Sôi động thị trường bảo vệ bản quyền âm nhạc

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/08/2020 06:13 GMT+7

Bên cạnh Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhiều đơn vị trong nước tham gia bảo vệ bản quyền âm nhạc. Thị trường này sẽ còn đa dạng, sôi động hơn trong tương lai.

Nhu cầu bảo vệ tác quyền âm nhạc đa dạng

Nói đến quyền tác giả âm nhạc, nhiều người nghĩ ngay đến Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm sẽ được VCPMC bảo vệ trong nước và tại hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đã ký kết thỏa thuận ủy thác quản lý quyền tác giả với trung tâm. “Hiện tại, có 4.390 chủ sở sữu tác phẩm trong nước đã ký ủy thác quyền tác giả với VCPMC. Bên cạnh đó còn có khoảng 3 triệu tác giả nước ngoài ủy quyền cho trung tâm”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC, nói.
Bản thân các hợp đồng trong nước mà các chủ sở hữu ký với VCPMC, theo ông Cẩn, cũng không giống nhau. Phần lớn họ ủy quyền toàn bộ; cũng có những tác giả đã bán riêng, tặng riêng cho một số người. Chẳng hạn, gia đình nhạc sĩ tuy có ủy quyền cho VCPMC nhưng nhạc sĩ đã tặng cho ca sĩ nào đó quyền hát tác phẩm trong thời hạn nhất định, hoặc vô thời hạn. “Điều đó cũng rất bình thường trong cuộc sống. Nhưng hầu như các nhạc sĩ đều ủy quyền cho VCPMC”, ông Cẩn nói.
Như vậy có thể thấy, VCPMC dù rất lớn, song cũng không thể bao hết toàn bộ “sân chơi” tác quyền âm nhạc. Đây cũng là cơ hội cho các đơn vị khác. Chẳng hạn Sky Music bên cạnh việc nhận ủy quyền của nhiều tác giả, nghệ sĩ biểu diễn thì đơn vị này chú trọng nhiều vào việc bảo vệ quyền sao chép và phân phối các bản ghi. Hồng Ân Entertainment cũng được một số tác giả ủy quyền giám sát, truy thu bản quyền trên internet. Bà Đặng Hồng Nga, sáng lập Hồng Ân Entertainment, cho biết: “Chúng tôi không phân loại ca sĩ, nhạc sĩ hay công ty mà nhận giám sát bản quyền cho các cá nhân/tổ chức có số lượng lớn các nội dung bản quyền và các nội dung đó đã có độ phủ tốt, đang bị quá nhiều cá nhân/tổ chức khác vi phạm. Hồng Ân Entertainment đang sở hữu và nhận giám sát hộ bản quyền cho 2.000 nội dung chủ yếu là thể loại âm nhạc và các nội dung về video clip cho trẻ em”.

Chúng tôi tin rằng thói quen tôn trọng bản quyền sẽ ngày một cải thiện. Trong khi ở nước ta chưa có đơn vị nào ứng dụng công nghệ đối soát bản quyền trong lĩnh vực truyền hình nên Aibiz mạnh dạn đầu tư để có cơ sở khách quan, hỗ trợ các đài truyền hình và tác giả cùng các bên liên quan bảo vệ tác quyền

Ông Đặng Đình Long (Tổng giám đốc Công ty Aibiz)

Về việc có tính đến việc nhận ủy quyền của các ca sĩ biểu diễn nữa hay không, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: “Quyền biểu diễn có Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) lo. Nếu có ca sĩ muốn ủy quyền chắc chúng tôi cũng không thể nhận vì còn nhiều vấn đề về quản lý, phần mềm và nhất là con người. Hơn nữa, chúng tôi làm theo chức năng nhiệm vụ và chỉ tập trung vào quyền tác giả âm nhạc”. Tương tự, để bảo vệ quyền của các bản ghi cũng có một đơn vị đang nhận ủy quyền là Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV).

Thị trường ngày một sôi động

Ông Phạm Hà Anh Thủy, CEO của Sky Music, cho hay hiện có nhiều công ty tham gia lĩnh vực bảo vệ bản quyền âm nhạc. Chỉ riêng việc giám sát, truy thu bản quyền âm nhạc trên internet kiểu như Hồng Ân Entertainment hiện cũng có khoảng trên 10 đơn vị…
Ông Đặng Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Aibiz, cho biết đơn vị của ông hiện đang đầu tư vào việc đối soát tác phẩm âm nhạc trên truyền hình. Có thể hiểu đơn giản, Công ty Aibiz sẽ kiểm đếm các tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên truyền hình. Các đơn vị được ủy quyền có thể mua kết quả này để tính toán tiền tác quyền với các đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc. “Chúng tôi tin rằng thói quen tôn trọng bản quyền sẽ ngày một cải thiện. Trong khi ở nước ta chưa có đơn vị nào ứng dụng công nghệ đối soát bản quyền trong lĩnh vực truyền hình nên Aibiz mạnh dạn đầu tư để có cơ sở khách quan, hỗ trợ các đài truyền hình và tác giả cùng các bên liên quan bảo vệ tác quyền”, ông Long cho biết.
Ông Long cũng thông tin đối tác đại diện quyền cho nhạc sĩ, ca sĩ của Aibiz không ít. Tuy nhiên, đối tác có thực lực trong việc triển khai được hoạt động bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan cho các tác giả, nghệ sĩ biểu diễn và đơn vị ghi âm, ghi hình thì thực sự chưa nhiều. “Hiện tại dường như chỉ có VCPMC và Sky Music là có thực lực hơn cả, do họ đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này và họ có lượng thành viên ủy quyền tương đối đông đảo. Tuy vậy, đối tượng cần được bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan cho tác giả, nghệ sĩ biểu diễn ở nước ta khá lớn. Nếu tất cả họ đều ủy quyền cho VCPMC hoặc chỉ một đơn vị nào khác thì e rằng cả VCPMC hay đơn vị đó cũng sẽ bị quá tải”, ông Long nói.
Về khả năng phát triển của thị trường bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan cho tác giả, nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai, ông Đặng Đình Long đánh giá: “Có một thực tế là hiện nay bản thân nhiều tác giả chưa biết hoặc chưa quan tâm đến chính quyền lợi của họ. Điều này trong ngắn hạn là một trở ngại lớn cho sự phát triển của thị trường. Tuy nhiên, do Việt Nam hiện đang hội nhập sâu và rộng vào thị trường quốc tế nên có thể các sức ép từ quốc tế sẽ tạo nên cú huých cho thị trường này trong tương lai không quá xa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.