Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Ba nghệ sĩ gạo cội từ trần

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
25/10/2020 05:30 GMT+7

Đạo diễn Hồ Quang Minh, NSƯT Nam Hùng, NSND Lý Huỳnh lần lượt qua đời vào ngày 16.10, 21.10 và 22.10 tại TP.HCM.

Những tên tuổi hàng đầu của điện ảnh và cải lương

Đạo diễn Hồ Quang Minh định cư và sống tại Thụy Sĩ nhiều năm qua nhưng cuối đời, khi bệnh tình trở nặng, ông chọn trở về Việt Nam. Ông vừa qua đời vào sáng 16.10 tại TP.HCM, hưởng thọ 71 tuổi.
Đạo diễn Hồ Quang Minh sinh tại Hà Nội. Ông đi du học ở Nga từ năm 1962 rồi sau đó đến Pháp làm trợ lý cho phim Poussière d'Empire của Lê Lâm trước khi đến Thụy Sĩ du học và nhập quốc tịch tại đây.

NSND Lý Huỳnh mãn nguyện khi ra đi

Ông trở về Việt Nam làm phim từ năm 1981. Trong sự nghiệp của mình, ông đã đạo diễn các phim: Phường tôi (tên tiếng Pháp Mon Quartier), phim tài liệu 28 phút, video, 1982; Con thú tật nguyền (tựa đề tiếng Anh và Pháp Karma), phim nhựa 35mm, 1985; Trang giấy trắng (tựa tiếng Pháp Page Blanche), phim nhựa 35 mm, 1991; Bụi hồng (tựa nước ngoài từ tiếng Phạn Gate Gate Paragate), phim nhựa 35 mm, 1996; Thời xa vắng (tựa tiếng Anh A Time Far Past, tựa tiếng Pháp Le Temps Révolu), 2003.

Đạo diễn Hồ Quang Minh (bìa trái) trao đổi với những người làm phim trẻ khi còn làm nghề

ẢNH: T.L

NSƯT Nam Hùng từ trần ngày 21.10, thọ 83 tuổi. Ông là con nuôi của NSND Phùng Há, cũng là một nghệ sĩ tài năng thuộc thế hệ vàng của cải lương với Diệp Lang, Thành Được, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thanh Nga… NSƯT Nam Hùng có người vợ đầu tiên là Thanh Thanh Hoa, và người vợ sau là Tô Kim Hồng đều theo nghề hát cải lương, đều đẹp và nổi tiếng, có con gái là NSƯT Thanh Thanh Tâm đào đẹp nổi tiếng cùng thời với Tài Linh, Ngọc Huyền, Vũ Linh… Cả nhà ông theo nghiệp tổ, giỏi nghề, lại nghiêm túc, không hề có scandal, được khán giả vô cùng yêu mến.
Nam Hùng nổi tiếng với những vai kép độc như Chu Phác Viên (vở Lôi Vũ), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình)… Ông theo nghề cải lương gần 70 năm, hát cho các đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, Kim Chưởng, Dạ Minh Châu, sau 1975 thì hát cho đoàn Sài Gòn 1, đoàn 284 chung với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ… Ông đóng vai nào cũng có nét độc đáo riêng, đều gây ấn tượng mạnh mẽ, khi thì gian xảo, cay độc như Chu Phác Viên, khi lại hài hước vừa đáng thương vừa đáng ghét như thầy Đề.
Có một thời gian gần 20 năm, ông nằm trong Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP.HCM, phụ trách Ban Ái hữu Nghệ sĩ, ông lo lắng cho nghệ sĩ chu đáo, từ việc chăm sóc hằng tháng, cho đến ma chay, rồi đi xin mạnh thường quân hỗ trợ bảo hiểm y tế… Ông làm việc với cái tâm yêu thương và tận tụy, dù hoàn cảnh không hề khá giả, thậm chí khi cải lương xuống dốc hai vợ chồng ông ít đi hát phải mở quán phở để mưu sinh, thuê nhà, đổi mặt bằng liên tục, vô cùng chật vật. Nhưng gánh nặng riêng tư thế nào thì ông cũng không quên nhiệm vụ lo cho đồng nghiệp, cứ lăn ra “vác tù và hàng tổng”.
NSND Lý Huỳnh sinh tại Vĩnh Long, tên là Lý Kim Tuyền; ông được biết đến là một võ sư - đạo diễn - diễn viên nổi tiếng của Việt Nam. Lý Huỳnh là một trong những võ sư xếp vào nhóm “Nam kỳ tứ tú” trước năm 1975, nổi tiếng với chiêu “Liên hoàn bát cước” và cũng là người từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.

