Sau một thời gian dài im ắng vì dịch Covid-19, nhiều sân khấu kịch tại TP.HCM và Hà Nội đã sáng đèn trở lại từ đầu tháng 9 với nhiều vở diễn thú vị, hứa hẹn mang đến những phút giây giải trí lý thú cho khán giả.
Trở lại sớm nhất là Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM (sân khấu 5B, Q.3) với vở kịch xã hội đang được yêu thích Bồ công anh (tác giả - đạo diễn: Hữu Quốc, Vũ Trần) công diễn vào ngày 29.8 và tiếp tục diễn vào các tối ngày 2.9, 12.9 và 20.9. Vở hài kịch xã hội Tía ơi! Con lấy chồng! (tác giả - đạo diễn Hữu Quốc) vừa diễn tối qua 5.9 cũng thu hút không ít khán giả đến rạp trở lại, và sẽ được diễn tiếp vào tối 19.9. Ngoài ra, sân khấu 5B cũng sẽ tiếp tục công diễn các vở Bên đàng dệt mộng (tối 13.9), Ảo và thật (18.9), Tình lá diêu bông (26.9), Giao kèo sống thật (27.9) với nhiều đề tài đa dạng, phù hợp với cuộc sống hiện đại.
|
Sân khấu kịch Idecaf (Q.1) cũng sáng đèn lại với các vở diễn từng gây tiếng vang như: Mưu bà Tú (suất tối 12.9), Ngôi nhà không có đàn ông (tối 5.9), Cậu Đồng (tối 10 và 13.9). Đặc biệt từng khuynh đảo sân khấu 20 năm trước, vở kịch Cậu Đồng (đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc) được dựng lại lần này cũng "cháy" vé. Với vở dựng lại lần này, ngoại trừ NSƯT Thành Lộc (vai Cậu Đồng) và NSƯT Hữu Châu (vai ông Phán) vẫn giữ nguyên, hầu hết các vai diễn còn lại đều do những nghệ sĩ khác đảm nhiệm, hứa hẹn thổi một luồng gió mới cho vở diễn.
Sân khấu Thế giới Trẻ (Q.1) cũng không chịu thua kém khi liên tục tung ra nhiều vở hài kịch, tâm lý xã hội: Thâm cung nội chiến (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Ngọc Hùng, suất tối 6.9), Chuyện tình Bangkok (tác giả Bảo Ngọc, đạo diễn Ngọc Hùng, suất tối 11.9), Cuộc chiến sắc đẹp (tác giả Phan Ngọc Liên, đạo diễn Ngọc Hùng, suất 16 giờ 13.9), Mẹ chồng rắc rối (tác giả Nguyễn Thu Phương, đạo diễn Ngọc Hùng, suất tối 13.9). Sân khấu này khá thu hút khán giả trẻ bởi sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ trẻ quen thuộc như: Nam Thư, Khả Như, Gia Bảo, Hồng Trang, Minh Dự, Hải Triều, BB Trần… với phong cách kịch hiện đại lẫn cổ trang.
Sân khấu kịch Hồng Vân (Phú Nhuận và Chợ Lớn) chiều lòng khán giả với hai vở kịch kinh dị là Ám ảnh kinh hoàng (đạo diễn Vũ Xuân Trang, suất tối 6.9) và Người vợ ma - phần 1 (suất tối 6.9). Trong khi đó, vở kịch kinh điển Lôi vũ (đạo diễn - NSND Việt Anh, suất tối 11.9) hứa hẹn đem lại nhiều cảm xúc và nước mắt của khán giả qua sự diễn xuất của thế hệ diễn viên trẻ mới.
Trở lại sân khấu muộn hơn có lẽ là sân khấu Hoàng Thái Thanh (Q.10) với vở Bàn tay của trời (tác giả - NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như) diễn suất 16 giờ ngày 20.9 và sẽ liên tiếp diễn các suất tối ngày 3.10 và 18.10. Vở diễn có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: Thành Hội, Ái Như, Ngọc Tưởng, Quốc Thịnh, Thế Hải… Ở bản dựng Bàn tay của trời mới này, đạo diễn Ái Như muốn thể hiện câu chuyện theo một tinh thần khác. Để đạt được điều đó, Ái Như đã thay đổi những gương mặt cũ và đưa ra đề bài khó khăn hơn cho những diễn viên trẻ.
|
Tại Hà Nội, sân khấu Lệ Ngọc và Nhà hát Tuổi Trẻ cũng trở lại rộn rã với một số vở kịch mới, dàn dựng công phu. Vở Huyền thoại gò Rồng Ấp của sân khấu Lệ Ngọc với nội dung tái hiện huyền tích về vua Lý Công Uẩn sẽ diễn liên tục các suất tối ngày 7, 8, 9 và 10.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long- Hà Nội. Đồng thời, sân khấu này sẽ diễn tiếp vở Tình bạn và công lý vào các tối ngày 11, 12 và 13.9. Theo đại diện sân khấu Lệ Ngọc, tính tới thời điểm hiện tại, toàn bộ vé ở vị trí tầng một đã bán hết và do nhu cầu đặt vé của khán giả yêu kịch, từ ngày 3.9, ban tổ chức đã mở bán thêm vé tầng hai và tầng ba dành cho người cao tuổi và học sinh, sinh viên với mức giá ưu đãi. Đây là nỗ lực mạnh mẽ của sân khấu kịch ở thời điểm khó khăn vì dịch bệnh.
Trong khi đó, Nhà hát Tuổi Trẻ cũng công diễn hai vở mới từ ngày 12.9 là Bộ cảnh phục và Trại hoa vàng. Bộ cảnh phục (kịch bản Đỗ Đức Trung, đạo diễn - NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến) xoay quanh quá trình đấu tranh khốc liệt với tội phạm ma túy, sẽ cho khán giả thấy những góc khuất xã hội; sự trả giá cho những tội ác gây ra từ ma túy, đồng thời cũng lột tả được tính nhân văn và ước vọng hạnh phúc của những chiến sĩ công an. Đặc biệt, được phóng tác từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, vở kịch Trại hoa vàng sẽ xoay quanh câu chuyện bạn học cùng trường với những khoảnh khắc của tuổi trẻ tràn đầy khát vọng, sống có ước mơ. Trại hoa vàng hứa hẹn sẽ như một bức tranh khắc họa thời thanh xuân của những chàng trai, cô gái mới lớn với tình bạn, tình yêu tuổi học trò trong sáng và đầy mơ mộng.
Việc các sân khấu kịch tại TP.HCM và Hà Nội hoạt động rộn ràng trở lại với nhiều vở kịch hấp dẫn, đa dạng đã mang đến những món ăn tinh thần phong phú cho khán giả, góp phần xua tan những âu lo về dịch bệnh.
Bình luận (0)