Phim dở tràn ngập
Khán giả chưa kịp mừng vì có vài phim được đầu tư chỉn chu, đạt doanh thu cao như Hai Phượng (hơn 200 tỉ đồng, cả trong và ngoài nước), Cua lại vợ bầu (193 tỉ đồng), Lật mặt 4: Nhà có khách (115 tỉ đồng tại thị trường VN), Chị trợ lý của em (86 tỉ đồng)... đã phải “gặp” nhiều bộ phim kỹ thuật cẩu thả, nội dung thì “xàm” đến mức khó tin.
Phim Người lạ ơi do Trương Chí Bình đạo diễn, ra rạp vào giữa tháng 9 gây chú ý vì dựa trên nội dung ca khúc cùng tên khá đình đám trên thị trường nhạc Việt đầu năm 2018 (có hơn 180 triệu lượt xem qua YouTube).
Tuy nhiên, khi xem thì khán giả ngán ngẩm bởi kịch bản nhảm, diễn xuất tệ. Nội dung phim xoay quanh nhân vật tên Đăng (ca sĩ Karik đóng) làm nghề DJ nhưng lại như “ông hoàng” showbiz với những cô gái vây quanh và cô nào cũng muốn “lên giường”. Câu chuyện phóng đại đến mức hoang đường khi có cả cô gái đến từ sao Kim muốn động phòng với anh để trở thành chị đại siêu cấp liên hành tinh (?!). Kịch bản phim bát nháo, rối rắm pha trộn nhiều thể loại từ tình cảm hài, giả tưởng, cổ trang ngẫu hứng, rời rạc và chất kỳ ảo lộ kỹ xảo, bối cảnh sơ sài. Về mặt diễn xuất, Karik đơ cứng, lời thoại không cảm xúc, còn các nữ diễn viên trẻ yếu đài từ, cách diễn “làm lố” kém duyên với những miếng hài nhạt nhẽo.
Cậu chủ ma cà rồng ra rạp cuối tháng 8 của đạo diễn Trần Nhân Kiên có chất lượng dưới trung bình ở các khâu, từ kịch bản, cách kể chuyện, diễn xuất, kỹ xảo... Câu chuyện phim về thế giới giả tưởng thời hiện đại, kể chuyện hai chàng ma cà rồng tuyển 5 cô gái về làm quản gia để lấy máu và mỗi cô gái đều có mục đích riêng nên phim đi theo hướng “cung đấu” để loại trừ nhau. Kịch bản phim vô lý, lỏng lẻo, nhiều chỗ khó hiểu vì hành động nhân vật quá ngô nghê, diễn biến tâm lý thiếu thuyết phục, chuyển cảnh vô tội vạ...
Trước đó, hai bộ phim chiếu rạp trong tháng 7 là Thật tuyệt vời khi ở bên em (đạo diễn Luk Vân) và Tìm chồng cho mẹ (đạo diễn Thủy Trần) cũng khiến người xem ngao ngán vì kịch bản và cách dàn dựng rối rắm, đầy tính sắp đặt gượng gạo, thiếu logic; khâu kỹ thuật cẩu thả khiến tiếng một đằng, khẩu hình một nẻo.
Điện ảnh Việt chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có hàng loạt phim “thảm họa”: Tình đầu ngây thơ, Vô gian đạo, Cuộc gọi định mệnh, Cà chớn, anh đừng đi, Táo quậy, 3D Cung tâm kế... Còn trước đó nữa thì vô thiên lủng các phim mà khán giả chỉ muốn quên đi như: Thử yêu rồi biết (đạo diễn Nguyễn Hà), Trường học bá vương (đạo diễn Duy Joseph), Lala: Hãy để em yêu anh do Hàn Quốc và VN sản xuất với sự góp mặt của Chi Pu, Yêu em từ khi nào, Những cô gái và găng-tơ - dự án hợp tác VN - Hồng Kông, Yêu nữ siêu quậy (đạo diễn Ngọc Hùng), Chơi thì chịu (đạo diễn Nguyễn Lâm), Tây du ký hậu truyện (đạo diễn Nhất Trung), Giấc mơ Mỹ (đạo diễn Hồng Ngân), Hy sinh đời trai (đạo diễn Lưu Huỳnh)... Các phim kém chất lượng này cứ thế lặng lẽ đến rồi đi khỏi rạp, nhanh chóng chìm vào quên lãng và khiến khán giả tới rạp vô cùng thất vọng.
Mất vốn và mất niềm tin vào phim Việt
Hiện nay hầu hết các phim Việt chất lượng quá kém đều không có khả năng trụ lại tại rạp và nhà sản xuất phải trả giá về doanh thu khi vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng xem như mất trắng. Phim không có chất lượng thực sự thì dù có quảng bá, chiêu trò cỡ nào cũng khó thành công. Bà Huyền Trang, đại diện nhà phát hành Galaxy, chia sẻ: “Phim nhảm sẽ khiến khán giả không hào hứng đến rạp, mà vắng khách thì rạp không chiếu nữa”. Đạo diễn Phan Đăng Di thì cho rằng: “Làm được phim là đáng phục rồi vì rủi ro rất lớn ở cả tài chính lẫn uy tín của đạo diễn nếu có khen chê gì sau phim, nhưng tôi còn… phục hơn những ai dám làm phim dở vì họ phải có thần kinh thép, biết dở mà vẫn làm!”.
Phải nói chất lượng sụt trồi, không đều của phim Việt từ đầu năm đến nay đã gây hoang mang cho người xem. Khán giả VN chưa bao giờ ngừng ủng hộ các tác phẩm điện ảnh nước nhà, nhưng không phải vì thế mà đội ngũ làm phim có thể tung ra các bộ phim hời hợt, kém chất lượng, rồi ngồi chờ “hốt bạc”.
Chính vì đã từng có nhiều phim lọt vào “câu lạc bộ 100 tỉ đồng” mà nhiều người “vác mai đi đào”, đến mức nhà sản xuất Bích Liên từng phải thốt lên: “Đây là thời mà ai cũng có thể trở thành đạo diễn điện ảnh, ai cũng có thể trở thành nhà sản xuất phim”. Cơn sốt kiếm tiền từ điện ảnh đã khiến nhiều người nhảy sang làm phim, dù họ không am hiểu nhiều về sản xuất phim ảnh cũng như định giá được chất lượng kịch bản, tay nghề người làm phim mà họ mời dàn dựng. Màn ảnh Việt đã xuất hiện nhiều bộ phim mà đạo diễn của chúng cứ như... từ trên trời rơi xuống, từ đạo diễn sân khấu, ông bầu tấu hài, đạo diễn MV ca nhạc... Hệ lụy là nhiều phim kém chất lượng ra đời, danh sách “phim thảm họa” ngày càng kéo dài ra. Hơn 45 phim Việt chiếu rạp trong 1 năm, nhưng chỉ có khoảng 5 - 6 phim thu hút được khán giả. Kiểu làm liều, cho ra đời những bộ phim ngớ ngẩn về nội dung, kỹ thuật đầy “sạn” gây mất niềm tin vào phim Việt đối với khán giả.
Nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Phong Việt cho biết: “Quá nhiều phim Việt gây thất vọng cho khán giả đã dẫn đến hiện tượng mất niềm tin vào phim nội địa. Niềm mong mỏi duy nhất với khán giả có lẽ chỉ đơn giản là: khi bước chân ra khỏi rạp sau khi xem một bộ phim Việt bất kỳ, họ không phải lắc đầu ngán ngẩm”.
Bình luận (0)