Mối lo phim giang hồ, xã hội đen trên mạng: Trước hết là tự tạo bộ lọc cho mình

Ngọc An
Ngọc An
28/02/2021 06:42 GMT+7

Trước sự bùng nổ của web-drama đề tài giang hồ, xã hội đen tràn ngập hình ảnh bạo lực , Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh , Bộ VH-TT-DL (ảnh), về việc quản lý phim trên không gian mạng.

Dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Với luật Điện ảnh (sửa đổi) này, chúng ta sẽ “gỡ” việc quản lý phim trên mạng như thế nào, thưa ông?
Đây là vấn đề khó, bởi phát hành phim trên mạng là xu thế chung của hoạt động điện ảnh, phát hành, phổ biến phim hiện nay. Đến giờ phút này, những người tham gia xây dựng dự thảo luật vẫn đang còn có những tranh luận, nhưng nhìn chung là hướng đến việc tự kiểm (hậu kiểm), tức là giao trách nhiệm kiểm soát nội dung, tư tưởng tác phẩm cũng như dán nhãn cảnh báo phân loại độ tuổi khán giả cho nhà sản xuất, phát hành. Việc phân loại độ tuổi căn cứ vào tiêu chí của Bộ VH-TT-DL. Từ những nhà sản xuất chuyên nghiệp cho đến những tổ chức, cá nhân ở VN khi phổ biến phim trên mạng đều phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, cơ quan quản lý, xã hội Việt Nam.
Mỗi bộ, ngành, tổ chức tham gia xây dựng dự thảo luật ở góc độ của mình đều đưa ra những quan điểm khác nhau. Có nhiều ý kiến cho rằng cần có sự khách quan giữa phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu và phim phát hành phổ biến trong không gian mạng, nếu tiền kiểm thì tiền kiểm hết, hoặc hậu kiểm thì hậu kiểm tất cả. Việc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ. Dự thảo luật này sẽ tiếp tục trình Chính phủ và đưa ra Quốc hội lấy ý kiến. Nhiều dự thảo luật đưa ra Quốc hội có khi thay đổi nhiều những vấn đề cơ bản. Bởi vậy, đây mới chỉ là các phương án, chưa thể nói là ý kiến cuối cùng được.
Vậy cơ quan quản lý đã có phương án nào cho việc tiền kiểm hay hậu kiểm phim phổ biến trên không gian mạng khi số lượng những phim này là rất lớn?
Đúng là với lợi thế của không gian mạng, số lượng những bộ phim cần quản lý sẽ là gánh nặng. Chẳng hạn nếu hậu kiểm sẽ cần phải tập trung sự cố gắng của nhiều cơ quan quản lý, bên cạnh đó là tận dụng cả lực lượng ở ngoài xã hội, tức là thông qua báo chí, truyền thông hay mọi người dân đều có thể phát hiện và thông báo cho cơ quan quản lý.
Còn nếu tiền kiểm thì nhiều khả năng là bất khả thi vì số lượng phim quá lớn. Một thành viên tham gia xây dựng dự thảo luật đến từ Đài truyền hình Việt Nam cho hay, ở đài này có riêng bộ phận gọi là biên tập hay có thể hiểu là tiền kiểm những bộ phim phát sóng gồm tới 150 người chỉ có việc thay nhau xem phim suốt ngày đêm mà đôi khi không hết lỗi. Chính bởi vậy, về phương án tiền kiểm, chúng ta còn phải tính tới việc liệu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực có thể đáp ứng được hay không.
Ông nhìn nhận thế nào về những tác động của phim chiếu mạng tràn ngập bạo lực, giang hồ, cảnh “nóng” nhất là khi mọi đối tượng đều có thể xem?
Những bộ phim như vậy ít nhiều tác động đến thế hệ trẻ, mặc dù đó không phải là nguồn duy nhất. Đây cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang vướng nhiều cái khó. Chẳng hạn, như luật An ninh mạng đã yêu cầu cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng giữa luật và thực tế triển khai thực hiện có nhiều vấn đề, cần quá trình tương đối bền bỉ.
Khi không gian mạng đang phát triển, cái hay, cái tốt cũng có mà cái xấu độc cũng không ít và không dễ để ngăn chặn bằng những giải pháp kỹ thuật, hay pháp luật. Trước hết, chúng ta cần huy động ý thức tự giác của người xem, mỗi người cần phải tự tạo bộ lọc cho mình. Đồng thời, người lớn cũng cần có sự hướng dẫn, sát sao với con trẻ tránh những nội dung xấu độc trên không gian mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.