Em của vài thế kỷ về trước đã hối hả chạy theo nhịp đô thị hoa lệ. Xu hướng làm ăn buôn bán, giải trí, thể thao, thời trang…có lẽ, Em đều nhanh chóng cập nhật, rồi thay đổi cho phù hợp thời thế khi làn sóng mở cửa đến, khi mà Sài Gòn chuyển mình thành Hòn ngọc viễn Đông. Em của ngày nay vẫn thế, vẫn nhanh nhạy bắt nhịp từng đợt sóng du nhập của bạn bè năm châu, nhưng có vẻ chọn lọc hơn. Hòa nhập đó, chứ không hòa tan. Chút riêng nơi cử chỉ, thái độ hay trong tâm hồn của cô gái Sài Gòn có chăng là giá trị tạo ra sự khác biệt để dành một mai, cho ai đó dễ dàng nhận ra. Sống nơi phố thị phồn hoa với biết bao cơ hội, đời sống vật chất, tinh thần luôn được coi trọng, an sinh xã hội là vấn đề nóng hổi bàn tán mỗi ngày thì liệu, cái phần kiều diễm, e lệ rất tự nhiên hòa vào chút cá tính, dạn dĩ trong giao tiếp có còn khiến bao người khách phương khác say đắm.
Em là một phần của miền Đông Nam Bộ kề vai sát cánh cùng miền Tây sông nước. Ấy thế nên có không ít nét đặc trưng trong đời sống như hiển nhiên với nông thôn nhưng, cũng chẳng xa lạ gì với thành thị. Khi thì cất lên tiếng rao mới ngọt làm sao, “Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm, 2 ngàn 1 ổ”, “Ai chè đậu xanh nước dừa hôn”, “Ai tàu hũ, tàu hũ nóng đây”, “Ai ve chai bán hông”, “Hủ tíu gõ, hủ tíu gõ cốc cốc đây”. Khắp các con hẻm lớn nhỏ, tiếng rao góp thêm vào cái phần như đã rất nhộn nhịp của Sài Gòn, xóa tan đi cái khoảng thinh lặng về đêm của những con người bận rộn cả ngày dài, thấm mệt, bụng réo lên vì đói.
|
Dù là sáng sớm hay chiều tối, cái xe đẩy nhỏ gọn hay đôi gánh hàng rong nhất định là lựa chọn hàng đầu của các bé học sinh, các anh chị công nhân, công sở, cô chú lớn tuổi tản bộ gần nhà. Họ chọn vì sự đa dạng, giá cả khá rẻ lại tiện lợi khi phải vội vàng cho kịp vào việc và kịp kết thúc mọi việc trước khi chìm vào giấc thâu đêm. Không biết là trong đó, phần nhiều có phải là các chị, các cô, các dì đến từ đồng bằng sông Cửu Long không nữa.
Chọn Sài Gòn để mưu sinh, để làm ăn đổi đời, để con cái có môi trường học tập tốt hơn và tự bao giờ, những người phụ nữ đó xem nơi đây là quê hương thứ hai, cùng với những người con Sài thành cùng cảnh ngộ, đã tạo nên điều quen thuộc thân thương cho bất kỳ ai từng đến Sài Gòn. Đâu đó, giọng rao của người con gái miền Trung hay miền Bắc xa xôi cùng vang hòa vào tiếng xe cộ ngoài đường phố cũng đủ thấy rằng mảnh đất này, có vẻ là đất lành cho mọi người con dù không lớn lên ở đây nhưng vẫn luôn được chào đón nồng nhiệt với đủ mọi điều kiện “dễ sống”. Sự san sẻ, đùm bọc không quan trọng bạn đến từ đâu, quá khứ thế nào, giới tính ra sao dù đôi lúc cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm đều xuất phát từ cái tình vốn được thừa hưởng từ người xưa và đã lan tỏa đến cả người nhập cư vào Sài Gòn.
|
Em vốn bình dị với áo bà ba, thanh cao với tà áo dài, theo đó, không thể thiếu, là chiếc nón lá như vật bất ly thân dẫu biết rằng không thể che hết thân mình khi trời Sài Gòn cứ chợt nắng rồi chợt mưa như thế. Cái chất hiện đại của không gian với tầng tầng lớp lớp tòa nhà cao tầng, ánh đèn đủ sắc màu lung linh khắp phố vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng hình ảnh không thể thiếu của Em nói riêng hay người con gái Việt nói chung khi khoác lên mình tà áo dài trắng tinh khôi, trên đầu đội nón lá.
Em có thi thoảng nghe người nơi khác nói về Sài Gòn như thế nào không? Có cô giáo người Thanh Hóa bảo rằng lần đầu được nghe giọng con gái Sài Gòn, cô thích lắm, và đã quyết vào Nam, tựa vào nơi đất lành để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nhưng song song đó là vì muốn nghe nhiều nhiều hơn nữa cái giọng ngọt tự nhiên, dễ nghe, dễ yêu đó. Hay như cô giáo đến từ đất võ Bình Định muốn tìm cho mình nhiều cơ hội hơn nữa để nhanh có thành tựu nho nhỏ để đời, rồi lan tỏa nó đi nhanh và đi xa. Tất cả đều bắt đầu từ hai chữ “Sài Gòn”.
|
Bình luận (0)