Là đứa con miền biển, mười tám năm đầu đời được sinh ra và gắn bó nơi quê mẹ, với tôi đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Không biết tự bao giờ, những tiếng gọi thân thương “Nha Trang”, “Khánh Hòa” đã ở lại và luôn vang vọng trong tâm trí tôi dù tôi đã rời xa nơi ấy mười mấy năm rồi.
So với những địa phương khác thuộc miền Trung nắng gió, có lẽ Nha Trang được thiên nhiên ưu ái hơn cả. Biển xanh, cát trắng và những cảnh sắc huyền ảo đã khiến nơi đây được ví như “thiên đường miền nhiệt đới”. Nhắc đến Nha Trang cũng là nói đến biển. Nếu ai đã từng đặt chân đến và có khoảnh khắc ngắm bình minh trên biển Nha Trang, chắc hẳn không thể nào quên được. Tôi quen gọi đó là bình minh quê mẹ, tôi vẫn luôn nghĩ rằng, bình minh quê mẹ chính là bình minh đẹp nhất, rực rỡ nhất và bình yên nhất trên thế gian này.
Kỷ niệm về biển của tôi gắn liền với hình ảnh bà ngoại, còn nhớ những ngày thơ ấu, từ tờ mờ sáng, tôi đã cùng bà đi bộ từ nhà ra biển, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác ngồi trên bãi cát ngắm mặt trời lên, nằm lênh đênh trên mặt biển êm đềm nhìn mây trôi lãng đãng. Người thầy đầu tiên dạy tôi bơi, cùng tôi chơi những môn thể thao đó chính là bà ngoại, tôi ngày đó chỉ là cô bé độ tám, chín tuổi và bà ngoại lúc đó hãy còn trẻ khỏe. Cho đến hôm nay, bà tôi đã già yếu, đôi lúc bà đã không còn nhận ra tôi, giữa bao bộn bề cuộc sống, mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm ấy, tôi chỉ ước một lần được trở lại ngày xưa. Bất giác nhìn lại, thời gian đã lấy đi của chúng ta thật nhiều, với tôi, đó là sức khỏe của bà và cả tuổi xuân của những người tôi trân quý nhất.
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…” (Thơ Giang Nam)
Cũng tại thành phố biển thân yêu này, tôi đã có một tuổi thơ đáng nhớ. Ký ức lại ùa về tưởng như mới đây thôi, chúng tôi, lũ học trò lớp tám làm chương trình về văn học địa phương đã có dịp gặp gỡ với những văn sĩ, thi sĩ đại diện cho vùng đất Khánh Hòa… Nhà văn Võ Hồng, nhà thơ Đào Xuân Quý, nhà thơ Giang Nam… Sinh ra trong thời chiến, bản thân cũng chịu những mất mát, đau thương nhưng họ vẫn chiến đấu, lao động quên mình. Các vị tiền bối ấy, giờ đây người còn, người mất, nhưng những lời chia sẻ cảm động về chuyện đời, chuyện nghề thì còn lại mãi trong trí nhớ của tôi. Từ ngày xưa cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy mình nhỏ bé trước những tấm gương như thế. Quả thật, có những cuộc hội ngộ chỉ diễn ra duy nhất một lần trong đời và vĩnh viễn nằm lại trong miền ký ức.
Xa quê đã nhiều năm, có dịp đặt chân đến những vùng miền khác, tôi hiểu hơn rằng, mỗi miền quê trên đất nước mình đều thiêng liêng, đẹp đẽ biết bao. Được đi nhiều và mở rộng tầm mắt, tôi nhìn thấy quê hương mình ẩn hiện trong những vùng đất khác, từ đó biết yêu hơn nơi mình đã sinh ra - miền Trung ruột thịt, càng yêu thương đất nước mình, một đất nước vẫn hiên ngang đứng lên từ “mưa bom, bão đạn”, phải chăng tình yêu tổ quốc được khơi nguồn từ lòng yêu thương chính mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn?
Tôi và những người con xa quê khác, có thể chúng tôi vì những lý do khác nhau phải tha hương, gắn bó ở một phương trời khác, nhưng nỗi nhớ và tình cảm dành cho quê hương có lẽ đều sâu nặng như nhau. Cuộc sống hối hả, lo toan khiến chúng tôi ít có dịp về lại nơi mình đã sinh ra, thế nhưng quê hương vẫn còn đó, trong chính trái tim của mỗi người. Quê hương luôn đẹp bởi nó lưu giữ tất cả những ký ức êm đềm, là nơi ghi dấu những tháng năm tuổi trẻ, có lẽ đó cũng là nơi duy nhất mỗi chúng ta có thể tìm về, được trở lại chính mình sau bao thăng trầm của cuộc đời.
“Khánh Hòa là xứ trầm hương
Non cao biển rộng người thương đi về”
Chính nơi đây, những “người thương” của tôi cũng đã nằm xuống, mãi mãi ở lại với gió, với cát, với đất mẹ hiền hòa. Dẫu năm tháng có qua đi, nhưng “người thương” cùng những ký ức tuổi thơ mãi là hành trang vô giá, luôn đi bên tôi đến mọi góc biển chân trời. Ngày mai kia, khi con tôi khôn lớn, tôi sẽ cùng con ngắm bình minh quê mẹ, kể con nghe những câu chuyện ngày xưa, nuôi dưỡng nơi con tình yêu quê hương, đất nước từ những điều mộc mạc, bình dị nhất.
|
Bình luận (0)