể đi tìm hiểu, ghi hình ngay với phương tiện gọn nhẹ. Trong khi, đoàn phim của hãng lại có hệ thống máy móc lớn, mỗi lần đi cũng phải khoảng 3 - 4 người. Thêm cái khó nữa, đề tài phải đăng ký có khi trước 2 năm để Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch cấp tiền”, ông Thước nói và cho rằng cần có cơ chế mở cho những đề tài mang tính thời sự. “Chẳng hạn, mỗi năm hãng được tự quyết, tự chịu trách nhiệm thực hiện 2 đề tài thời sự”, ông nói. NSƯT Trịnh Quang Tùng cũng đồng quan điểm: “Chúng ta cần có một cơ chế quản lý phù hợp hơn, ví dụ có những đề tài chỉ cần đề cương, ý tưởng hay, vấn đề hấp dẫn có tính phát hiện, tính thời sự, ý nghĩa xã hội… thì cho tiến hành sản xuất luôn chứ không phải đợi duyệt và làm kế hoạch cả năm mới sản xuất như hiện nay”.
Cuối cùng thì nhân lực làm phim vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. “Phim hay thì phải có đạo diễn tài năng, quay phim tài năng…”, ông Thành nhấn mạnh. Còn NSƯT Trịnh Quang Tùng bày tỏ: “Để nâng cao chất lượng, đầu tiên cần phải cải thiện yếu tố con người. Nhà làm phim phải thường xuyên trau dồi kiến thức, chịu học hỏi, phải sống chết với tác phẩm và luôn khát khao bộ phim của mình có gì hay, có gì mới để được khán giả đón nhận… Đây là lúc chúng tôi phải quyết liệt thay đổi để lấy lại uy tín của hãng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.