Những bà Tiên, ông Bụt giữa đời thường

10/09/2021 07:00 GMT+7

Người dân thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) đã quá quen thuộc với chiếc xe cấp cứu từ thiện hay đậu cạnh cây xăng Kim Son. Chiếc xe cũ sờn, bởi đã liên tục hoạt động hơn 3 năm nay…

Chiếc xe cấp cứu đó đã đem lại sự sống cho biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh khi nguy cấp, bất kể lúc nào. Ai là chủ nhân của chiếc xe này? Ai là người sẵn sàng lái mọi lúc, mọi nơi như thế? Kinh phí đâu để duy trì hoạt động, bảo dưỡng để xe có thể chạy? Những câu trả lời đó có đáp án từ Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau).
Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc được thành lập năm 2017, do thầy Thích Thiện Thuận cùng các đệ tử chung tay vun đắp. Lúc đầu lập quỹ, thầy góp vào 100 triệu, các đệ tử đóng góp vận động thêm các nhà hảo tâm được hơn 200 trăm triệu, mua chiếc xe cấp cứu đã cũ để làm từ thiện. Xe chở miễn phí những trường hợp bệnh nặng đi cấp cứu tại các tuyến trên. Hoạt động được một thời gian, chiếc xe thường hư hỏng nên một lần nữa, các thành viên của Ban thiện nguyện bỏ tiền túi và vận động thêm các nhà hảo tâm mua chiếc xe đang sử dụng hiện nay.
Song, đó không phải hoạt động duy nhất mà Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc thực hiện. Cứ nghe tin ở đâu có những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là thành viên của Ban thiện nguyện có mặt. Nào bệnh nhân nghèo không có tiền đi bệnh viện hay gặp tai nạn bất ngờ không có tiền chữa trị, nào là hỏa hoạn nhà cửa tài sản thiêu rụi, nào là người chết không có điều kiện chôn cất, người già gia cảnh neo đơn không nhà không cửa...

Chiếc xe cấp cứu từ thiện cũ sờn, bởi đã liên tục hoạt động hơn 3 năm nay...

Ảnh: TGCC

Hơn 3 năm hoạt động, Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc đã giúp đỡ, hỗ trợ hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn như thế. Không chỉ những người dân nghèo tại thị trấn Sông Đốc mới nhận được sự hỗ trợ này, rất nhiều trường hợp ở các xã, huyện khác và cả tỉnh khác đều được giúp đỡ tử tế.
Có những trường hợp gặp hoạn nạn cần hỗ trợ chút ít thì các thành viên Ban thiện nguyện tự nguyện bỏ tiền túi ra hỗ trợ. Còn những trường hợp nặng, cần nhiều chi phí nhiều thì đại diện Ban đứng ra kêu gọi, vận động thêm nhiều sự tương trợ. Một khi lời vận động kêu gọi phát đi thì luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những tấm lòng hảo tâm gần xa. Bởi lòng tin đã đặt vào những người cùng tâm hướng, họ biết rằng lời kêu gọi đó rất tin cậy, họ luôn hướng đến những hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ.
Trong Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc có những trụ cột luôn là lá cờ đầu để mọi người nhất tề làm theo. Đầu tiên là một người đàn ông có tướng vóc mạnh mẽ, gương mặt hiền lành, thường xuyên phát cơm chay từ thiện, cháo miễn phí tại bệnh viện Trần Văn Thời và tại nhà mình - đó là anh Trần Quốc Khánh (Nhà xe Quốc Khánh). Cơ duyên nhân ái đã đưa anh Khánh đến với  thầy Thích Thiện Thuận. Hàng ngày, anh chứng kiến biết bao hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật không có điều kiện cứu chữa kịp thời, dẫn đến cái chết thương tâm. Lòng anh day dứt, anh mang nỗi niềm trăn trở đó tâm sự cùng thầy. Nhận được sự giúp đỡ của thầy, Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc ra đời từ đó.
Cùng với anh Khánh còn có chị Tô Thị Phượng - một phụ nữ nhanh nhẹn, gương mặt khả ái, có tấm lòng cao đẹp, làm nghề buôn bán cung cấp ngư cụ. Trước khi Ban thiện nguyện ra đời, chị đã có nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo như tặng gạo, tiền…. nhiều nơi. Nghe tin ở đâu có trường hợp cần giúp là chị không ngại đến trao tận tay. Chị chia sẻ: “Có những hoàn cảnh phải tận mắt chứng kiến mới không cầm nổi nước mắt. Có những ngôi nhà, gọi là nhà nhưng bốn phía trống hơ trống hoắc, nhìn xuyên từ trước ra sau… Có những người bệnh nằm liệt, bốc mùi rất khó chịu phải can đảm lắm mới dám lại gần...”. Nhưng không vì vậy mà chị chùn bước, cho nên hầu như người dân thị trấn Sông Đốc ai cũng biết đến chị.

Nhiều trường hợp ở các xã, huyện khác và cả tỉnh khác đều được giúp đỡ

Ảnh: TGCC

Là chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng, chị Trần Ngọc Vẹn - cũng như anh Khánh và chị Phượng, thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chị Vẹn là người bỏ kinh phí cố định mỗi tháng để duy trì hoạt động của chiếc xe cấp cứu từ thiện. Ngoài ra, chị còn đến tận những trung tâm, mái ấm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở các tỉnh khác như Bạc Liêu, Sóc Trăng để giúp đỡ.
Ba con người nhân hậu ấy là ba cái chân kiềng, họ đứng ra duy trì hoạt động thường xuyên và lâu dài của Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc. Họ là những trụ cột của đại gia đình nhân hậu đầy yêu thương, không ngừng giúp đỡ với các hoàn cảnh nghèo khó.
Thật thiếu sót nếu không nhắc đến người tài xế với công việc chạy xe dường như không giờ giấc. Em tên Nhuận, là người có tâm hướng thiện như các thành viên trong nhóm. Tuy còn trẻ nhưng Nhuận vẫn luôn hướng về sự trao đi, mà không nghĩ sẽ nhận lại. Xe hỏng hóc, cần sửa chữa ít em sẵn sàng bỏ tiền túi ra với lý do “đó là tiền hỗ trợ nhân công của mình khi lái xe, em bỏ vào để góp chút tấm lòng”. Dù nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, chưa bao giờ thấy Nhuận than vãn mệt mỏi hay có thái độ không vui vẻ với ai.
Sông nước Cà Mau nói chung, cửa biển Sông Đốc quê tôi nói riêng, có con sóng dạt dào phù sa từ biển. Những tấm lòng đáng trân quý của những con người luôn gắn liền với Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc tuy nhỏ bé nhưng cũng mênh mông như thế đó.
Xin chân thành cảm ơn những “bà Tiên - ông Bụt” trong đời thường quê tôi. Mong các anh chị luôn mạnh khỏe để làm nhiều việc tốt cho đời, để lan tỏa tình yêu thương, để tô thắm quê hương thêm tươi đẹp. Như câu các anh chị thường nói: “Cho đi là còn mãi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.