Thắc mắc quy đổi huy chương xét danh hiệu nghệ sĩ

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
25/04/2020 05:54 GMT+7

Tỷ lệ quy đổi huy chương để xét danh hiệu là điều nhiều nghệ sĩ thắc mắc trong dự thảo nghị định sửa đổi về xét tặng danh hiệu. Thâm niên và tỷ lệ phiếu đồng thuận cũng là điều cần trao đổi.

NSND Phạm Anh Phương, nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, vẫn còn nhớ lần xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ mới đây, ông đã phải làm đơn “kêu” cho nghệ sĩ đầu bè dàn nhạc giao hưởng nhà hát mình. Họ diễn trong hai vở là opera Cô Sao, ballet Khoảnh khắc bất tử. Cả hai vở được huy chương vàng. “Hai nghệ sĩ dàn nhạc là Tuấn Anh và Hữu Văn, đều là solist. Chúng tôi đưa danh sách lên để quy đổi huy chương để đề nghị xét danh hiệu nghệ sĩ thì vở opera Cô Sao được quy đổi, còn ballet lại không”, ông Phương nhớ lại.
Chính vì thế, ông Phương cũng quan tâm tới việc quy đổi này trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29.9.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Có điều, trong dự thảo này, các nghệ sĩ chơi đầu bè trong dàn nhạc giao hưởng không có trong danh sách quy đổi của bất cứ chương trình nào. Tại bảng quy đổi huy chương của âm nhạc trong dự thảo, với dàn nhạc giao hưởng, thành phần được quy đổi huy chương chỉ có chỉ huy dàn nhạc. “Như vậy thì còn chặt hơn trước với nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng”, ông nói.
Ông Phương cũng thấy quy định về quy đổi huân chương cho nghệ sĩ múa làm họ thiệt thòi. Chẳng hạn, theo dự thảo, một vở múa được tặng huy chương vàng, giải nhất, giải A, giải xuất sắc, cúp vàng tại hội diễn, liên hoan, cuộc thi về nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp toàn quốc do bộ, ngành, Hội Văn học, Nghệ thuật chuyên nghiệp T.Ư tổ chức (lấy huy chương vàng của hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VH-TT-DL tổ chức làm chuẩn) thì thành phần đề nghị quy đổi mức quy đổi chỉ có huy chương vàng cho biên đạo múa.
Về điều này, ông Phương nói: “Nếu là liên hoan ca múa nhạc thì các thành phần tham gia biểu diễn là phải công bằng. Có thể quy đổi là 1/2 hay 1/3 huy chương chứ không thể không cho diễn viên múa solist được. Nhưng nếu cũng tác phẩm múa đó đi thi tài năng sáng tác thì chỉ mỗi ông biên đạo múa được thôi là đúng. Thể loại của cuộc thi cũng rất quan trọng. Quy đổi cũng nên tính đúng đặc thù”.
Với điện ảnh, việc quy đổi sẽ không tính theo huy chương mà quy thành các bông sen vàng.
Trong đó, giải thưởng chính thức của ban giám khảo dành cho bộ phim tại liên hoan phim (LHP) quốc tế quy thành 1 bông sen vàng. Giải thưởng chính thức của ban giám khảo dành cho cá nhân tại LHP quốc tế cũng là 1 bông sen vàng. Trong khi đó, đâu phải mọi LHP đều có chất lượng như nhau, do đó giải thưởng ở các LHP quốc tế cũng có giá trị khác nhau. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: “Có những liên hoan mọi người đóng tiền tham gia và rất dễ đoạt giải. Nếu cứ cào bằng thì cũng không ổn. Tuy nhiên nếu phân loại nhóm các LHP thì cũng sẽ vất vả hơn cho người soạn thảo quy đổi”.

Tỷ lệ phiếu bầu xê dịch, năm thâm niên khó tính

Theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29.9.2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, tỷ lệ phiếu đồng ý để hồ sơ đi tiếp là 80% số người tham gia bỏ phiếu. Trước đây, tỷ lệ đồng thuận cần có là 90%, nhưng tính cả phiếu của người gửi phiếu bầu mà không có mặt tại buổi bỏ phiếu.
Trong tờ trình dự thảo, Bộ VH-TT-DL cho rằng việc thay đổi này là do thực tiễn của xét tặng danh hiệu năm 2015, 2018. Theo đó, các thành viên có mặt tại cuộc họp sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến nhận xét đánh giá, thảo luận về từng trường hợp, việc bỏ phiếu sẽ chính xác và khách quan hơn. Điều này làm nhớ lại ý kiến của nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan trước đây về xét danh hiệu nghệ sĩ. Theo đó, ông Loan cho rằng việc thuyết minh hồ sơ tốt (lại không phải đích thân nghệ sĩ thuyết minh) sẽ khiến hồ sơ thuyết phục hơn.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, cho rằng nên theo quy định phải đạt 75% số phiếu của hội đồng thì hơn. Lý do ông đưa ra, đây cũng là tỷ lệ khi xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh cho thống nhất. “Cứ theo xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, chứ không thì nó rối”, ông Thọ nói.
Dự thảo đề xuất cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu tại hội đồng cơ sở.
Về điều này, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng nhiều nghệ sĩ nhất là ở trong Nam tham gia sân khấu chuyên nghiệp từ rất sớm, chẳng hạn như đoàn tuồng Đồng Ấu Bạch Long. Những trường hợp như vậy cũng rất khó tính về việc thời gian đào tạo ở trường. Việc xác nhận trên hợp đồng cũng vậy. “Đoàn Đồng Ấu Bạch Long thì lấy đâu ra hợp đồng. Họ học và diễn với nhau như một gia đình cho đến lúc thành danh. Hay là có những gánh hát gia đình thì ai biết. Nên xác định đối tượng sẽ phức tạp”, ông Thọ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.