Sách ảnh kể chuyện 'nhận dạng' quốc gia qua trang phục

Nguyên Vân
Nguyên Vân
31/05/2020 06:41 GMT+7

Không hẹn mà gặp, 2 nhóm nghiên cứu lịch sử độc lập: Đuốc Mồi và Vietnam Centre cùng ra mắt sách ảnh về trang phục cổ xưa của người Việt trong tháng 5.

Đó là artbook (sách nghệ thuật) Lam Dũ (NXB Văn hóa - Văn nghệ) thuộc dự án Việt sử kiêu hùng của nhóm Đuốc Mồi, tổng hợp các nghiên cứu về trang phục, tập tục, quân sự, chính trị… thời Lý - Trần - Lê, trong đó lấy nhà Trần làm chủ đạo; và Dệt nên triều đại - ấn phẩm song ngữ về Việt phục thời Lê sơ với văn bản lời dẫn cùng những minh họa sinh động bằng tranh vẽ và ảnh chụp, do đội ngũ của Tổ chức phi lợi nhuận Vietnam Centre biên soạn và thiết kế (Comicola - NXB Dân trí).
Cả hai ấn phẩm đều là thành quả từ hình thức gây quỹ cộng đồng.

Lễ phục bá quan trong Lam Dũ

Từ ô cửa sổ màu lam nhìn về thời kiêu hùng sử Việt

Theo nhóm Đuốc Mồi, Lam Dũ là ô cửa sổ màu lam cất giấu một thuở vàng son, là ô cửa bé con mà các bạn đã dốc lòng chạm khắc tô vẽ, rủ rê bạn bè cùng nhìn về một thời kiêu hùng của sử Việt. Sách tập hợp những nghiên cứu và ghi chép từ rất nhiều nguồn, đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố “thị giác” với nội dung bao gồm trang phục, vũ khí, kiến trúc, cảnh quan, lễ nghi, âm nhạc, hệ thống tổ chức, các nước lân bang…; thậm chí có cả “thế giới động vật” đặc trưng của giai đoạn lịch sử thời bấy giờ. Trong đó, phần “may mặc” chiếm hơn phân nửa, từ đế phục (lễ phục, thường phục, triều phục, tiện phục), quan phục, quân phục, dân phục đến lân bang phục được hệ thống, minh họa một cách trực quan, giúp người đọc dễ tham khảo, sử dụng làm tư liệu hay làm cơ sở để phát triển các dự án văn hóa nghệ thuật về lịch sử, nhất là về thời kỳ Lý - Trần - Lê.

Các triều đại tự chủ của Việt Nam khi kiến tạo thể chế quốc gia thường đặt trang phục là một trong những yếu tố ưu tiên

Nhóm tác giả Vietnam Centre (ấn phẩm Dệt nên triều đại)

Dày công thực hiện Dệt nên triều đại, nhóm tác giả Vietnam Centre lý giải: “Không ngoa khi nói rằng trang phục là thước đo văn minh của nền văn hóa Á Đông như Việt Nam, bởi nó đại diện cho tư tưởng, thẩm mỹ và cả nền tảng công nghiệp, kỹ nghệ của đất nước. Nghề dệt may trong lịch sử luôn có mối liên hệ sâu sắc với sự thịnh vượng kinh tế và thể diện quốc gia. Các triều đại tự chủ của VN khi kiến tạo thể chế quốc gia thường đặt trang phục là một trong những yếu tố ưu tiên”. Đó chính là khởi nguồn tên của sách: Muốn kể lại câu chuyện xây dựng “nhận dạng” của quốc gia, dân tộc qua câu chuyện về dệt - may, về trang phục.
Chủ đề về trang phục cổ của người Việt không mới, khi có nhiều học giả đã xây dựng lại hình ảnh tổng quan về cách thức ăn mặc của cha ông, có thể kể đến như Trang phục Việt Nam (TS Đoàn Thị Tình), Trang phục triều Lê - Trịnh (họa sĩ Trịnh Quang Vũ), Ngàn năm áo mũ (học giả Trần Quang Đức)... Song theo nhóm Vietnam Centre, vẫn chưa có ấn phẩm nào nói riêng về trang phục thời Lê sơ.
“Trong các ấn phẩm khác về lịch sử trang phục Việt Nam, các tác giả đã đưa ra những dẫn chứng, lập luận, phân tích, tổng hợp về nhiều loại hình trang phục. Với Dệt nên triều đại, cùng những nội dung đó, chúng tôi còn mạo muội đưa vào ảnh chụp và tranh của các loại trang phục này. Một phần minh họa đến từ bộ ảnh cổ phục phỏng dựng mà Vietnam Centre đã thực hiện dựa trên dẫn chứng và lập luận của các bậc tiền bối. Những tranh ảnh còn lại đến từ những nhiếp ảnh gia và họa sĩ có niềm đam mê đối với văn hóa nước nhà. Mục đích của phần minh họa này nhằm giúp độc giả dễ dàng hình dung kiểu dáng của các loại trang phục trên tranh, tượng và trong các ghi chép khả tín”, Nguyễn Thanh Vân - thành viên hiệu đính - cho biết.
Sách ảnh kể chuyện “nhận dạng” quốc gia qua trang phục

