Tìm nguồn kịch bản cho phim Việt

Ngọc An
Ngọc An
26/05/2021 06:29 GMT+7

Sau cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh vào năm ngoái, Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) vừa phát động cuộc thi sáng tác kịch bản cho phim tài liệu và hoạt hình dài nhằm tìm cách giải quyết thực trạng thiếu kịch bản phim Việt lâu nay.

 

Phim hay phải từ kịch bản hay

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, trước đây Hãng phim Tài liệu - khoa học T.Ư (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu khoa học T.Ư) từng sản xuất những bộ phim tài liệu dài để lại dấu ấn, có thể kể đến như Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc), Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế (đạo diễn Trần Văn Thủy)... Nhưng lâu nay, hãng phim vẫn được nhà nước “bao cấp” này chủ yếu chỉ sản xuất những bộ phim ngắn. Tương tự, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) gần như chưa ra mắt bộ phim nào có thể ra rạp chiếu như phim truyện điện ảnh (90 phút).

Một bộ phim hay nhất định phải xuất phát từ một kịch bản hay

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh

“Bên cạnh hướng đến việc tìm những kịch bản để sản xuất những bộ phim tài liệu, hoạt hình đưa ra rạp chiếu, hay dự thi liên hoan phim quốc tế, Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi này còn để các đơn vị sản xuất quan tâm hơn đến việc làm những tác phẩm dài 60 phút với phim tài liệu và 90 phút với phim hoạt hình. Với thời lượng như vậy, nhà làm phim mới có thể tạo ra những bộ phim có tầm, sâu sắc hay đi đến cùng vấn đề. Trong khi thế giới vẫn đi theo xu hướng làm phim như vậy, thì lâu nay chúng ta lại tự hạn chế mình”, ông Thành nói và cho rằng không phải những hãng phim trên quá tầm với về kinh phí sản xuất (bởi nhà nước vẫn cấp khoảng 700 - 800 triệu đồng đối với 1 phim tài liệu/hoạt hình dài 30 phút, có khoảng 15 - 18 phim/năm, kinh phí này có thể thay đổi cho phim tài liệu dài), mà nguyên nhân cốt yếu có lẽ nằm chính ở vấn đề thiếu kịch bản tốt - khâu đầu tiên của quá trình sản xuất phim. “Một kịch bản hay chưa chắc đã có một bộ phim hay. Nhưng một bộ phim hay nhất định phải xuất phát từ một kịch bản hay”, ông Thành nhấn mạnh.

Phim Siêu sao siêu ngố

Ảnh: ĐPCC

Giúp phim Việt cạnh tranh trên thị trường

Tại một cuộc hội thảo điện ảnh quốc tế vừa diễn ra tại TP.HCM, đạo diễn Phan Đăng Di không giấu những băn khoăn về tình trạng thiếu kịch bản của điện ảnh Việt hiện nay. Anh nhìn nhận: “Khi nguồn kịch bản chưa tốt, việc nhà sản xuất tìm mua kịch bản nước ngoài để remake (làm lại) chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, để điện ảnh Việt có sự cạnh tranh hay tiếng nói riêng, không có cách nào khác là phải tập trung phát triển nội dung, tạo nên nền công nghiệp nội dung”. Hiện nay, những nền tảng cung cấp nội dung điện ảnh cho khán giả Việt Nam rất rộng. “Chính điều đó đặt các nhà làm phim trong nước vào cuộc cạnh tranh lớn. Nếu không có nội dung hay, chất lượng nâng lên, khán giả tại Việt Nam sẵn sàng quan tâm tới phim nước ngoài ở rạp cũng như trên nhiều nền tảng số”, đạo diễn bày tỏ.
Trong cuộc thi Sáng tác kịch bản phim tài liệu (60 phút) và kịch bản phim hoạt hình (90 phút) năm 2021, nội dung kịch bản phim tài liệu tham dự cần phản ánh hiện thực sinh động của đời sống xã hội, có những phát hiện mới về cuộc sống và con người với góc nhìn đa chiều, nhằm góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước... Ban tổ chức khuyến khích kịch bản phim hoạt hình khai thác các nhóm đề tài: lịch sử, sự tích, cổ tích, giả tưởng, viễn tưởng về thế giới thiên nhiên, sáng tạo khoa học công nghệ; có nội dung gợi mở khám phá, phát huy trí tưởng tượng của khán giả…
Đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nhà biên kịch Kay Nguyễn… thường tổ chức, tham gia những khóa giảng dạy, workshop về kịch bản phim. Ngoài ra, Kay Nguyễn cùng với nhóm A Type Machine (từng tham gia viết kịch bản cho hàng loạt phim ăn khách của những đạo diễn tên tuổi như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân) thường cập nhật thông tin, bản dịch sách kịch bản trên mạng xã hội cho những người viết kịch bản trẻ, hay những người đang có đam mê với công việc sáng tạo nội dung này tìm đọc. “Làm phim là phải luôn cập nhật. Và muốn làm phim hay là cứ phải lao vào làm, va đập, từ đó vỡ ra”, Kay Nguyễn nói.
Bên cạnh những khóa học, các cuộc thi đang được coi là một trong những giải pháp cho nguồn kịch bản. Có thể thấy từ cuộc thi Nhà biên kịch tài năng từng được tổ chức liên tục trong ba năm 2017, 2018, 2019, một số kịch bản được đánh giá cao đã được sản xuất thành phim, như phim Siêu sao siêu ngố vượt mốc doanh thu 100 trăm tỉ đồng năm 2018, phim Táo quậy ra mắt vào mùa phim tết 2019… Cuộc thi Dự án phim ngắn CJ 2021 vừa được khởi động, trong đó những kịch bản xuất sắc được lựa chọn sẽ được cấp kinh phí 300 triệu đồng để làm phim. Tại cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức năm ngoái, ban giám khảo đã chọn được 2 kịch bản xuất sắc (đoạt giải nhì, không có giải nhất) là Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang và Thiên mạc hùng ca của Nguyễn Thị Mai Phương. “Kịch bản Thiên mạc hùng ca đang trong quá trình được Cục thẩm định đưa vào quy trình sản xuất phim đặt hàng”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng cho hay Cục cố gắng duy trì cuộc thi sáng tác kịch bản hằng năm. “Ở những cuộc thi này, không chỉ Cục lựa chọn kịch bản phù hợp để sản xuất theo đặt hàng nhà nước, mà những kịch bản tốt còn được giới thiệu tới các hãng phim, công ty sản xuất phim tư nhân”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.