Lý Hùng: 'Tôi có ngày hôm nay là nhờ ba hết'

Cùng sự nghiệp võ thuật của mình, NSND Lý Huỳnh còn được biết đến và mến mộ trong vai trò diễn viên - đạo diễn sau năm 1975 qua nhiều vai diễn ấn tượng trong Con mèo nhung, Đứa con bị từ chối, Cô Nhíp, Mùa gió chướng, Mối tình đầu...; hay trong vai trò đạo diễn của các tác phẩm điện ảnh như Lửa cháy thành Đại La, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái, Thăng Long đệ nhất kiếm, Nước mắt học trò, Tây Sơn hào kiệt
Với những cống hiến to lớn cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993 ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và đến năm 2012 ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Ông có 2 người con theo nghiệp diễn xuất là diễn viên Lý Hùng và Lý Hương. Ông mất ngày 22.10, thọ 78 tuổi.

Thủy Tiên quyết trực tiếp trao tiền từ thiện, nêu kế hoạch sử dụng 100 tỉ đồng

Sau khi công bố số tiền quyên góp cứu trợ miền Trung trong cơn lũ lịch sử năm 2020 đến chiều 21.10 đã hơn 100 tỉ đồng, ca sĩ Thủy Tiên cũng chia sẻ kế hoạch sử dụng số tiền lớn này.
Chính vì sự quan tâm quá lớn của mọi người về số tiền 100 tỉ đồng, Thủy Tiên đã trình bày một số quan điểm và nói rõ cách cô sử dụng số tiền từ thiện này như thế nào.

Thủy Tiên cứu trợ đồng bào tại Quảng Bình

ẢNH: NSCC

Về ý kiến số tiền quá lớn nên cần 1 tổ chức cứu trợ như 1 bộ máy thu nhỏ để làm việc này hiệu quả hơn, hoặc giao cho 1 cơ quan chức năng nào đó để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê 1 bên thứ 3 nào để đi kiểm tra tài chính, Thủy Tiên bày tỏ sự cảm ơn và ghi nhận. Nhưng cô thẳng thắn cho biết: “Mình không làm theo được. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng để làm từ thiện và làm theo một cách riêng để giúp đỡ cộng đồng. Việc tổ chức một bộ máy cồng kềnh càng làm rắc rối, mất thời gian họp hành rồi đưa ra quyết định.
Sức đến đâu tôi sẽ cố gắng làm đến đó, tổ chức bộ máy là công việc của nhà nước để giúp đỡ nhân dân, như dịch Covid-19 vừa qua hay là việc cứu hộ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm bão lũ ở miền Trung đều là có công không nhỏ của nhà nước mình. Tôi đã đi ra hiện trường thực tế nên tôi thấy rõ điều đó. Vì thế tôi rất trân trọng họ. Nhà nước mình làm những việc lớn, họ chi ngân sách nuôi quân để bảo vệ đất nước, giữ yên bình Tổ quốc; còn công việc của một người dân nhỏ bé như mình thì chỉ là làm sao giúp được cộng đồng càng nhiều càng tốt, theo tinh thần lá lành đùm lá rách thế thôi”.
Riêng ý kiến về việc chi tiêu minh bạch đến mức phải ghi ra từng khoản chi và phải có ê kíp theo làm việc này, Thủy Tiên nói: “Thật sự là tôi không đủ tiền để chi trả cho ê kíp làm việc này đâu ạ, đây là việc thiện từ tâm, tất cả những anh em đi theo Tiên đều có công ăn việc làm ổn định, không quen biết nhau, nhưng khi gọi thuê xe thì họ bỏ việc, không lấy tiền công, còn kêu gọi thêm anh em trong nhóm tình nguyện để giúp đỡ bảo vệ Thủy Tiên những lúc đông dân quá và những khi gặp phải tình hình thiếu kiểm soát. Để đi gom được hàng cứu trợ là cả một vấn đề lớn, các bạn gái giúp Tiên là các em sinh viên đại học, tình nguyện viên tại địa phương. Lũ lớn nên giao thông khó khăn, hàng hóa khan hiếm, chúng tôi phải chạy đi gom hàng từng đại lý lớn, siêu thị, đến những tiệm tạp hoá, tiệm thuốc nhỏ, vài chục thùng mì, 5-10 chai dầu gió mỗi nơi một ít mà thành đến con số hàng nghìn phần quà mỗi ngày. Vì thế, các chuyển khoản và tiền mặt chi tiêu nhỏ lẻ rất nhiều. Những hàng hóa này không thể mua từ công ty có hóa đơn chuyên nghiệp được. Hoặc khi cho tiền chợ, Tiên cũng phải nhìn mặt từng người và từng hoàn cảnh mới cho, và cho nhiều trường hợp như thế, hằng ngày bao nhiêu trường hợp gặp, nước cao vừa lo an toàn, vừa lo khiêng hàng hóa nặng, vừa phải chạy việc cho nhanh để giúp được nhiều người hơn. Nên không cách gì để mà thuê nổi người theo ghi rõ ràng từng khoản chút chút rồi về tính được”.
Cuối cùng, ca sĩ Thủy Tiên khẳng khái: “Mong là mọi người đừng lo lắng quá nhiều, 100 tỉ đồng thấy nhiều, ai cũng sợ không làm nổi. Nhưng mà bản thân tôi thật sự thấy không biết là có đủ hay là không đủ để hỗ trợ sau lũ cho 3-4 tỉnh ngập lũ. Ngoài xây nhà, chúng tôi còn làm cầu cống, đường sá cho người dân ở vùng sâu vùng xa. Đợt lũ này đã cuốn trôi bao nhiêu cây cầu, người dân họ không đi qua được, phải chế cầu tạm đi cực kỳ nguy hiểm. Nếu đủ thì thôi, dư thì mình còn thiếu gì việc để giúp người. Tôi tin là nếu mình là một công dân tốt, biết giúp đỡ người khác, không làm gì trái pháp luật thì chính quyền nhà nước nào cũng ủng hộ cho mình cả, các bạn đừng lo nha!”.

