Tranh cãi quy định thể thao mang tính khiêu dâm

02/08/2019 16:23 GMT+7

Mới đây, thông tin tập Yoga khỏa thân và dance sport trang phục phản cảm có thể bị 'liệt' vào thể thao khiêu dâm nhận được sự quan tâm của dư luận. Có không ít ý kiến tranh cãi về vấn đề này.

Nghị định 46/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao có hiệu lực từ ngày 1.8.2019 quy định sử dụng các bài tập, các động tác mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy sẽ bị phạt chế tài.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 46/2019/NĐ-CP, hành vi sử dụng bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Các hành vi gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác thông qua bài tập thể thao sẽ bị từ 10 đến 15 triệu đồng (trừ những bài, môn tập được pháp luật cho phép).
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đưa ra ví dụ về yoga khỏa thân; việc tập dance sport ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp. “Qua thực tế kiểm tra, một số môn thể thao hiện nay như yoga đã xuất hiện Yoga khỏa thân, như thế là trái với thuần phong mỹ tục. Hoặc thậm chí thể dục dưỡng sinh cũng có những hình thức như “suối nguồn tươi trẻ”. Những hoạt động như thế này không phù hợp với thuần phong, mỹ tục. Hay như vừa qua, hoạt động tập Pháp luân công vẫn diễn ra lén lút. Chúng tôi cũng biết cả môn dance sport ăn mặc phản cảm và có những động tác biến tấu không phù hợp, hình thức tập luyện không đúng”, ông Phúc nói.
Trên mạng xã hội, có không ít ý kiến tranh cãi xoay quanh quyết định xử phạt hành vi thể thao mang tính khiêu dâm. Một bộ phận đồng tình với quan điểm của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về việc này và cho rằng đây là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng tập luyện bị biến tấu hiện nay. Một tài khoản chia sẻ: "Hợp lý, thấy nhiều người tập thể dục, Yoga ăn mặc thấy hết cả vòng một và vùng bikini luôn. Cực kỳ không đẹp đẽ gì hết". "Yoga khỏa thân cũng chẳng sao nếu tự tập ở nhà hoặc có phòng tập riêng. Còn biểu diễn hay thi đấu thì cấm hoàn toàn", một cư dân mạng bày tỏ quan điểm. 

Đa số ý kiến cho rằng quy định của Bộ chưa rõ ràng, khó có thể thực hiện

Ảnh: Icon Imaging

HLV Trương Minh Sang, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam, nói: “Theo quan điểm của tôi, sự ra đời của Nghị định 46 không thừa đâu bởi trên thực tế, một số người tập bán chuyên nghiệp khi đến phòng gym đã cố tình “biến tấu” trang phục, cố tình để lộ hàng, gây hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục. Bị phạt là đúng. Với những VĐV chuyên nghiệp, nếu mặc trang phục quá hở hang sẽ bị trọng tài trừ điểm lúc thi đấu hoặc nếu thái quá, thậm chí còn bị cấm thi đấu ở giải đấu đó. Tuy nhiên, cần phải có văn bản nói rõ, các VĐV chuyên nghiệp chỉ được phép mặc những bộ quần áo phục vụ nghề nghiệp trong lúc tập luyện, thi đấu, không được phép mặc ra nơi công cộng, gây mất mỹ quan đô thị". 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối, cho rằng quy định này chưa chặt chẽ, cụ thể và không phù hợp với thực tế hiện nay. Một tài khoản bình luận: “Mấy cái này khó quá thì bỏ qua đi, người ta tập sao, mặc sao thì kệ người ta, miễn không trần truồng lên tivi thôi. Mấy ông rảnh thì ngồi tính chuyện làm sao để thu hút khách du lịch muốn đến Việt Nam". “Tôi không hiểu tại sao bài tập “suối nguồn tươi trẻ" lại được xếp vào danh sách thể thao phản cảm vậy? Có cả sách nói về bài tập ấy, được phát hành ở Việt Nam ta đấy", tài khoản khác nêu quan điểm. Một độc giả khác thẳng thắn: “Ngay cả người làm ra luật còn mơ hồ, chung chung thì làm sao thực thi theo".
Một tài khoản khác gay gắt: “Giờ lắm luật sao ý. Bọn sàm sỡ thì phạt tiền ít, còn mặc tập thể thao thì phạt cao". “Vận động thể thao không ai đóng vest kín đáo được, như thể hình, bơi lội đi bắt người ta mặc quần áo dài chăng?”, độc giả khác thắc mắc.
Liên quan đến câu chuyện này, ông Dương Ngọc Dũng, tiến sĩ khoa Tôn giáo học (Đại học Boston) thẳng thắn: “Tôi thấy rất là kỳ cục, nếu như họ không nói rõ điều mà họ muốn đạt đến là điều gì. Thể thao là nghề nhạy cảm mà mình không nói rõ ra thì rất là khó”. Đồng thời, ông Dũng cho biết Hiến pháp Việt Nam chủ trương được tự do thể hiện bản thân. “Tức là có quyền thể hiện cơ thể của mình, vấn đề là không đi ngược lại với những quy tắc ứng xử chung của cộng đồng", ông nói thêm.

“Trong đầu anh dâm thì thể thao sẽ khiêu dâm”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.