Khoảng trống trong quản lý phim trên mạng

Ngọc An
Ngọc An
10/12/2020 06:16 GMT+7

'Quy định về phổ biến phim trên không gian mạng đúng là khoảng trống. Luật Điện ảnh phải dẫn sang luật liên quan, luật liên quan lại dẫn sang luật Điện ảnh nhưng không tìm ra quy định', ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), phát biểu tại hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa diễn ra hôm 9.12 tại Hà Nội.

Không thể quản lý theo cách “truyền thống”

Với việc quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết dự thảo đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là tiền kiểm (phim phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý hoặc được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động biên tập). Thứ hai là hậu kiểm (phim phát hành phổ biến phải có bản quyền, không vi phạm điều cấm, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi, doanh nghiệp nước ngoài phổ biến phải đặt chi nhánh hoặc có văn phòng đại diện tại Việt Nam).
TS Ngô Phương Lan (Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) cho rằng không thể quản lý phim trên mạng theo cách “truyền thống”. “Khối lượng sản phẩm của OTT (dịch vụ cung cấp trên mạng) có thể gấp nghìn lần so với phim chiếu rạp. Vậy, hội đồng nào duyệt xuể?”, bà Lan đặt câu hỏi. Theo bà Lan, nếu phim chiếu rạp vẫn kiểm duyệt mà phim trên mạng lại không thì sẽ gây ra sự không công bằng trong việc phổ biến phim ở những môi trường khác nhau. Nhấn mạnh việc quản lý phim trên mạng cần phải là nòng cốt của luật Điện ảnh (sửa đổi), bà Lan cho rằng: “Nếu việc này thành công thì luật mới thành công”.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL) Lê Thanh Liêm dẫn thêm ví dụ ở Đài truyền hình Việt Nam, riêng việc kiểm soát phim truyền hình đã có tới 150 biên tập viên “chỉ có việc xem phim”, và đặt vấn đề: “Vậy phim trên mạng chúng ta xử lý thế nào?”. Theo ông Liêm: “Chúng tôi mong được nhiều đại biểu quan tâm làm sao có cơ chế để quản lý nhiều phim như vậy”.
Đại diện Phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), đưa ra con số hơn 6.000 phim phát sóng trên các kênh truyền hình hiện nay, và nói thêm: “Còn phim đăng tải trên mạng không tính theo ngày nữa mà từng giây, từng phút”.
Khoảng trống trong quản lý phim trên mạng1

Bộ phim Madam Secretary được phát trên Netflix hồi tháng 5 sử dụng những thước phim quay ở VN nhưng chú thích địa danh Trung Quốc

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Phân cấp duyệt phim

Bên cạnh 2 mức phân loại mới được đưa vào dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) là dành cho trẻ dưới 13 tuổi kèm cha mẹ, người lớn và không phổ biến cho người dưới 21 tuổi thì một trong những điểm mới nữa của dự thảo luật là việc cấp giấy phép phổ biến và phân loại phim được phân cấp cho UBND cấp tỉnh (thay vì chỉ có Bộ VH-TT-DL hay đài truyền hình với phim phát sóng trên truyền hình). Bà Trương Thị Phương Lan (Bộ Tư pháp) cho rằng cần phải quy định rõ ràng về việc phân cấp, đồng thời rà soát về tính khả thi; trong khi bà Ngô Phương Lan góp ý việc phân cấp địa phương cần phải tính đến cả khả năng xảy ra chuyện “phim được tỉnh này chiếu mà tỉnh khác không chiếu”. Để tránh tình trạng đó, quy định cũng cần phải được đưa ra kỹ trong luật.
Ông Trần Thanh Hiệp (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện) đề xuất việc thẩm định, phân loại phim nên để cho giám đốc cơ sở sản xuất phim và hội đồng nghệ thuật của cơ sở đó tự thẩm định, phân loại. “Như việc người ta lái xe phải tôn trọng luật giao thông, không thể vượt đèn đỏ, đi sai làn, ngược chiều thì nhà làm phim ở đây cũng phải nắm luật và tự chịu trách nhiệm. Trong trường hợp vi phạm, chế tài xử lý phải mạnh”, ông Hiệp phân tích và cho rằng việc giao quyền thẩm định, phân loại phim cho các cơ sở làm phim tự thực hiện cũng là cách để khuyến khích quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của người làm phim.
Ông Hiệp đồng thời cũng đề nghị những quy định cấm cần phải cụ thể, rõ ràng hơn. “Nhiều anh em làm điện ảnh băn khoăn về điều cấm phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Điều cấm này dễ dẫn tới lý giải, cách hiểu khác nhau”, ông Hiệp nói.
Ông Vi Kiến Thành cho hay sau hội nghị lấy ý kiến này, ban soạn thảo sẽ tiếp thu và đăng tải dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Cục Điện ảnh trong vòng 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi.
Nguồn thu cho Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh
Quy định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được đưa ra trong luật Điện ảnh năm 2006, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa thể có vì vướng mắc ở nguồn thu cho quỹ. Trong dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi), nguồn thu của quỹ được dự kiến dựa vào vốn điều lệ của ngân sách nhà nước; tỷ lệ phần trăm trên giá vé xem phim; từ việc phát hành và phổ biến phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước; tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.