Tà thuyết và sự mê lầm niềm tin

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/03/2019 07:07 GMT+7

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó trưởng ban Phật giáo quốc tế (Giáo hội Phật giáo VN), cho rằng việc quy định giá, khéo dẫn dắt các khổ chủ đóng tiền trên nền tảng nỗi sợ hãi và khổ đau là trái với giới luật của đạo Phật.

[VIDEO] Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, Phó trưởng ban Phật giáo quốc tế GHPGVN - trả lời Báo Thanh Niên về chuyện "thỉnh oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng
Thượng tọa Thích Nhật Từ đã có bài giảng cho các Phật tử về thuyết “oan gia trái chủ” trong những ngày vụ việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) gây xôn xao. Ông cũng là người lên tiếng về sự phi lý của việc đổ xô dâng sao giải hạn trong chùa.
Cô gái được cho là bị ma nhập tại chùa Ba Vàng Ảnh: chùa ba vàng
 

Định mệnh luận gây hoang mang

Đó là những điều, theo ông, trái với nguyên lý của Phật giáo. Theo thượng tọa, “oan gia trái chủ” là học thuyết dân gian Trung Quốc, mặc dù được một số tăng sĩ giảng dạy, nhưng vốn không phải đức Phật dạy. Việc truyền bá “thỉnh oan gia trái chủ” theo tinh thần dân gian Trung Quốc đó có những cách thức lý giải số phận, vừa trái Phật pháp, vừa ngược lại khoa học.


Trong những năm truyền bá chân lý, Phật dày công dẹp bỏ thuyết định mệnh luận. Nhưng rất tiếc, chùa Ba Vàng do người đứng đầu có giới hạn về Phật học đã đi ngược lại tinh thần của Phật giáo, gây hoang mang trong dư luận và làm quần chúng hiểu sai về đạo Phật”

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó trưởng ban Phật giáo quốc tế (Giáo hội Phật giáo VN)

Theo thượng tọa, Phật giáo không dạy rằng do trong quá khứ như thế thì phải trả oan trái như vậy trong kiếp này. Đó là tà thuyết mà đức Phật thích ca gọi là “định mệnh luận”, tức chủ trương sai khi cho rằng số phận của con người ở kiếp này là do nghiệp số trong các kiếp quá khứ tạo nên. “Định mệnh luận” nhồi sọ con người sự an phận và chấp nhận số phận hẩm hiu, không nỗ lực thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, tốt đẹp và hạnh phúc.
“Trong những năm truyền bá chân lý, Phật dày công dẹp bỏ thuyết định mệnh luận. Nhưng rất tiếc, chùa Ba Vàng do người đứng đầu có giới hạn về Phật học đã đi ngược lại tinh thần của Phật giáo, gây hoang mang trong dư luận và làm quần chúng hiểu sai về đạo Phật”, ông nói.
Bản thân việc dâng sao giải hạn, theo giải thích của ông cũng vậy. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Hơn nữa, thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết chưa bao giờ ở một đoạn kinh nào, trang kinh nào, bài kinh nào Đức Phật Thích Ca dạy tháo mở các oan trái bằng việc tin vào các hương linh. Muốn tháo mở bất hòa trong gia đình, theo đức Phật, chúng ta phải hiểu thấu, cảm thông, thấy được hành động xấu xuất phát từ nguyên nhân nào để cùng nhau nỗ lực hòa giải, xóa hận thù, khép các oan trái lại. Nghĩa là mỗi người phải nỗ lực bằng tâm từ bi, tâm vị tha, tâm khoan dung, tâm quảng đại.
Dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội Ảnh: Giang huy
 
“Các tăng ni trong suốt 26 thế kỷ qua đã truyền bá Phật pháp trên tinh thần đó để mang lại hòa bình cho thế giới, đất nước, gia đình, tháo gỡ hận thù, vượt qua các điểm dị biệt”, ông nói và cũng cho rằng việc tạo nỗi sợ hãi từ những việc, những kiếp sống quá khứ không kiểm chứng được để làm cho người nhẹ dạ cả tin phải sống trong sợ hãi, từ đó bị dẫn dắt, chi phối họ để họ phải cúng tiền và làm công quả, dù có biện minh là phương tiện, là đáng bị lên án.
“Khi bị nhồi sọ với những sợ hãi về các oan trái với ma quỷ từ nhiều kiếp, các khổ chủ đâu nề hà bỏ ra vài triệu hay vài chục triệu đồng để hy vọng hóa giải oan trái, không bị ma quỷ quấy phá. Từ góc độ phụng sự nhân sinh của Phật giáo, tôi cho rằng, việc quy định giá, khéo dẫn dắt các khổ chủ đóng tiền trên nền tảng nỗi sợ hãi và khổ đau là trái với giới luật của đạo Phật, trái với chủ trương phục vụ nhân sinh, tràn đầy từ bi và vô vụ lợi của Phật. Điều đó nếu có sự thật thì đáng bị lên án”, ông nói.