Vùng đất Nam bộ nhậnGiải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu

Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu lần 10 được trao hôm 23.10, tại TP.HCM, cho tác phẩm thuộc chuyên ngành lịch sử: công trình Vùng đất Nam bộ (tập thể tác giả do GS-NGND Phan Huy Lê tổng chủ biên và 11 GS, PGS, TS sử học chủ biên, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật phát hành).

Đại diện nhóm tác giả nhận Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu

ẢNH: TH.A

Bộ sách Vùng đất Nam bộ gồm 10 tập: tập 1 - Điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, do TS Trương Thị Kim Chuyên chủ biên, tập 2 - Từ cội nguồn đến thế kỷ 7, GS-TSKH Vũ Minh Giang chủ biên, tập 3 - Từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 16, GS-TS Nguyễn Văn Kim chủ biên, tập 4 - Từ đầu thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 do GS-TS Nguyễn Quang Ngọc chủ biên, tập 5 - Từ năm 1859 đến 1945, PGS-TS Đoàn Minh Huấn - PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà đồng chủ biên, tập 6 - Từ năm 1945 đến 2010, PGS-TS Trần Đức Cường chủ biên, tập 7 - Đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, GS-TS Ngô Văn Lệ chủ biên, tập 8 - Thiết chế quản lý xã hội, PGS-TS Vũ Văn Quân chủ biên, tập 9 - Tộc người và quan hệ tộc người, TS Võ Công Nguyện chủ biên, tập 10 - Tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, PGS-TS Võ Văn Sen chủ biên.
Bộ sách là kết quả của chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng đất Nam bộ dưới dạng một đề án khoa học xã hội cấp nhà nước Vùng đất Nam bộ - quá trình hình thành và phát triển do GS-NGND Phan Huy Lê làm chủ nhiệm và trực tiếp tham gia, thực hiện từ năm 2008 - 2010. Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã nghiệm thu, đánh giá loại xuất sắc vào năm 2011. Trên cơ sở khối tài liệu lớn đó, các chủ nhiệm 10 đề tài nhánh và từng nhóm tác giả (khoảng 100 người) tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hệ thống hóa tư liệu, cập nhật những tài liệu mới đến năm 2017, biên soạn thành bộ Vùng đất Nam bộ.