Binh phục trong Lam Dũ

Ảnh: Đuốc Mồi

Thắp nhiều ngọn đuốc để cùng sáng

Xuất bản sách ảnh Dệt nên triều đại với hình thức song ngữ Việt - Anh, Vietnam Centre (điều hành bởi những người trẻ Việt 8X, 9X với khát vọng quảng bá văn hóa nước nhà ra thế giới) hy vọng tác phẩm sẽ được đón nhận không chỉ bởi những người con VN, mà còn cả từ bạn bè quốc tế - những người nước ngoài yêu thích và mong muốn tìm hiểu sử Việt thông qua nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xưa.

“Cùng với rất nhiều đội nhóm và cá nhân khác nhau liên tiếp cho ra các dự án lấy chủ đề lịch sử, gần đây nhiều nghệ sĩ đã cho ra những tác phẩm âm nhạc đình đám lấy bối cảnh văn hóa lịch sử. Nhiều cá nhân có chuyên môn lịch sử được “có đất dụng võ”. Đó là biểu hiện đáng mừng. Tuy nhiên, vấn đề đáng suy ngẫm là đa phần những sản phẩm “không cần trả tiền” mà vẫn thưởng thức được. Ngay cả những người yêu sử vẫn chưa thực sự có thói quen trả tiền cho sản phẩm chất lượng cao thì việc kêu gọi đầu tư để tạo ra sản phẩm chất lượng vẫn chưa thực sự dễ dàng”.

Trần Tuấn (trưởng nhóm Đuốc Mồi)

“Khi hoạt động với mục tiêu quảng bá văn hóa Việt ra thế giới, chúng tôi nhận thấy không nguồn lực nào trường tồn và mạnh mẽ hơn việc chính mỗi người Việt yêu và hiểu văn hóa nước nhà”, Lâm Vị Quân - thành viên hiệu đính - chia sẻ.
Còn với nhóm Đuốc Mồi thì: “Tụi mình mong muốn cuốn sách này có thể giúp ích cho nhiều người hơn, những người đang muốn làm gì đó cho văn hóa lịch sử nước nhà, bởi càng nhiều người quan tâm và làm ra sản phẩm có giá trị thì ngọn lửa đó mới lan tỏa nhiều hơn nữa”, trưởng nhóm Trần Tuấn bày tỏ. Dù vậy, Tuấn nói: “Những gì sách đưa ra chỉ là nghiên cứu và góp nhặt của đội ngũ tham gia - không chính danh với học hàm học vị nhất định. Quan trọng hơn, tinh thần của “Đuốc Mồi” là khuyến khích mọi người chủ động cùng tìm hiểu thêm, thắp thêm nhiều ngọn đuốc khác để cùng sáng”.
Tương tự, nhóm Vietnam Centre cũng mong muốn bạn đọc tiếp nhận Dệt nên triều đại với tinh thần suy xét phản biện thận trọng, và “luôn mong mỏi sự góp ý, đóng góp mang tinh thần xây dựng của các nhà chuyên môn cũng như cộng đồng để hành trình mang lại bức tranh trực quan về diện mạo của lịch sử trang phục người Việt ngày càng hoàn thiện hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.