Dân trí và sự cương quyết của Giáo hội

Theo PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, cả hai hiện tượng đổ xô đi dâng sao giải hạn và chi tiền để giải vong báo oán có điểm tương đồng. Đó đều là biểu hiện của lòng tin mê muội. “Việc người dân tin vào chuyện đó, tôi cho là mù quáng, mê lầm niềm tin”, ông nói.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cũng cho rằng việc dâng sao giải hạn trong chùa và giải vong báo oán đều không phải của đạo Phật. “Chúng ta biết, trong chùa có sự hỗn dung văn hóa, trong chùa có nơi thờ Mẫu chẳng hạn. Tuy nhiên, trường hợp thu tiền để trả nợ vong hay giải hạn lại khác. Các gia đình nhiều khi mang tâm lý có bệnh thì vái tứ phương. Khi bệnh viện không chữa được thì các thầy cúng thầy quyết giúp đỡ. Nhu cầu của con người là như thế. Và khi có nhu cầu vái tứ phương thì sẽ đẻ ra việc có người đáp ứng nhu cầu đấy. Trong đó, xưa đến nay chỉ ở mức độ thấp nhưng giờ thì sẽ có những “giá thị trường””, ông nói.
Trong khi đó, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, lại nêu ý kiến cần chú ý tới thực trạng xã hội. Rõ ràng, trong xã hội đã hình thành những nhu cầu tâm lý và tâm linh rất lớn. Nó trở thành sự lệ thuộc đến mức nô lệ cần phải giải thoát bằng mọi giá. Cầu an và giải hạn mọi tai ách là một khát vọng, là niềm tin chính đáng nếu nó được thực hành một cách đơn giản, vô tư, chân thành và thiêng liêng.
“Chính việc hoằng dương Phật pháp trên khắp thế gian sẽ giúp con người bớt mê muội trong Tham - Sân - Si mà giác ngộ. Vì thế, nhà chùa nên đi vào đời sống của quần chúng chớ không quá chú tâm tới việc phật tử đổ xô đến nhà chùa để tiến hành những nghi thức rất đời, lại mang tính dịch vụ và thương mại quá nổi trội”, ông nói.
Về giải pháp, theo TS Hằng: “Sự việc diễn ra rầm rộ, phổ biến như vậy cần tham chiếu vào giáo lý nhà Phật trên phương diện tôn giáo và các văn bản quy phạm dưới góc độ hành chính pháp luật để giải quyết. Một khi hai căn cứ tôn giáo và pháp lý đó chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ thì việc giải quyết vấn đề này sẽ gặp phải vô vàn khó khăn”.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Quan trọng nhất vẫn là nâng cao dân trí. Người trong nhà chùa cần giữ đạo, muốn thế thì Giáo hội Phật giáo phải cương quyết. Tôn giáo của mình thì phải cương quyết giữ”.
Về phía quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ và T.Ư Giáo hội Phật giáo VN trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành”. 
Trục lợi tâm linh vì mục đích kinh tế
Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi về 2 việc dâng sao giải hạn và cúng oan gia trái chủ, tại sao chúng có vẻ giống nhau đến thế. Chúng đều liên quan đến việc giải quyết những ẩn ức của con người và đều được thực hiện ở các chùa. Có thể thấy mẫu số là người ta đã mượn danh Phật giáo để giải quyết những vấn đề không thuộc bản chất Phật giáo.
Về mặt nguyên tắc, Phật giáo là từ bi, vô thần và thoát tục. Nhưng những giáo lý đó lại không được tập trung vào, mà người ta lại đi giải quyết những bức xúc cho người dân để thu về lợi ích kinh tế cho một nhóm có liên quan đến các chùa như Ba Vàng, Phúc Khánh. Ở đây, người ta hay gọi là trục lợi tâm linh vì mục đích kinh tế. Khi xác định vấn đề như vậy thì có thể tìm ra cách xử lý. Đó là đề nghị chùa làm đúng giáo luật. Những vi phạm cần xử lý nghiêm khắc.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia
Trinh Nguyễn (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.