Người Việt đầu tiên nhận giải thưởng văn hóa Sejong của Hàn Quốc

Bằng khen của giải thưởng văn hóa Sejong do chính Tổng thống Hàn Quốc ký đã được trao cho ông Nguyễn Văn Tình ngày 21.10 tại Hà Nội.
Ông Choi Kyu Hak, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc, đã không thể sang dự buổi lễ trao giải thưởng văn hóa Sejong tại Hà Nội ngày 21.10. Thay vào đó, ông gửi một video nhỏ để chúc mừng người anh em thân thiết mà ông gọi là “Big Brother”- TS Nguyễn Văn Tình, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL). Ông Tình là người Việt đầu tiên được nhận giải thưởng Sejong danh giá này.

Ông Park Noh Wan (trái) tặng hoa cho TS Nguyễn Văn Tình tại lễ trao giải

ẢNH: CỤC HỢP TÁC QUỐC TẾ CUNG CẤP

“Tôi vẫn nhớ những ngày đầu tiên tổ chức Tuần lễ phim Hàn Quốc ở miền Trung Việt Nam, cùng uống bia với người dân ở đó. Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội là trung tâm văn hóa Hàn Quốc đầu tiên tại Đông Nam Á, được mở vào 2006. Khi đó, thủ tục thành lập trung tâm văn hóa nước ngoài vô cùng chặt chẽ và các quy định liên quan cũng chưa hoàn thiện nên đã tạo ra không ít trở ngại. Trong hoàn cảnh ấy, TS Tình đã tích cực giúp đỡ, trở thành cầu nối giữa các cơ quan liên quan và Bộ Ngoại giao để thành lập trung tâm”, ông Choi Kyu Hak chia sẻ trong video.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Park Noh Wan, cũng xúc động trong lễ trao giải về mối nhân duyên văn hóa giữa hai nước mà nhiều thế hệ cán bộ đã gây dựng nên. Trong đó, có cả tuổi trẻ, cả 25 năm trăn trở tăng giao lưu hợp tác của TS Tình và ông.

Hàn Quốc bước vào ‘đường đua’ Oscar 2021 với phim lịch sử đen tối

Ngày 22.10, Hàn Quốc chọn phim The Man Standing Next để tranh giải Oscar 2021 hạng mục Phim quốc tế xuất sắc sẽ diễn ra vào năm tới.

Một cảnh trong phim The Man Standing Next

ẢNH: SHOWBOX

Theo Korea Herald, Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) đã phát đi thông báo họ chọn bộ phim The Man Standing Next của đạo diễn Woo Min Ho để gửi tranh giải Oscar lần thứ 93 hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. Đây là một trong 13 phim được KOFIC trước đó đánh giá cao về mặt chất lượng và nhắm có thể "ăn nên làm ra" tại mùa giải 2021. Vượt qua 12 đối thủ khác cùng quê nhà, tác phẩm có sự tham gia của dàn diễn viên như Lee Byung Hun, Lee Sung Min... được hứa hẹn có một tấm vé chu du ở trời Tây thời gian tới.
The Man Standing Next là phim có nội dung chính trị, kể về những năm tháng trị vì của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee trước khi ông bị ám sát vào năm 1979. Phim có nhiều yếu tố hồi hộp, giật gân. Đây là tác phẩm ra mắt hồi tháng 1 năm nay và gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng như giải Chunsa lần thứ 25, giải Baeksang lần thứ 56. Trong đó, nam diễn viên Lee Byung Hun thắng cả 2 giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại 2 giải thưởng này.
Viện Hàn lâm Khoa học Nghệ thuật và Điện ảnh Mỹ (AMPAS) - đơn vị chủ trì giải Oscar hằng năm sẽ chọn ra những cái tên xuất sắc để công bố trong danh sách đề cử chính thức vào ngày 15.3.2021. Lễ trao giải Oscar 2021 diễn ra ngày 25.4.2021 ở Nhà hát Dolby, Los Angeles (Mỹ). Năm rồi, tác phẩm Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho xuất sắc đoạt 4 giải tại giải Oscar lần thứ 92 bao gồm Phim hay nhất năm và Phim quốc tế xuất sắc nhất
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.